mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (13)

Ib) ÐCSVN qua thời kỳ biến động lớn thứ hai từ sau đại hội 20 ÐCSLX

Ðến cuối năm 1963, hội nghị lần thứ 9 (khóa 3) của TƯ ÐCSVN đã họp và ra nghị quyết lái ÐCSVN đi theo hẳn con đường Mao-ít của ÐCSTQ. Như Trường Chinh đã nói tại hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp tại hội trường Ba Ðình hồi tháng 1.1964: "Ðường lối đối ngoại và đối nội của Ðảng ta và Nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của ÐCS và Nhà nước Trung Quốc". Ðiều này trái hẳn với nghị quyết đại hội 3 của ÐCSVN (tháng 9.1960), trái với những lời tuyên bố cũng như chữ ký của đại biểu ÐCSVN đặt dưới bản Tuyên bố chung của các ÐCS và ÐCN thế giới, cho nên trong TƯ cũng như ngoài TƯ có một số cán bộ hoặc công nhiên phản đối hoặc tuyên bố không tán thành và "xin bảo lưu ý kiến".
Vấn đề gây cấn nhất hồi đó là vấn đề con đường thống nhất đất nước. Không một người Việt Nam nào không mong muốn thống nhất đất nước, nhưng thống nhất bằng con đường nào không phải là vấn đề dễ dàng nhất trí. Phải nói thẳng rằng tập đoàn thống trị ÐCSVN hồi những năm 1959 và 1960 đã có hành động vi phạm dân chủ nghiêm trọng đối với cơ quan có quyền lực cao nhất trong đảng là đại hội. Tại hội nghị lần thứ 15 của TƯ (tháng 1.1959) đã bí mật quyết định phải dùng bạo lực cách mạng, dùng võ trang đấu tranh để thống nhất đất nước và BCT TƯ đã quyết định điều động quân đội từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển quân trang quân dụng, võ khí vào miền Nam để tiến hành chiến tranh thống nhất đất nước. Thế nhưng BCT TƯ giữ bí mật không đưa vấn đề đó ra thảo luận tại đại hội toàn quốc lần thứ 3 của ÐCSVN, mà tại đại hội vẫn báo cáo và trong nghị quyết đại hội vẫn ghi là đảng "chủ trương thống nhất Tổ quốc bằng con đường hòa bình". Vấn đề thống nhất đất nước là một vấn đề tình cảm thiêng liêng, cho nên những cán bộ không tán thành nghị quyết hội nghị TƯ lần thứ 9 (thường gọi là "nghị quyết 9"), mặc dù đã biết trước là tập đoàn thống trị trong đảng theo Mao hồi đó đi theo con đường chiến tranh để thống nhất đất nước, trong thâm tâm đã thấy trước thảm kịch của toàn dân trong cuộc nội chiến khủng khiếp sắp tới, nhưng hầu như không có ai dám thẳng thắn phản đối vì sợ tập đoàn thống trị ghép tội phản quốc, chống lại thống nhất đất nước. Dù vậy phe Mao-ít vẫn rất e ngại những cán bộ đảng viên "bảo lưu ý kiến", không tán thành đường lối theo Trung Quốc của họ, sẽ trở thành một lực lượng đối lập nguy hiểm cho quyền lực của họ, nên trước hội nghị TƯ lần thứ 9, họ đã tìm cách loại dần những cán bộ "có quan điểm khác" ra khỏi những vị trí trọng yếu (cách chức bộ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm, gạt một số cán bộ cao cấp khác ra khỏi cương vị lãnh đạo các ngành quan trọng, hoặc cho họ giữ hư vị ngồi chơi xơi nước), còn sau hội nghị TƯ lần thứ 9 thì họ chuẩn bị cho một đợt thanh trừng quyết liệt đối với những cán bộ nàỵ
Vì thế, hành động "chuyên chính" ác liệt tiếp theo của tập đoàn thống trị là nhằm đánh ngay vào nội bộ ÐCS, nhằm những cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ cao cấp, trung cấp, tán thành quan điểm của ÐCSLX, chống quan điểm của ÐCSTQ và không tán thành "nghị quyết 9". Ðó là "vụ án xét lại - chống Ðảng” (viết tắt VXLCÐ) thực tế bắt đầu từ cuối năm 1963, mở rộng năm 1967 và kéo dài mãi cho đến sau này. (Hồi đầu thập niên 90, chúng tôi đã có dịp trình bày cuộc đàn áp khốc liệt này trong bài: "Những trang sử đầm đìa nước mắt còn chưa chấm hết - "vụ án xét lại - chống Ðảng", nên xin được miễn viết cụ thể ở đây).
Theo nhận xét của nhiều người, VXLCÐ là một cuộc tranh giành quyền lực trong ÐCSVN: nhóm Lê Duẩn - Lê Ðức Thọ muốn độc tôn nắm toàn quyền trong đảng-nhà nước để triệt hạ đối thủ "tiềm thế" của họ. Nhiều người cho rằng Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ là những kẻ có tham vọng to lớn lại gian hùng, xảo quyệt, muốn đè bẹp đến cùng phe cánh của Võ Nguyên Giáp, nên đã bày ra "vụ án" khủng khiếp này. Sau chiến thắng Ðiện Biên phủ (1954), uy tín của Võ Nguyên Giáp, ủy viên BCT, tổng tư lệnh, rất cao trong ÐCS và dân chúng miền Bắc. Ngay cả tổng bí thư Trường Chinh đương nhiệm cũng muốn dìm tướng Giáp xuống, vì trước mắt người dân, vai trò tổng bí thư ÐCSVN hồi đó không có gì nổi bật cả. Cũng có người nói ngay cả chủ tịch Hồ Chí Minh cũng e ngại trước uy thế của tướng Giáp (người viết bài này không thể khẳng định được điều này vì không có tài liệu), dù ông Giáp tỏ ra rất khiêm tốn và luôn luôn đề cao ông Hồ là "cha già dân tộc”. Nhưng đặc biệt là Lê Duẩn vốn đã có mối hận sẵn sau khi cướp chính quyền hồi 1945 (người ta đã không đưa ngay ông ta từ Côn Ðảo về đất liền, sau đó lại giao cho ông chức vụ quá thấp - phụ trách dân quân Nam Bộ dưới trướng tướng Giáp, v.v...) nên đã liên kết với Lê Ðức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn để cố gạt Võ Nguyên Giáp ra sau khi Trường Chinh bị cách chức tổng bí thư, tạo điều kiện cho mình nắm giữ chức vụ đó. Trong thời gian này, Lê Duẩn và phe cánh tung ra những chuyện vu khống hoặc nói xấu sau lưng tướng Giáp, nào là Võ Nguyên Giáp trước Cách mạng tháng 8 có quan hệ thân thuộc với Marti, nào là "anh ta sợ Mỹ lắm", nào là ông Giáp được chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy "chỉ vì khéo nịnh hót", v.v... (xem: Trần Quỳnh. "Những kỷ niệm về Lê Duẩn") để hạ uy tín đánh bại hoàn toàn địch thủ của họ. Thậm chí, có thời kỳ họ còn cố ghép tội cho Võ Nguyên Giáp có âm mưu liên hệ với "bọn xét lại hiện đại" vì đã nhận thư riêng của Khrutchev mà mười ngày sau mới báo cáo cốt để ghép cho ông Giáp tội "tay sai nước ngoài", "gián điệp cho địch" (xem: Thành Tín. "Mặt thật", 1993, tr. 190-191). Công khai ghép tội cho Võ Nguyên Giáp không được thì cánh Mao-ít lại ghép tội "gián điệp", "tay sai nước ngoài", "âm mưu gây bạo loạn nhằm lật đổ ban lãnh đạo của đảng"... cho nhiều cán bộ khác. Chính vì thế tên chính thức của Vụ Xe’t Lại Chô’ng Đảng mới gọi là "Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài". Nhiều người bị bắt, bị tù đày, giam tại gia, quản chế... người thì 6 năm, người thì 9 năm, người thì 20 năm, mà không có một tòa án nào xét xử dù chỉ là về mặt hình thức. Trước đây, cũng đã từng có những cuộc "đánh" vào nội bộ làm nhiều người bị oan uổng, nhưng chưa bao giờ có trận "đánh" to lớn, kéo dài và độc ác vào nội bộ như lần này làm nhiều cán bộ đảng viên, người ngoài đảng bị đọa đày, bị chết thảm khốc trong tù ngục hoặc trong cảnh giam cầm tại gia... Nếu tính cả tướng Giáp (dù không chính thức bị xếp vào "vụ án") thì đòn thanh trừng lần này đã giáng xuống một ủy viên BCT, ba ủy viên TƯ ÐCS, một đại tướng, một trung tướng, hai thiếu tướng, bốn đại tá, một thượng tá, bốn trung tá, năm thiếu tá, và nhiều cán bộ cao cấp, như bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng, phó bí thư thành ủy, ủy viên thường vụ thành ủy, phó chủ tịch thành phố, nhiều cán bộ trung cấp, nhiều nhà báo, nhà văn, giáo sư, bác sĩ.... Sau trận thanh trừng này phe cánh Lê Duẩn - Lê Ðức Thọ ở thế thượng phong hoàn toàn thống trị đất nước.
Trong lịch sử thường có những khúc ngoặt oái ăm: Lê Duẩn hồi năm 1956 đến đầu thập niên 60 tán đồng quan điểm của Mao và rất hâm mộ Mao, nhưng đến giữa năm 1963, khi cùng bàn bạc với Mao để chống Liên Xô, thì lại va chạm phải đầu óc lãnh tụ, trịch thượng, kiêu ngạo của Mao (xem: Trần Quỳnh. "Những kỷ niệm về Lê Duẩn"), thế là từ đấy có sự nứt rạn giữa hai "lãnh tụ". Như nhiều người đã nhận xét, trong tính cách của Lê Duẩn thì nét nổi bật là kiêu ngạo, không coi ai ra gì. Ngay đối với Hồ Chí Minh, khi có cơ hội Lê Duẩn vẫn chê ông Hồ sau lưng, cố nhiên là trước mặt cán bộ dưới trướng của mình để tự đề cao. Với Mao cũng thế, dù noi theo lý luận của Mao, nhưng trước mặt cán bộ Việt Nam Lê Duẩn vẫn chê bai Mao sau lưng.
Sau khi "nghị quyết 9" lái hẳn toàn bộ đường lối của ÐCSVN theo đường lối của ÐCSTQ, thì đầu năm 1964, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu ÐCSVN sang Liên Xô để - theo lời của Trần Quỳnh - "nói rõ lập trường quan điểm của Ðảng ta và kiến nghị Liên Xô xem xét lại lập trường của mình" đồng thời xin viện trợ quân sự của Liên Xô. Nhưng khi gặp Khrutchev, Lê Duẩn đã im re không nói gì đến "nghị quyết 9" chống chủ nghĩa xét lại (thật ra, không nói thì phía Liên Xô đã biết rõ về nội dung nghị quyết đó), mà chỉ báo cáo tình hình miền Nam và xin viện trợ. Khrutchev đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam. Ðúng vào dịp này, ngay tại Moskva, đại tá Lê Vinh Quốc và thượng tá Văn Doãn, sau khi tốt nghiệp Học viện quân chính Lenin, đã tuyên bố phản đối "nghị quyết 9" và xin cư trú chính trị ở Liên Xô. Mấy tháng sau đến lượt kẻ viết bài này và hàng chục cán bộ đảng viên, sinh viên Việt Nam cũng đã phản đối "nghị quyết 9" của TƯ ÐCSVN, rồi xin cư trú chính trị ở Liên Xô và một số nước Ðông Âụ
Ðến tháng 10.1964, một sự biến xảy ra ở Liên Xô - cuộc đảo chính cung đình lật đổ Khrutchev đưa Brezhnev lên ngôi. Ðây là cơ hội để BCT TƯ ÐCSVN tiếp cận ÐCSLX để tìm cách xích lại gần nhằm khai thác đến mức tối đa viện trợ của hai nước "xã hội chủ nghĩa" lớn nhất.
Lê Duẩn và phe cánh tự cho mình là người theo chủ nghĩa Marx-Lenin "đúng nhất": vừa theo chủ nghĩa Mao, nhưng lại vừa ghét Mao, vừa chống chủ nghĩa xét lại hiện đại Liên Xô (dù không còn Khutchev), nhưng lại vừa cố cầu cạnh, ve vãn Brezhnev và ban lãnh đạo Liên Xô để xin viện trợ. Thậm chí, tại đại hội 23 của ÐCSLX, ông ta còn tuyên bố "Liên Xô là Tổ quốc thứ hai của chúng tôi"! Một số đại biểu Liên Xô vỗ tay trong hội trường, còn ngoài hành lang một số khác lại nói với nhau là: "prostitutsia" (tiếng Nga: đĩ bợm). Mặc dù Trần Quỳnh hết lời ca ngợi "tài khôn khéo" của Ba Duẩn, nhưng qua những điều mô tả trong sách "Những kỷ niệm về Lê Duẩn" thì thấy "người cộng sản số một" của Việt Nam quả thật có nhân cách một tay đại bợm lừa dối mọi người. Cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều cố gắng gồng mình lên giúp đỡ Việt Nam đánh thắng Mỹ. Trong thời gian này ban lãnh đạo Việt Nam một mặt ra sức khai thác đến mức tối đa viện trợ của Liên Xô (chẳng hạn, mỗi công trình Việt Nam đều yêu cầu Liên Xô viện trợ nhiều đến mức có thể dùng để xây dựng được hai - ba công trình tương đương), mặt khác họ có thái độ cực kỳ vô trách nhiệm coi tài sản viện trợ là của "chủ nghĩa xét lại" càng lấy được nhiều và càng phung phí được nhiều thì càng tốt. Cái tâm lý này lan đến cán bộ và người dân đến nỗi người ta giải thích những chữ tắt của quốc hiệu Liên Xô - CCCP là "các chú cứ phá" hay "càng cho càng phá"! Cái gọi là "chủ nghĩa quốc tế vô sản" của ÐCSVN tới lúc này đã sa đọa đến như thế!
Ban lãnh đạo Trung Quốc, dường như từ cuối thập niên 60, đã dè chừng và thận trọng hơn khi viện trợ cho ÐCSVN, thậm chí hãm dần viện trợ đó. Ðiều này làm ban lãnh đạo Việt Nam rất bất mãn. Còn đến năm 1973, khi Mao Trạch Ðông và ban lãnh đạo Trung Quốc muốn hòa giải với Mỹ thì Lê Duẩn và những người lãnh đạo Việt Nam đã hằn học tỏ thái độ thù địch với ÐCSTQ (lúc đầu chỉ nói trong nội bộ), họ cho rằng Trung Quốc không muốn Việt Nam thống nhất đất nước. Thái độ thù địch đó ngày càng mạnh và sau này đã dẫn tới sự xung đột giữa Việt Nam và Cam Bốt, rồi chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, gây ra bao nhiêu tang tóc đau thương cho cả hai dân tộc. Một thời gian dài, những người cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn miệng chửi rủa những người cầm quyền cộng sản Trung Quốc và đất nước họ là "kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam", và lòng thù địch Trung Quốc đó được ghi vào Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980!
* * *
Qua những biến động trong thời kỳ thứ hai này, chúng ta có thể rút ra nhận xét này: ảnh hưởng của đại hội 20 ÐCSLX đã tạo ra trong thời gian rất ngắn - chỉ vài tháng thôi - ở một số người lãnh đạo Việt Nam ý muốn mở rộng tí chút dân chủ trong đảng và ngoài xã hội. Nhưng ảnh hưởng tích cực đó chỉ thoáng qua mà thôi, rồi trước những sự biến ở Ba Lan và Hungarie, đầu óc bảo thủ lại thắng thế trong ban lãnh đạo vì nỗi sợ mất mát quyền lực. Nói chung, trong thời kỳ biến động này tập đoàn thống trị ÐCSVN đứng trên lập trường bảo thủ, chống cải cách, chống dân chủ hóa đảng và xã hội. Vì thế toàn bộ sinh hoạt đảng cũng như đời sống chính trị của đất nước ngày càng bị siết chặt trong một chế độ độc tài cực kỳ khắt nghiệt dựa trên nền tảng "chuyên chính vô sản" theo tinh thần chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao với ý định tiến hành đến cùng cuộc nội chiến để "thống nhất" đất nước và xây dựng "chủ nghĩa xã hội trại lính" trong toàn quốc. Hậu quả của một đường lối như thế đã quá rõ ràng, thiết tưởng không cần nói cụ thể ở đây. Chỉ cần hình dung cái giá mà toàn dân tộc ta đã phải trả cho cuộc nội chiến (1959-1975) và cho việc xây dựng chủ nghĩa trong cả nước (ở miền Bắc từ 1958, ở miền Nam từ năm 1976 cho đến năm 1986) thì cũng đủ thấy được tội ác lớn lao thế nào của những kẻ đã đề ra và thực hiện đường lối đó. Người viết không muốn dẫn các số liệu mà chính quyền Hà Nội đưa ra về những tổn thất lớn lao trong cuộc chiến tranh vừa qua (chẳng hạn, ba triệu người chết trong chiến tranh...) vì e rằng con số đó còn thấp hơn thực tế. Hy vọng về sau sẽ có cơ quan nghiên cứu vấn đề này một cách độc lập và khách quan.