CHƯƠNG 2
LỄ TẾ CỜ CỦA HỒ CHÍ MINH
Lễ Tế cờ của Hoàng Sào
Trong các truyện Tàu, có một câu chuyện thật lý thú về Lễ Tế cờ như sau. Về cuối đời nhà Đường có một nhân vật giỏi võ nghệ tên là Hoàng Sào muốn dấy binh để dựng nghiệp lớn. Khi nhận được bảo kiếm của Thiên Đình trên trời do một vì tiên mang xuống, Hoàng Sào mới định ngày làm lễ khai đao và tế cờ. Lúc đó Hoàng Sào tá túc trong một ngôi chùa cho nên mới hứa với vị lão tăng trụ trì là không giết ai trong chùa cả và bảo các người trong chùa hãy lẩn tránh đi nơi khác. Đến ngày khai đao, Hoàng Sào đến một nơi vắng vẻ, rút bảo kiếm và chém vào một cây cổ thụ. Oái oăm thay, khi cây cổ thụ bị chém ngã thì Hoàng Sào chợt nhìn thấy vị lão tăng cũng bị chém theo cây! Thì ra, vì quá sợ nên vị lão tăng đã ẩn núp trong bọng của cây cổ thụ đó, và không cố tình và không nhẫn tâm mà Hoàng Sào đã chém chết người đã nuôi nấng bảo bộc mình. Hoàng Sào khóc mà than rằng: “Bản tâm tôi không định giết, tại sao lại trốn vào đây? Thật là số trời, không sao tránh khỏi.”
Đó là chuyện Lễ Tế cờ trong truyện Tàu ngày xưa. Hoàng Sào chỉ chém vào cây cổ thụ, nhưng cũng phạm vào tội giết một nhân mạng. Còn chuyện Lễ Tế cờ của Hồ Chí Minh ngày nay thì sao, xin mời quý bạn đọc.
Lưỡi hái tử thần từ hang Pắc Bó do Hồ Chí Minh mang về
Mấy ngàn năm sau, vào mùa thu năm 1945 trên đất Việt, Hồ Chí Minh kéo đồng đảng từ hang Pắc Bó ở Cao Bằng về Hà Nội và đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình nguyên văn như sau: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời nói bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các Dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...”
Trước quốc dân đồng bào thì Hồ Chí Minh tuyên đọc như vậy, nhưng thật ra ông đã nhận lịnh từ KGB của Đệ tam Quốc tế, ngoài mặt mượn cớ đánh đuổi thực dân Pháp nhưng thực tâm chỉ để xây dựng đảng Cộng sản Việt Nam và phục vụ Đệ tam Quốc tế của Stalin. Vì ác độc và vô cùng khát máu, giống như các bậc thầy Lênin, Stalin và Mao Trạch Đông, nên Hồ Chí Minh đã chỉ đạo một cuộc Lễ Tế cờ khủng khiếp có một không hai trong lịch sử, sát hại không biết bao nhiêu người vô tội gây ra cảnh thây trôi đầy sông, xác chôn ngập hầm.
Trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, Lễ Tế cờ của Hồ Chí Minh là tội ác diệt chủng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử và là tội ác đầu tiên của Việt Cộng. Hồ Chí Minh, ngay từ Mùa thu lịch sử 1945, đã đạo diễn một cuộc mở màn đầy sắt máu rất cân xứng với Cuộc Chiến tranh đánh Dân tộc kéo dài 30 năm, gây năm, sáu triệu người chết, cả chục triệu người bị thương, và hơn một triệu người phải sống kiếp ly hương nơi xứ lạ quê người. Tiếp theo Lễ Tế cờ là biết bao nhiêu tội ác khác: Đấu tố trong Cải cách Ruộng đất gây hai, ba trăm ngàn người chết, vụ Nhân văn Giai phẩm, vụ án oan khuất Xét lại Chống đảng, vụ Đàn áp ở Quỳnh Lưu khiến 1000 nông dân bị giết và 6000 bị đày biệt xứ, vụ Tàn sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân 4000 người bị đập đầu chôn sống, bắn vào dân chạy loạn gây tử thương mười mấy ngàn người trên Đại lộ Kinh hoàng trong Mùa hè Đỏ lửa, pháo kích vào trường học ở Cai Lậy, dùng đại liên bắn vào xe đò Sài Gòn-Lục Tỉnh để khủng bố mà thâu thuế...
Lá cờ máu của Hồ Chí Minh được tế bằng máu của biết bao nhiêu người dân vô tội như vậy, thực sự chỉ là lá cờ của đảng Cộng sản hung tàn khát máu, chớ không bao giờ xứng đáng là lá Quốc kỳ chính thức của Dân tộc Việt Nam, một Dân tộc có truyền thuyết Một mẹ trăm con vô cùng thân thương, một Dân tộc vượt cao trên bậc thang văn hóa của nhân loại vì đã ưu ái dùng từ Đồng bào để gọi những người dân trong cùng một nước. Nhưng than ôi! Chỉ trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa chống Pháp mà Hồ Chí Minh đã giết không biết bao nhiêu người là đồng bào của mình như vậy, cho nên sau nầy có người gọi Hồ Chí Minh là người Nga gốc Việt, người “Công dân Búa liềm” (chữ của tác giả Việt Thường trong quyển Sự tích Con yêu râu xanh). Người “Công dân Búa liềm Hồ Chí Minh” nầy đã quên mất gốc Việt của mình rồi mà lại còn đánh mất cả nhân tính nữa. Thật đúng như vậy, bởi vì khi Hồ Chí Minh “đã đi hết biển” và trở về cố hương để “làm việc”, thì ông đã là Quốc tế ủy (Kominternchik), tức là một đảng viên ưu tú và trung kiên được đào luyện thấu đáo để cống hiến hoàn toàn cuộc đời mình phục vụ Quốc tế Cộng sản (Komintern).
Mỗi người Việt chúng ta, thấm nhuần tình tự Dân tộc từ ngàn xưa, đều mang trong tâm những ý niệm nhân từ bác ái cứu nhân độ thế như: Cứu nhất nhân, đắc vạn phúc, hay Dẫu xây chín đợt phù đồ - Không bằng làm phúc cứu cho một người, hoặc Bầu ơi, thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn... Phát động một sát trường kết liễu mạng sống hàng vạn người dân vô tội trong tay không một tấc sắt để tự vệ, theo kiểu “Kách mệnh của Hồ Chí Minh”, chỉ là sách lược vô nhân thất đức của kẻ giết người cướp của mở đường cho chế độ độc tài đảng trị tham tàn khát máu, chớ nào phải thượng sách cứu quốc của những bậc chí sĩ làm cách mạng chân chính thực thi công bằng xã hội và mang lại tự do hạnh phúc cho toàn dân. Những nạn nhân về Lễ Tế cờ của Hồ Chí Minh nhiều vô số, nhưng chúng tôi chỉ xin nêu ra đây những trường hợp điển hình đệ trình trước tòa án lịch sử để sau nầy Dân tộc xét xử.
Sử dụng chiêu bài Việt gian, Cộng sản đã chém giết bừa bãi rất nhiều thường dân vô tội. Nhiều người đã bị chặt đầu, mổ bụng chỉ vì trong nhà có vài quyển sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, hay quần áo có màu xanh, trắng, đỏ... Việt Minh Cộng sản còn chụp cái mũ Việt gian lên đầu những kẻ có tư thù, hay những người yêu nước không cùng một đường lối cứu quốc với họ.
Thời của những đồ tể
Sử gia Vũ Ngự Chiêu, trong tác phẩm Các vua cuối Nhà Nguyễn đã gọi Lễ Tế cờ của Hồ Chí Minh là “Thời của những đồ tể”. Ông viết như sau (tập 3, trang 872): “Khí thế Việt Minh tỏa rộng nhanh khắp ba kỳ, đánh dấu “thời của những đồ tể”. Cảnh cắt tiết, mổ bụng, khoét mắt, buộc đá ném xuống sông các nạn nhân (mò tôm) lan tràn, gây hoảng sợ và căm phẫn trong nhiều giai tầng xã hội. Nhưng bạo lực cũng chỉ mới khởi đầu.”
Ông viếp tiếp rằng để trả lời những chỉ trích về “thời của các đồ tể” này, cơ quan ngôn luận của đảng CSĐD như Cờ Giải phóng tự biện hộ (trang 881 sđd): “Nhân tài quí thực, nhưng nếu cần vẫn phải trừ khử”.
Cô gái tám tuổi ở Hà Nội kể chuyện
Xin kể chuyện một cô gái 8 tuổi ở Hà Nội tản cư về quê trong thời kỳ đầu của cuộc Tiêu thổ Kháng chiến chống Pháp, trong quyển hồi ký của Nguyễn Thị Ngọc Dung Phượng vẫn nở bên trời Hà Nội (tr. 107):
“...Làng So có nghề làm tương rất ngon, có lẽ vì không xa làng Cự Đà chăng? Món rau diếp xanh tươi chấm cà chua chưng với tương, hành, mỡ béo ngậy, ăn hoài không chán. Nhưng phải cẩn thận, tránh đừng mua rau xanh, cà chua đỏ, đậu trắng để trong rổ cùng một lúc. Mấy cán bộ ta sẽ gán cho cái tội Việt gian mang cờ Pháp. Dù mầu xanh rau là xanh lá cây, xanh cờ Pháp là xanh dương. Những người bạn dân đó sẽ cho mấy mắng, mấy bạt tai, mất công lắm! Vậy cũng còn nhẹ. Một buổi chúng tôi theo mẹ đi chợ trời họp dưới chân đê làng bên, bất thình lình máy bay Pháp tới quần bắn tứ tung. Mọi người kéo nhau chạy tán loạn vào ẩn núp dưới bãi vải. Khi máy bay bỏ đi, êm ắng trở lại, các cán bộ răng đen, mã tấu hung hăng xông tới bắt các thanh niên nam nữ Hà Nội tản cư mặc quần áo trắng. Họ bị đánh đập tàn nhẫn đến vỡ đầu, bể mặt, máu chảy đỏ áo quần và vu tội làm chỉ điểm cho máy bay Pháp tới bắn phá. Hôm đó chúng tôi cũng mặc quần áo trắng nhưng còn nhỏ và mẹ lanh trí kéo chúng tôi nhanh chân chạy tuốt luốt một đường không kịp thở nên thoát.”
Nhà văn Tạ Tỵ kể chuyện
Nhà họa sĩ và văn sĩ Tạ Tỵ, trong quyển hồi ký Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi cũng thuật một câu chuyện khác về đề tài Việt gian. Lúc đó là khoảng mấy tháng đầu của cuộc kháng chiến và Tạ Tỵ đang phụ trách lớp dạy vẽ cho các cán bộ Thông tin Tuyên truyền ở làng Phù Lưu Tranh. Xin mời quý bạn đọc (trang 95 sđd):
“Sau 2 giờ dạy, được nghỉ 15 phút giải lao. Một học viên cho tôi biết, sáng nay, hồi 10 giờ, sẽ có cuộc xử bắn hai tên Việt gian ở khu đất trống gần chân núi: - Thày có đi coi không?
Tôi trả lời dứt khoát: - Không!
Nói cho đúng, tôi vốn không thích cảnh chém giết, nhất là tội Việt gian! Cái tội này nó mơ hồ lắm. Nếu xét trong người có chiếc gương nhỏ soi mặt, bị ghép ngay vào tội dùng gương làm ám hiệu cho phi cơ thả bom! Nếu ai mặc áo sơ-mi may bằng vải popeline trắng, mép vải có hai lằn xanh đỏ, cũng là Việt gian vì mang màu cờ của Pháp. Còn nhiều nữa, bất cứ thứ gì, anh du kích xã thấy lạ mắt đều là các vật liệu dùng để liên lạc, do thám cho địch!
Giờ giải lao vừa xong, các học viên vào chỗ ngồi, tôi chưa kịp giảng bài bỗng có những tiếng súng vọng lại. Thế là có 2 mạng người đi sang thế giới khác. Kể từ giây phút đó, tư tưởng bị phân tán, tôi nói loạn xạ, mong cho chóng hết giờ để đi về. Sau khi dạy hết một khoá, tôi xin nghỉ, nại cớ bận sáng tác, sự thực trong tôi đã dấy lên niềm chán nản”.
Tác phẩm Trả ta Sông núi của Phạm Văn Liễu
Tác giả Phạm Văn Liễu, thuộc thế hệ hào hùng tham dự trường Lục quân Trần Quốc Tuấn của VNQDĐ, trong quyển Trả ta Sông núi, đã tường thuật về tình hình ở miền Bắc như sau:
“Suốt cuối tháng 8, đầu tháng 9-1945, những vụ ám sát, thủ tiêu, cắt cổ, mổ bụng, buộc đá thả sông (mò tôm) xảy ra như cơm bữa, từ thành thị tới thôn quê. Nạn nhân phần đông là những người có đôi chút tiếng tăm hay gia sản. Cán bộ Cộng sản chụp cho họ cái mũ “Việt gian” để biện minh cho những vụ thảm sát vô nhân đạo này. Khi bị báo chí chất vấn về những vụ bắt bớ bừa bãi, Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh kiêm Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu trâng tráo đáp: “Tất cả những người bị bắt giữ đều là những người có tội với quốc dân.” Những tội nhân này, theo báo chí Cộng sản, có cả những cựu đồng chí VNQDĐ của Trần Huy Liệu như Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp, ông bà Đào Chu Khải, các tu sĩ Phật giáo và một số linh mục, thày giảng, trùm đạo Thiên Chúa Giáo”.
“Ngày 5-9-1945, Võ Nguyên Giáp còn nhân danh Bộ Nội vụ Chính phủ Cách mạng Lâm thời đặt đảng Đại Việt và các tổ chức Thanh niên không nằm trong Mặt trận Việt Minh ra ngoài vòng pháp luật. Từ ngày này, các đội tự vệ, du kích địa phương đêm đêm gậy gộc, giáo mác, tăng cường bằng vài khẩu súng lục hay ngựa trời, kéo nhau đi bắt Việt gian và gián điệp cho Tây! Tại miền Bắc, hàng trăm, hàng ngàn người bị bắt, giết…”
Chuyện kể của Nghiêm Kế Tổ
Những câu chuyện về Việt gian thật phổ biến trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến. Sau đây là chuyện kể của Nghiêm Kế Tổ trong quyển Việt Nam máu lửa (trang 128) với đầy đủ chi tiết hơn.
“Số dân tản cư ngày mỗi nhiều. Quân đội Pháp càng ngày càng mở rộng mặt trận. Những người tản cư cũ lại xê dịch đi chút nữa và những người tản cư mới bắt đầu rời bỏ quê hương, cứ như thế mãi. Dân chúng với cuộc đời vô định đã làm mồi dần cho muỗi độc, cho lam sơn chướng khí, cho bom đạn, cho các trận càn quét...
Những bà đài các ở thành thị vui vẻ khi đặt quang gánh lên vai kĩu kịt thúng xôi chè hay trầm tĩnh bên gia tài chỉ còn vẻn vẹn một quán nước con con. Nhưng, tất cả sản nghiệp mất đi, chưa đủ, ngày ngày giơ đầu hứng bom và đạn, chưa đủ, ngày ngày lên cơn sốt rét, chưa đủ, người dân còn phải hứng một điều đau khổ về tinh thần trên sức chịu đựng: những vụ bắt bớ liên tiếp với lời sỉ vả Việt gian.
Nếu quân đội Pháp có bắt được dân tưởng lầm là Việt Minh mà giết đi chăng nữa, sự chết đó cũng không đau lòng lắm bằng theo Chánh phủ mà Chánh phủ lại xử bắn vì tội…Việt gian. Thật là cay đắng, mỉa mai và chua xót!
Những người bắt Việt gian thường khi chẳng phải là Công an mà cũng chỉ là dân như những người tản cư. Đấy là những dân quê giữ nhiệm vụ canh gác làng mạc và nếu mặt trận tràn tới, họ cũng sẽ lại tản cư để rồi cũng có thể bị những người dân vùng khác tình nghi và bắt bớ. Những cớ để bắt trên bước đường tản cư vô định của dân chúng thật là thiên hình vạn trạng:
Cô tiểu thư vô tình cầm gương soi trong khi có tiếng động cơ máy bay tận phía chơn trời: đúng là Việt gian báo hiệu cho không quân Pháp đến bắn phá. Một cái mũ trắng đội trên đầu, một chiếc nón phe phẩy cho mát trên cánh đồng mênh mông, thậm chí một kẻ ngồi đại tiện trên góc quả đồi trơ trọi cũng bị nghi là Việt gian báo hiệu cho địch. Rồi một vài nén hương châm cắm vô tình trên phần mộ, rồi tờ giấy bạc của bao thuốc lá thơm ném bâng quơ trên bãi cỏ: Việt gian, Việt gian tất… Một học sinh mang theo trong người chiếc bút chì nhiều mầu hay một cụ già mặc chiếc áo sa tanh cũ trong có mép vải viền tam tài: đấy là cờ của Pháp, đấy là dấu hiệu để Việt gian nhận nhau cho dễ.
Kinh hoàng của người dân trước việc bắt bớ vì lý do Việt gian lên đến tột bực. Hơn thế nữa, người dân còn luôn luôn bị hoảng hốt, tưởng tượng xung quanh mình ai cũng có thể là Việt gian, có thể bất cứ lúc nào máy bay Pháp cũng nhờ được Việt gian chỉ dẫn bắn phá nơi mình cư ngụ.
Số nạn nhân Việt gian lên đến hàng ngàn, hàng vạn. Giam cầm, đầy ải hoặc thủ tiêu? Chẳng ai biết, chẳng ai hay. Được thế, dân quân du kích, Công an, hay Ủy ban kháng chiến cứ việc bắt bớ thẳng tay, không thương tiếc”.
Xác người trôi đầy sông
Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản của ông đã biến Cuộc Cách mạng Mùa thu hào hùng của Dân tộc thành Cơn bão thu khốc liệt quét phủ màng tang tóc lên khắp dải non sông thân yêu (Nguyễn Chí Thiện gọi là “Mùa thu Nước lũ”). Một nhân chứng khác là tác giả Vũ Trọng Kỳ trong quyển Bốn đời chạy giặc đã phải bỏ nghề Kiểm lâm để mua một thuyền nan nhỏ buôn bán một ít đồ hàng trên sông ở khoảng Đò Lèn và đã chứng kiến (trang 187 sđd):
“Bồng bềnh trên mặt nước, tâm thần tôi luôn luôn hồi hộp vì thấy mạng con người buổi loạn ly như treo trên sợi tóc. Hàng ngày thấy những tử thi, đàn ông, đàn bà, con trẻ, nhiều cái không toàn thân, lõa lồ, mất đầu, hay cụt cẳng, có cái chân tay bị trói, hết thẩy chương, sình, nổi lều bều, theo giòng nước cuốn, hoặc bị mắc vào đám bèo đám rong, quang cảnh thật hãi hùng”.
Sát hại Hòa thượng Thích Đức Hải
Đúng ngay ngày 19-8-1945, ngày Hồ Chí Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, thì ở Hà Đông sư phụ của Thầy Thích Quảng Độ là Hòa thượng Thích Đức Hải bị xử tử.
Ngày 19-8-1945, vào lúc 10 giờ sáng, Hòa thượng Thích Đức Hải, trụ trì tại chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông đã bị đánh đập dã man trước khi bị hành quyết tại bãi cỏ trước đình làng Bặt thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, cách chùa của hòa thượng hai cây số. Trong bức thư gởi cho Tổng bí thư Đỗ Mười ngày 19-8-1994, Hòa thượng Thích Quảng Độ giãi bày như sau:
“Nhưng dù có bị giết chăng nữa thì tôi cũng nói lên niềm tin vững chắc của tôi là chủ nghĩa Cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài. Không phải bây giờ tôi mới có niềm tin ấy, mà nó đã nảy sinh trong tôi ngay từ lúc 10 giờ sáng ngày 19-8-1945 (hồi đó tôi 18 tuổi) khi tôi nhìn sư phụ tôi, hai tay bị trói bằng dây kẽm quặt về phía sau, cổ đeo hai tấm biển viết mấy chữ Việt gian Bán nước, một tấm trước ngực một tấm sau lưng, đứng giữa sân đình làng Bặt, hai bên một đoàn người tay cầm gậy gộc giáo mác, cu liêm bồ cào đứng canh gác. Một nhóm người mệnh danh là quan tòa của Tòa án nhân dân đứng trên thềm đình để xử án. Họ bắt sư phụ tôi quì xuống sân đình và cúi đầu nghe tòa luận tội. Nhưng sư phụ tôi đã không chịu làm thế. Một người từ trên thềm đình bước xuống đứng trước mặt sư phụ tôi, nói: “Mày là thằng Việt gian Bán Nước mà còn ngoan cố à?”
“Nói xong, họ đấm vào quay hàm thầy tôi mấy cái, một dòng máu từ trong miệng sư phụ tôi ứa ra, chảy theo cằm nhỏ xuống thấm đỏ tấm biển Việt gian Bán nước ở trước ngực. Lập tức họ tuyên án tử hình rồi đưa sư phụ tôi ra trước bãi cỏ trước đình, máu từ miệng sư phụ tôi tiếp tục chảy ra, thấm vạt áo dài, nhỏ xuống sân đình. Khi đến bãi cỏ, họ vật sư phụ tôi nằm nghiêng xuống rồi một người bắn vào màng tai sư phụ tôi ba phát súng lục, lại một dòng máu đỏ tươi phun lên thẳng tắp và sư phụ tôi chết liền tại chỗ. Dòng máu ấy với hình ảnh sư phụ tôi hai tay bị trói nằm chết trên bãi cỏ máu me đầy mặt, hai tấm biển Việt gian Bán nước thấm máu, vạt áo thấm máu, hai bàn chân thấm máu, máu vương trên bãi cỏ, chỗ nào cũng thấy máu. Tất cả những hình ảnh ấy đến nay đã 49 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in và tưởng chừng như mới hôm nào đó thôi. Thật là một cơn ác mộng.”
“Trong cơn đau đớn tột cùng và hai hàng nước mắt tuôn chảy, ngay từ giờ phút ấy, ngồi trên bãi cỏ nhìn xác sư phụ tôi, tôi đã nghĩ Cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài, lí do: Cộng sản chủ trương căm thù đấu tranh giai cấp, đánh và giết người như thế là ác quá, mà cái ác thì thường không bền, lịch sử đã chứng minh điều đó. Bởi lẽ, tâm lí người ta nói chung, tuyệt đại đa số đều yêu cái thiện ghét cái ác, mà cái người ta đã ghét thì khó tồn tại lâu được. Bảy mươi bốn năm tồn tại (1917-1991) của chế độ Cộng sản Liên sô không phải là một thời gian lâu dài nếu so với 215 năm tồn tại của triều đại nhà Lý tại Việt Nam mà, theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, là một triều đại thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam.”
Bức thư Hòa thượng Thích Quảng Độ viết ngày 19-8-1994 gởi cho Tổng bí thư Đỗ Mười là một bức thư lịch sử vô cùng quan trọng, bởi vì đúng vào ngày 19 tháng tám 49 năm trước, tức là ngày Hồ Chí Minh cướp chính quyền 19-8-1945, máu vị chân tu Thích Đức Hải đã chảy thấm tấm biển Việt gian Bán nước, để khởi đầu cho CƠN PHÁP NẠN do Cộng sản vô thần gây ra. Trong bức thư lịch sử đó, hòa thượng Thích Quảng Độ cũng tố cáo Cộng sản đã sát hại vị sư bá và sư tổ của mình.
Vị sư bá của Hoà thượng Thích Quảng Độ (tức là đạo huynh của Hòa thượng Thích Đức Hải) là Hòa thượng Thích Đại Hải. Ngài trụ trì chùa Pháp Vân (chùa Dâu) thuộc tỉnh Bắc Ninh, cũng đã bị Cộng sản bắt vào năm 1946 và sau đó đã chết vì bị kết tội là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng.
Vị sư tổ của Hòa thượng Thích Quảng Độ pháp huý là Thích Thanh Quyết trụ trì chùa Trà Lũ Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1954, Cộng sản vào chùa bảo ngài có tội dùng tôn giáo chính là thuốc phiện để ru ngủ nhân dân và sẽ bị qui định thành phần đưa ra đấu tố. Ngài quá sợ bèn thắt cổ chết để khỏi bị mang ra đấu tố.
Sát hại Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân và Phạm Quỳnh
Ở miền Trung, chỉ 4 ngày sau khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Việt Cộng xử dụng thủ đoạn mời các nạn nhân Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân và Phạm Quỳnh đi họp rồi âm thầm thủ tiêu bằng cách lấy xẻng cuốc đập chết và vùi chôn xác ở một vùng của rừng Hắc Thú thuộc tỉnh Quảng Trị.
Viết về vụ sát nhân dã man nầy, chúng ta không khỏi không nhắc đến tên hai người khá nổi tiếng trong lịch sử cận đại có ít nhiều liên quan với trường Quốc Học Huế, người thứ nhất là Ngô Đình Khả và người thứ hai là Nguyễn Kim Thành. Cụ Ngô Đình Khả chủ trương khai dân trí bằng cách mở mang và đại chúng hóa nền giáo dục theo đường hướng kết hợp hai nền văn hóa Đông Tây. Cụ đã trở thành người rất tâm đắc của vua Thành Thái. Khi mới lên ngôi, nhà vua chỉ mới 10 tuổi, nhưng rất thông minh và giàu lòng yêu nước. Khi vua Thành Thái đúng 18 tuổi (năm 1896) được tự quyết định việc triều chính, ngài đã triệu dụng và giao phó cho cụ Ngô Đình Khả trách nhiệm tổ chức và điều hành một cơ sở giáo dục cấp Quốc gia đúng theo đường lối và chủ trương của cụ. Trường Quốc Học Huế được thành lập từ đấy và cụ đã trở thành vị Chưởng giáo (tức là hiệu trưởng) đầu tiên của trường. Sau nầy, khi dựng bia kỷ niệm trường, giáo sư Tôn Thất Sa có bài thơ ghi ở bia như sau:
“Trường Quốc Học ấy ai xây dựng
Sáu mươi năm đứng vững giữa trời
Đế Kinh nhắc nhở tên người
Cụ Ngô Đình Khả muôn đời tiếng thơm …………………
Dựng bia kỷ niệm gọi là
Ghi ơn người trước, nhắn lời người sau”
(Trích Đặc san Tiếng sông Hương)
Sáu mươi năm đứng vững giữa trời
Đế Kinh nhắc nhở tên người
Cụ Ngô Đình Khả muôn đời tiếng thơm …………………
Dựng bia kỷ niệm gọi là
Ghi ơn người trước, nhắn lời người sau”
(Trích Đặc san Tiếng sông Hương)
Người thứ hai trong vụ án mạng giết người nầy là Nguyễn Kim Thành, học sinh trường Quốc Học vào thập niên 30. Tên thì rất xa lạ, nhưng biệt hiệu Tố Hữu thì không ai là không biết. Vào thời gian đó, Tố Hữu giữ chức Trưởng ban Cách mạng ở Huế, và chính Tố Hữu đã nhận lịnh thủ tiêu ba nạn nhân nầy. Khi cụ Ngô Đình Khả giúp nhà vua ái quốc Thành Thái thiết lập ngôi trường đầu tiên theo Tây học để nâng cao dân trí hầu theo kịp các nước Âu châu, và chính cụ đã có công điều hành trường trong hai năm đầu, theo Tình tự Dân tộc, cụ những tưởng mình đã vun trồng cây đức để lại cho con cháu đời sau. Nhưng oan nghiệt thay! Năm mươi năm sau, chính Tố Hữu, người học sinh thụ nhận nền học vấn của trường, đã ra lịnh hạ sát dã man Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân là con và cháu của người đã sáng lập ngôi trường đó! Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu Hồ Chí Minh mang tội giết vợ, Trường Chinh mang tội giết cha, Trần Văn Giàu mang tội giết bạn, thì Tố Hữu tránh sao khỏi tội hại thầy? Tất cả một phường phản phúc!
Về cụ Ngô Đình Khôi, tác giả Nguyễn Trân trong quyển Công và tội đã ghi vài hàng như sau (trang 29): “Sau khi Nhựt đảo chánh, cụ Ngô Đình Khôi đã có nhiều buổi họp với một số nhân vật Đế đô bàn định cách đối phó với tình hình mới. Tôi có dự mấy buổi họp ấy tại Gia Hội. Trong các người họp tôi còn nhớ có Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Kim Chi, Bác sĩ Thái Can và một số người nữa mà tôi không nhớ tên. Cụ Khôi được đề nghị đứng ra lập Chính phủ, nhưng cụ từ chối, nói cụ chỉ là một người của quan trường lại bị cách chức (vì chống Pháp). Cụ nói ông Ngô Đình Diệm là người cách mạng, đã nghiên cứu nhiều, có thể đảm đương trọng trách ấy.”
Kỳ ngộ đẹp ở An Cựu
Lúc đó, Ngô Đình Huân là một thanh niên ưu thời mẫn thế đang tìm phương cách để giúp nước. Trong quyển Nhà Cách mạng Tạ Thu Thâu, tác giả Phương Lan đã ghi lại rằng Tạ Thu Thâu trên đường từ Nam ra Bắc có dừng chân ở Huế và có bàn luận việc nước với Ngô Đình Huân. Chính nữ sĩ Song Thu đã tổ chức buổi hội ngộ nầy và bảo với Tạ Thu Thâu rằng: “Ngô Đình Huân là một người rất tế nhị trong cách xã giao, có tấm lòng ngưỡng mộ ông, đang thao thức về phong trào nhân dân hiện tại cũng như ở tương lai và muốn bàn luận để tìm thế cứu nước”.
Hai người đã gặp nhau trong bữa cơm chiều thân mật do Ngô Đình Huân khoản đãi trong nhà một người thân ở An Cựu. Hai người yêu nước, Tạ Thu Thâu xuất thân là con một người thợ mộc nghèo khó ở tỉnh Long Xuyên và Ngô Đình Huân là ấm tử của một danh gia vọng tộc ở chốn Cố Đô Huế, hai người ưu tư vì vận nước, đã tìm gặp nhau để bàn cách thế cứu nước trong cuộc họp mặt lịch sử đó. Thật là một kỳ ngộ. Nhưng than ôi! chẳng bao lâu sau, cả hai đều bị Cộng sản sát hại. Bây giờ, khi viết những dòng chữ nầy, người viết vẫn ngậm ngùi khôn tả, khôn ngăn dòng tâm lệ thương tiếc những người yêu nước yểu mệnh vì bị Cộng sản sát hại, và lại khóc cho vận nước điêu linh. Với lòng thương cảm vô vàn khi ngoảnh nhìn lại lịch sử, người viết mơ tưởng với đầy hy vọng một Đại kỳ ngộ trong tương lai trên đất Việt của triệu triệu thanh niên Việt yêu nước, một Đại kỳ ngộ hướng tâm về cuộc Kỳ ngộ đầu tiên ở An Cựu năm 1945 trên quê hương thân yêu lúc không còn bóng dáng của những “Tam cùng Tam vô Bác Hồ vĩ đại Kominternchik...” Một Đại kỳ ngộ mà ý tưởng đấu tranh giai cấp hèn hạ tàn ác nhạt nhòa đi trong tình yêu thương bao la của những người con dân cùng chung một mẹ của Việt tộc!
Sáng đảng nhưng mù tình Dân tộc, Hồ Chí Minh và đồng bọn đã phạm vô vàn tội ác đối với Dân tộc. Nào phải đến thập niên 50 Việt Minh Cộng sản mới thi hành chánh sách trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ đâu, mà ngay những ngày mới vừa thành lập Đảng năm 1930, cho đến khi cướp được chính quyền năm 1945, khi quân đội Pháp chưa trở lại Việt Nam, thì chúng đã bắt đầu sát nhân hàng loạt để loại trừ địch thủ rồi. Và chính Hồ Chí Minh, lúc còn mang tên Nguyễn Ái Quốc đã học sách lược nầy từ Lênin và Stalin hồi năm 1924 và được Đệ tam Quốc tế Komintern tuyển chọn, đào tạo, và ủy nhiệm trong chức vụ Quốc tế ủy Kominternchik rồi!
Sát hại nhà đại học giả Phạm Quỳnh
Trường hợp nhà đại học giả Phạm Quỳnh là một trường hợp đặc biệt vì Cộng sản đã sát hại ông và sau đó vì nhu cầu sống còn của Đảng, họ còn bôi bẩn thanh danh ông và gạt bỏ công trình lớn lao của ông trong Văn học (Trích bài Trường hợp Phạm Quỳnh của sử gia Trần Gia Phụng, trong Tuyển tập Giải oan lập một Đàn tràng, trang 320). Giết xong Phạm Quỳnh, Cộng sản còn tính việc huỷ diệt luôn hình ảnh sáng chói nhà học giả Phạm Quỳnh. Cộng sản quy chụp cho Phạm Quỳnh tội phản quốc, làm tay sai cho Pháp. Gần 40 năm sau, trong bộ Từ điển Văn học, gồm 2 tập, mỗi tập trên 600 trang, do nhiều người viết và Ủy ban Khoa học Xã hội xuất bản tại Hà Nội, vẫn không có mục Phạm Quỳnh. Khi viết về các nhóm văn hóa, sách này không thể loại nhóm Nam Phong vì nhóm này có khá nhiều tác giả nổi tiếng. Nói đến nhóm Nam Phong, trang 121-123, tập 2, tác giả Nguyễn Phương Chi trong ban biên tập từ điển, vẫn gọi Phạm Quỳnh là bồi bút, phản động. Hơn thế nữa, năm 1997, trong Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Hoá Hà Nội ấn hành, Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên tập, mục Phạm Quỳnh trang 578-579, hai tác giả nầy viết: “Hoạn lộ của ông [chỉ Phạm Quỳnh] lên nhanh như diều gặp gió vì gắn bó mật thiết với các quan thầy Thực dân... Ngày 23-8-1945, Phạm bị các lực lương yêu nước bắt ở Huế, rồi sau đó bị xử bắn ở làng Hiền Sĩ, tỉnh Thừa Thiên, hưởng thọ 53 tuổi”.
Đó là những học giả văn nô trong nước viết theo lịnh Đảng để ngụy tạo lịch sử. Sự thật thì Phạm Quỳnh không bị xử bắn ở làng Hiền Sĩ mà bị đập vỡ sọ bằng xẻng cuốc một cách dã man và chôn ở rừng Hắc Thú. Ở quốc ngoại, đảng cũng không tha Phạm Quỳnh nên đạo diễn cho tạp chí Đi tới ở Canada ra số đặc biệt (tháng 9-1999) về chủ đề Phạm Quỳnh Văn hào và Chánh trị: Công hay tội. Lập lờ đánh lận con đen như bản tính của Cộng sản, tạp chí Đi tới cho đăng 4 bài mà hết 3 bài của 3 tác giả thân cộng, theo chiến pháp lấy 3 chọi 1, lấy thịt đè người (giáo sư văn khoa Nguyễn Văn Trung, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Tuấn và giáo sư sư phạm Nam Giao) cùng đứng chung ở vị trí đối kháng Phạm Quỳnh. Điểm đáng ghi nhận, là toà soạn đã tỏ thái độ trung dung tối thiểu đem đăng kèm bài báo của nhà văn Nhuệ Hồng (tức Luật sư Nguyễn Hữu Thống) dành sự tán thưởng cho công trình văn hoá ngày xưa của nhà học giả Phạm Quỳnh.
Chuyện hai trang giấy trắng
Đây là câu chuyện rất lý thú về Trang giấy trắng của học giả Phạm Quỳnh sánh với Trang giấy trắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng trên trang giấy trắng, đối chiếu phong cách của Phạm Quỳnh với hành tung của Hồ Chí Minh, Dân tộc mới phân biệt chính tà, thiện ác. Dân tộc mới rạch ròi ai là bậc tài cao học rộng mà vẫn bảo tồn và phát huy văn hóa của tiền nhân, còn ai là kẻ ngu hèn, vong bản theo Nga Tàu, cõng rước chủ nghĩa ngoại lai về tàn phá Đất nước, sát hại Dân tộc.
Đây, trang giấy trắng của Hồ Chí Minh. Trong quyển hồi ký Hoa xuyên tuyết của Bùi Tín viết với bút hiệu là Thành Tín và xuất bản ở Paris vào mùa thu 1991, tác giả Bùi Tín viết về “Trang giấy trắng của Hồ Chí Minh” như sau (Trích Hoa xuyên tuyết, trang 66): “Gần như trên một trang giấy trắng, chúng ta đã đổ lên một lọ mực tầu đen và ngộ nhận đó là ánh sáng!”
Cách ví von của Bùi Tín thật lý thú. Trang giấy trắng của Hồ Chí Minh là Dân tộc, hoặc là cuộc Cách mạng Mùa thu, lọ mực tầu là Tư tưởng Mao Trạch Đông cùng những sách lược tẩy não, chỉnh huấn, đấu tố, cải cách ruộng đất tai hại tàn phá Đất nước, sát hại Dân tộc. Đổ cả lọ mực tầu lên trang giấy trắng thì còn gì là giấy! Mà ai đã đổ? Vào năm 1991 Bùi Tín viết là “chúng ta”, nhưng Dân tộc biết thủ phạm đổ mực là người đã phát biểu câu “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được”. Chính Bác Hồ vĩ đại đó! Năm 1951 Bác đã đổ cả lọ mực Tầu để phá hư cả trang giấy Việt Nam!
Trang giấy trắng của Hồ Chí Minh đã bị mực Tầu đổ lên như vậy hẳn là phải bị vất bỏ vào sọt rác! Còn “Trang giấy trắng của học giả Phạm Quỳnh” thì sao, xin mời quý bạn đọc tiếp (Trích bài Trường hợp Phạm Quỳnh của sử gia Trần Gia Phụng trong Tuyển tập Giải oan lập một Đàn tràng, trang 304): “Dân Việt Nam chúng tôi không thể ví như một trang giấy trắng được đâu. Chúng tôi là một quyển sách đầy chữ viết một thứ mực không phai. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ được.”
Vào thời điểm đó, Phạm Quỳnh là một nhà báo trẻ, tuổi ngoài 30, đúng ra ông đang là chủ bút tạp chí Nam Phong, được tháp tùng phái đoàn vua Khải Định sang Pháp. Ngày 22-7-1922 ông được mời diễn thuyết tại Hàn Lâm viện Pháp ở Paris. Trước các nhà trí thức hàng đầu của Pháp, học giả Phạm Quỳnh đã can trường phát biểu rằng trang giấy của Dân tộc đã đầy những chữ viết một thứ mực không phai và bảo rằng họ không thể nào viết một thứ chữ khác lên được. Điều mà Phạm Quỳnh muốn phát biểu là Pháp quốc có thể đem khoa học kỹ thuật phổ biến chớ không thể nào hủy diệt được truyền thống văn hóa của Dân tộc Việt Nam. Những điều học giả Phạm Quỳnh trình bày với các vị trong viện Hàn lâm của Pháp năm 1922 là nét chính của một nền quốc học mà sau này vào thời Đệ nhất Cộng hòa được Giáo sư Ưng Thiều diễn tả bằng câu đối chữ Hán chuyển sang Quốc ngữ như sau: Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt - Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.
Vào thời điểm đó, Phạm Quỳnh là một nhà báo trẻ, tuổi ngoài 30, đúng ra ông đang là chủ bút tạp chí Nam Phong, được tháp tùng phái đoàn vua Khải Định sang Pháp. Ngày 22-7-1922 ông được mời diễn thuyết tại Hàn Lâm viện Pháp ở Paris. Trước các nhà trí thức hàng đầu của Pháp, học giả Phạm Quỳnh đã can trường phát biểu rằng trang giấy của Dân tộc đã đầy những chữ viết một thứ mực không phai và bảo rằng họ không thể nào viết một thứ chữ khác lên được. Điều mà Phạm Quỳnh muốn phát biểu là Pháp quốc có thể đem khoa học kỹ thuật phổ biến chớ không thể nào hủy diệt được truyền thống văn hóa của Dân tộc Việt Nam. Những điều học giả Phạm Quỳnh trình bày với các vị trong viện Hàn lâm của Pháp năm 1922 là nét chính của một nền quốc học mà sau này vào thời Đệ nhất Cộng hòa được Giáo sư Ưng Thiều diễn tả bằng câu đối chữ Hán chuyển sang Quốc ngữ như sau: Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt - Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.
Giáo sư Ưng Thiều là giáo sư dạy trường Trung học Trương Vĩnh Ký và câu đối đầy ý nghĩa đó được trang trọng tô điểm trước cổng trường để nói lên phẩm chất của nền Quốc học vẹn toàn, vừa trau dồi đạo đức vun bồi nét đẹp của văn hóa ngàn đời trước, vừa phát triển khoa học kỷ thuật để theo kịp những quốc gia tiến bộ trên thế giới ngày nay. Câu đối đó không phải của riêng trường Trương Vĩnh Ký mà là tôn chỉ chung cho nền Quốc học của Dân tộc. Nhưng than ôi, câu đối dù hay dù đẹp mà nào có trường tồn được đâu! Sau khi cưỡng chiếm trọn cả Đất nước bằng bạo lực và tuyên truyền xảo trá, kẻ chiến thắng ngu dốt Lê Duẩn đã ra lịnh hủy bỏ Tôn chỉ Quốc học hay đẹp đó để thay thế bằng khẩu hiệu “Đoàn kết Đoàn kết Đại Đoàn kết - Thành công Thành công Đại Thành công”.
Khẩu hiệu chỉ nói lên tính gian xảo, hiểm độc, và khát máu của Đảng vì “Đoàn kết của Đảng” chỉ là chiêu bài ở ngoài miệng để ngầm sát hại ám toán những kẻ không theo mình và “Đại thành công” có nghĩa là các Đảng viên cao cấp trở thành tỷ phú Mỹ kim trong khi Đất nước và Dân tộc bị Đảng xô đạp xuống mức nghèo khổ ngang hàng các quốc gia nghèo đói ở châu Phi! Về khẩu hiệu kêu gọi “Đoàn kết”, tác giả Trần Nhu trong tác phẩm Địa ngục sình lầy, người tù bị Việt Cộng bắt giam lúc 18 tuổi đến năm 40 tuổi mới được thả, đã nhận xét rằng Hồ Chí Minh là nhân vật đã xử dụng ngôn từ “Đoàn kết” nhiều nhất trong lịch sử Dân tộc (Quyển Địa ngục sình lầy, tr. 113): “Nhưng không biết bao nhiêu cái đầu đã rơi theo kiểu đoàn kết của ông. Và ông đã thành công trong việc lội qua những suối máu, mà chân không dính máu”.
Nếu vào năm 1951 Hồ Chí Minh “đổ cả lọ mực Tàu lên trang giấy trắng” thì đến năm 1975, khi Lê Duẩn ra lịnh hủy bỏ câu đối: “Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt - Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm” để thay thế bằng câu: “Đoàn kết Đoàn kết Đại Đoàn kết - Thành công Thành công Đại Thành công” thì cũng ví như “mang giầy trận của Liên Xô dẫm nát vườn hoa Dân tộc để loài cỏ dại (cỏ Cụ Hồ) có cơ phát triển”. Toàn là những việc làm “ba chữ D: Dốt Dại Dối” như lời phê của giáo sư Phạm Thiều, người cũng là giáo sư đã dạy ở trường Trương Vĩnh Ký trước năm 1945, vào bưng theo Hồ Chí Minh kháng chiến, đến 1954 tập kết ra Bắc, nhưng sau cùng Giáo sư Phạm Thiều ân hận vì đã theo Việt cộng đánh phá Dân tộc, nên tự tìm lấy cái chết để lại “Lời phát biểu ba chữ D: Dốt Dại Dối” cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Giết Giáo sư Dương Quảng Hàm
Một cựu học sinh kỳ cựu của trường Chu Văn An là Nguyễn Bát Tuấn trong bài Vài nét về trường trung học Bưởi – Chu Văn An đã viết (Bài đăng trong Đặc san Chu Văn An xuất bản tại Sydney năm 2002): “Trường Bưởi, tiền thân của Chu Văn An được khai sinh năm 1908... Ngày 1-10-1945 trường được hồi cư về Việt Nam Học xá và chừng một năm sau trường dọn về trường tiểu học Félix Faure”.
Ông viết tiếp rằng đến lúc đó thầy Nguyễn Gia Tường đã thay thầy Hoàng Cơ Nghị làm Hiệu trưởng và “Ngày 14-12-46 thầy Dương Quảng Hàm, vị giáo sư quốc văn nổi tiếng lên làm Hiệu trưởng. Nhưng chẳng may, đến ngày 26-12-46 thầy Hàm bị bắn chết trên sông bởi Cách mạng Mùa thu”.
Sử gia Cao Thế Dung viết về Lễ Tế cờ
Trong quyển sử Việt Nam ba mươi năm máu lửa, sử gia Cao Thế Dung viết (trang 47):
“Sau khi cướp được chính quyền, kéo cờ đỏ sao vàng trên Phủ Khâm Sai (sau đổi thành Bắc Bộ Phủ), kể từ ngày 20-8, một số cán bộ Cộng sản từ Thượng du về chỉ có một mục đích là đi lùng diệt đảng viên VNQDĐ, Đại Việt và các thành phần quốc gia khác, cho đến ngày 25-8, đội Giải phóng quân của Võ Nguyên Giáp mới kéo về Hà Nội. Trong thời gian từ 25-8 đến 2-9, Cộng sản lùng bắt và đem đi thủ tiêu hàng ngàn đảng viên quốc gia chủ yếu là Việt Quốc và Đại Việt”.
Để hiểu rõ thủ đoạn của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, xin mời đọc tiếp (trang 49 sđd):
“Cộng sản vừa cướp được chính quyền là tổ chức guồng máy Công an ngay. Đầu tiên là chiếm sở Liêm phóng Bắc Bộ, đổi thành Nha Tổng giám đốc Công an. Bùi Văn Hạch tức Bùi Đức Minh, một cán bộ cao cấp của VNQDĐ, phản đảng theo Cộng sản từ bên Côn Minh, được Cộng sản trao cho chức Tổng giám đốc Công an để truy lùng và diệt đảng viên VNQDĐ mà trước đó là đồng chí của Hạch. Nhờ vậy, Công an của Cộng sản bắt đảng viên VNQDĐ rất chính xác nhờ có Hạch ở trong lòng Đảng. Trần Ngọc Tuân, một cán bộ cao cấp khác của VNQDĐ, phản đảng từ Hoa Nam theo Cộng sản đổi tên là Trần Xuân Sinh, được trao cho làm chủ bút nhật báo Cứu Quốc, có nhiệm vụ tuyên truyền bôi nhọ VNQDĐ và giới quốc gia”.
Trường Chinh sát hại cha mẹ và thân nhân
Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu có liên hệ về gia tộc với Bác sĩ Đặng Vũ Lạc làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, Nam Định. Bác sĩ Đặng Vũ Lạc là một vị bác sĩ kỳ cựu của Đông Dương, tốt nghiệp ở Pháp, đã điều hành dưỡng đường Henry Copin ở Hà Nội là nhà thương tư lớn nhất vào thuở ấy. Bác sĩ Đặng Vũ Lạc cũng là người đề xướng thành lập Hội Bác sĩ Đông Dương. Nhà thương Henry Copin ở phố Hàng Cỏ, Hà Nội là nơi tụ hội của hàng ngũ đảng viên Đại Việt. Người em ruột của Bác sĩ Đặng Vũ Lạc là Đặng Thị Khiêm, có chồng là Ông cả Nguyễn Tư Tề, nên thường được gọi là Bà cả Tề. Bà là Đảng viên điều hành Xứ bộ Bắc Việt của đảng. Khi Trường Chinh bị đuổi học về nhà đi lang thang, Bà Cả thưong tình con cháu đem về chăm sóc và lo việc vợ con và thăm nuôi những lần Trường Chinh bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò. Tác giả Quang Minh trong quyển sử Đại Việt Quốc dân đảng đã viết rằng hệ phái bên Bác sĩ Đặng Vũ Lạc học hành và làm ăn phát đạt nên được dân trong làng Hành Thiện và cả phủ Xuân Trường vị nể, nhưng (trang 19 sđd):
“Trái lại, Trường Chinh thì học hành không ra gì còn bị sa sút… cho nên có sự ganh tỵ ở địa phương đã lâu. Đến khi Cộng sản chiếm được chánh quyền, Trường Chinh ra lệnh thủ tiêu một lần bảy (07) người thanh niên trí thức của họ Đặng Vũ đã theo Đại Việt: 1- Đặng Vũ Căn, 2- Đặng Vũ Toại, 3- Đặng Vũ Lệ, 4- Đặng Vũ Kha, 5- Đặng Vũ Tân, 6- Đặng Vũ Định, 7- Đặng Vũ Úy.”
Riêng Đặng Vũ Trứ, con của Bác sĩ Đặng Vũ Lạc, Cộng sản đã bắt cóc ở Hà Nội để tạo áp lực với Bác sĩ Đặng Vũ Lạc, nhưng không được, nên chúng đem đi thủ tiêu ở Phú Thọ năm 1947. Lúc khởi đầu chiến dịch CCRĐ năm 1952, chính Trường Chinh Đặng Xuân Khu đã đấu tố cả cha mẹ của mình khiến ngoài dân gian có câu vè truyền tụng (trích bài của Ban biên tập BNS Tự do Ngôn luận, số 40, ngày 1-12-2007): “Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác Lê, nhục ấy đời chê thằng họ Đặng. Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hoá, tội kia sách chép đứa tên Khu”.
Bài thơ Mẹ khóc con
Người mẹ là Bà cả Tề Đặng Thị Khiêm. Bà đã từng cưu mang đứa cháu Trường Chinh và bà còn bảo bọc những đảng viên Cộng sản khác lúc họ còn hoạt động bí mật. Bà đã đến Hỏa Lò và những nhà lao Lạng Sơn, Lào Kay để thăm nuôi Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng và nhiều người khác nữa. Khi họ được Pháp trả tự do, họ thường đến nhà bà để được cấp dưỡng thức ăn và tiền tiêu vặt. Bà cả Tề còn giúp 18 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng để thuê căn nhà số 25 Phố Đường, Hà Nội làm cơ sở cho Đảng.
Bà cả Tề góa chồng rất sớm. Bà tảo tần nuôi đứa con trai duy nhất là anh Hạ. Ngay sau khi cướp chính quyền ngày 19-8-1945, anh Hạ bị Cộng sản bắt cóc và đánh anh dập phổi chết, lúc đó anh chỉ 20 tuổi. Anh Hạ bị sát hại vì Bà cả Tề là người điều hành Xứ bộ Bắc Việt của đảng Đại Việt và có thể con bà, anh Nguyễn Năng Hạ, cũng là đảng viên Đại Việt như mẹ. Bài thơ Mẹ khóc con như sau:
Dạy con lòng nén thân yêu
Mong con giác ngộ biết điều tới lui
Thiết tha yêu nước thương nòi
Sống đời tráng sĩ giúp người hy sinh
Giang tay dẹp nỗi bất bình
Thù nhà nợ nước hai tình vẹn hai
Cùng ta chia sẻ ngọt bùi
Lá xanh mà rụng ai người chẳng đau
Con hơn hai chục tuổi đầu
Thanh niên tiến thủ để hầu kịp ai
Mong con gươm nách súng vai
Để cùng ngoại địch so tài thấp cao
Chẳng thà chết chốn binh đao
Giang sơn góp mặt máu đào của ta
Thương con thương nước thương nhà
Thương dâu thương cháu ruột già quặn đau
(Câu lục này thất lạc)
Đàn em bị bắt dạ dầu như dưa
Nghĩ rằng Pháp Nhật thuở xưa
Khác nòi khác giống cũng chưa thế này
Việt Nam dân chủ đặt bày!
Mong con giác ngộ biết điều tới lui
Thiết tha yêu nước thương nòi
Sống đời tráng sĩ giúp người hy sinh
Giang tay dẹp nỗi bất bình
Thù nhà nợ nước hai tình vẹn hai
Cùng ta chia sẻ ngọt bùi
Lá xanh mà rụng ai người chẳng đau
Con hơn hai chục tuổi đầu
Thanh niên tiến thủ để hầu kịp ai
Mong con gươm nách súng vai
Để cùng ngoại địch so tài thấp cao
Chẳng thà chết chốn binh đao
Giang sơn góp mặt máu đào của ta
Thương con thương nước thương nhà
Thương dâu thương cháu ruột già quặn đau
(Câu lục này thất lạc)
Đàn em bị bắt dạ dầu như dưa
Nghĩ rằng Pháp Nhật thuở xưa
Khác nòi khác giống cũng chưa thế này
Việt Nam dân chủ đặt bày!
Đặng Thị Khiêm. Hà Nội cuối tháng Tám 1945
Bài thơ thật cảm động. Bà mẹ Đặng Thị Khiêm vừa khóc thương con bị Việt Cộng sát hại lại vừa tỏ nỗi lo lắng cho “đàn em” vì hôm đi đưa đám tang anh Hạ, một số anh em đồng chí Đại Việt bị Việt Cộng mai phục bắt. Sử gia Cao Thế Dung tường thuật câu chuyện trên để đặt “câu hỏi trước lương tâm nhân loại và cho người Cộng sản việt nam” (Trích Chân tướng Hồ Chí Minh, tác giả Cao Thế dung, trang 4 và 12). Về bài thơ, sử gia Cao Thế Dung viết thêm: “Bài thơ máu lệ của bà Đặng Thị Khiêm khóc con là chứng tích muôn đời về “luân lý Cộng sản”, thứ luân l ý của những kẻ “qua sông đánh chìm đò” còn giết luôn cả người con duy nhất của chủ đò”.
Từ quyển Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ
Trong 5 vị thành lập Ủy ban Kiến quốc ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Chữ, Vũ Văn An, Vũ Đình Dy và Lê Toàn (Ngô Đình Diệm làm lãnh tụ, bác sĩ Chữ làm phó) thì có 2 vị đã bị Cộng sản sát hại: Vũ Đình Dy bị Cộng sản xử tử năm 1945 và qua năm sau 1946, Vũ Văn An cũng bị xử tử trong điều kiện tương tự (Hồi k ý Nguyễn Xuân Chữ, trang 18). Hai lãnh tụ quan trọng Quốc dân đảng là Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Thế Nghiệp mà Bác sĩ Chữ có được gặp mấy lần trong thời gian trước ngày Việt Minh đảo chính, đều bị cắt tiết ở Trèm Vẽ, xác thả trôi sông. Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ cũng tường thuật những cách giết người dã man của Hồ Chí Minh vào thời gian đó như sau (Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ, trang 303): “Thời kỳ đầu, Việt Minh cầm chính quyền, cán bộ còn thiếu súng đạn. Chôn sống, cắt tiết, đành là những triệu chứng căm thù, cũng còn là những phương pháp tiết kiệm đạn. Ở đây, cắt tiết còn thêm moi gan trong những trường hợp giết vì thù cá nhân. Lại còn một thủ đoạn nữa, tàn nhẫn bội phần, là lấy búa bổ lên đầu người, như đồ tể bổ vào đầu vật.”