mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P30


Lời bàn: Nhân đây xin trích dẫn lời phê của tác giả Minh Võ về Hồ Chí Minh trong quyển Hồ Chí Minh, Nhận định tổng hợp trang 615. Tác giả Minh Võ viết như sau: “Trong đấu tranh, Hồ Chí Minh không bao giờ có thể bỏ quên các nguyên lý chủ nghĩa Lênin nên tuy ông sống và làm việc nhưng không phải ông, mà chính Lênin sống và hoạt động trong ông.”
Phối hợp lời xưng tụng của Khrushchev và lời phê của tác giả Minh Võ, ta có lời phát biểu hoàn chỉnh về con người thật Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh là vị thánh của chủ nghĩa Cộng sản. Các đồng chí hãy quỳ gối dưới chân ông bởi ông chính là Lênin sống lại và hoạt động trong ông.” Khrushchev đã viết: “Các đồng chí hãy quỳ gối dưới chân Hồ Chí Minh” nhưng còn Dân tộc Việt Nam thì sao, Dân tộc hãy đứng thẳng dậy, nhìn kỹ những điều tệ hại Hồ Chí Minh đã gây cho Đất nước, và viết lại lịch sử rằng không những Hồ Chí Minh là Lênin tái sinh, mà ông còn là những Thái thú Tàu, những Toàn quyền Pháp sống lại và hoạt động trong ông!
Bác trả lời cho xong việc trả lời!
Đến bây giờ là Mùa Bịt miệng 2007, chỉ còn lại nỗi niềm thương cảm cho Dân tộc vì đã không biết lá bài tẩy của Hồ Chí Minh hồi “Kách mệnh Mùa thu 1945”! Cứ tưởng ông là người quốc gia yêu nước! Nhưng trong Dân tộc hơn 20 triệu vào thuở ấy, hẳn có rất nhiều người biết Hồ Chí Minh là Cộng sản, như Đức Cha Lê Hữu Từ. Trong lần viếng thăm Phát Diệm ngày 25-1-1946 sau khi Đức Cha Lê được thụ phong Giám mục, Hồ Chí Minh có mời Đức Cha giữ chức Cố vấn Chính phủ và có mạn đàm với Đức Cha. Trong câu chuyện riêng tư, Đức Cha Lê tỏ ra rất thẳng thắn: “Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và ủng hộ Cụ trong công cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam, nhưng nếu Cụ là Cộng sản, thì tôi chống Cụ và chống Cụ từ phút này.”
Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Kim Sơn đăng trong Kỷ yếu Phát Diệm 1891-1991 (trang 207), Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn điềm đạm lấp lửng: “Thưa Cụ, toàn dân đoàn kết và đã đoàn kết chống thực dân Pháp giành độc lập cho Việt Nam thì thế nào cũng thắng. Đến khi toàn dân toàn thắng thì sẽ có phổ thông đầu phiếu, lúc đó toàn dân sẽ định đoạt, Cụ và tôi khỏi phải lo.”
Câu trả lời của Hồ Chí Minh hay tuyệt vời, tưởng như không có nhân vật thứ hai nào ngoài ông ra có thể ứng đáp hay đến thế. Ông không đá động gì đến Cộng sản, ông lách qua đề tài Cộng sản, ông đưa câu trả lời qua các đề tài nào là: toàn dân - đoàn kết - chống thực dân Pháp - giành độc lập - toàn thắng - phổ thông đầu phiếu - toàn dân định đoạt - tiến trình sẽ như vậy - cụ khỏi phải lo. Câu trả lời thật trọn vẹn đầy đủ. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là đầu môi chót lưỡi, ông trả lời cho xong việc trả lời! Ông đá một cú trả lời thật ngoạn mục lọt hẳn vào khuôn thành bên địch! Mãi về sau, ở Phát Diệm, Toà Giám mục viết tắt là TGM, có kẻ chơi chữ đọc là Trại Giam mới! Và không còn ai nhớ đến cái câu trả lời hay tuyệt vời ấy nữa, ngay cả người nói là Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh nói rồi cũng quên, cũng bằng như vất vào sọt rác lịch sử mà thôi. Ông chỉ làm “Kách Miệng”!
Những lời nói dối chính trị
Lại thêm một lời phát biểu của Hồ Chí Minh về Đấu tranh Giai cấp (trích Người Việt ở Pháp 1940-1954, tác giả sưu tầm Đặng Văn Long, trang 432). Tờ Thông tin số 2 ngày 20-8-1947 của Phái đoàn Trần Ngọc Danh, Trưởng Phái đoàn thường trực của Chính phủ Hồ Chí Minh ở Paris, đăng bài Hồ Chí Minh trả lời báo ngoại quốc có đoạn như sau:
Chúng tôi không chủ trương giai cấp đấu tranh vì rằng trong xã hội Việt Nam không có giai cấp tư bản. Hết thẩy các tầng lớp dân chúng nước Việt Nam đều bị kinh tế Thực dân làm khốn khổ. Chúng tôi chủ trương làm cho tư bản Việt Nam phát triển, mà chỉ có thống nhất độc lập thì tư bản Việt Nam mới phát triển.”
“Đồng thời chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi, một là để kiến thiết nước Việt Nam sau khi bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hòa kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình.”
Lời bàn: Năm 1930, khi phát động Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh , thì “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, tức là có đấu tranh giai cấp. Vào năm 1947, khi trả lời báo ngoại quốc, thì “Chúng tôi không chủ trương đấu tranh giai cấp!” như trích dẫn bên trên.
Nhưng đến năm 1950, thì lại hô hào tiêu diệt “Trí phú địa hào và tôn giáo lưu manh”, tức là tiếp tục đấu tranh giai cấp mà còn leo thang thêm một bậc, đánh thêm một giai cấp nữa!  
Hồ Chí Minh bản tánh lưu manh gian xảo, buổi sáng nói xuôi, buổi chiều nói ngược! Hồ Chí Minh cứ phát biểu thêm một lời, thì có thêm một lời dối trá!
Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu, một nhân chứng lịch sử thời Thanh niên Tiền phong 1945, tác giả quyển Phan Văn Hùm, Thân thế & sự nghiệp, có kể thêm vài lời dối trá nổi tiếng của Hồ Chí Minh được sưu tầm ở Pháp như sau (trang 381):
“Khi Hồ Chí Minh tuyên bố ở Pháp năm 1946 nhân dịp bạn thân của (Tạ Thu) Thâu là Daniel Guérin hỏi về cái chết của Thâu: “Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc có tầm vóc. Chúng tôi khóc cái chết của ông”, ai ai cũng biết đó chỉ là một lời nói dối chính trị. Nhìn lại khoảng đường lịch sử vừa qua, những “lời nói dối chính trị” của Hồ Chí Minh nay được một số nhân sĩ Việt Nam gọi là khôi hài đen (black humour), nhất là hai lời tuyên bố đã được Trần Ngọc Danh ở Paris cho in trong tập “Hồ Chí Minh”, ấn hành tại Paris, tháng 5 năm 1947. Trần Ngọc Danh nhấn mạnh về hai lời tuyên bố của Hồ Chí Minh: lời thứ nhất đăng trên Journal de Genève: “Những bạn bè của chúng tôi không cần phải lo ngại là chủ nghĩa Mác-xít sẽ du nhập vào đất nước chúng tôi, lời thứ hai đăng trên báo Le Pays: “Những lí thuyết Mác-xít không thể áp dụng được ở nước chúng tôi”.
Lại thêm một lời nói dối chính trị khác. Nhắc lại khi Hồ Chí Minh bị Trung Hoa Quốc dân đảng bắt (ngày 29-2-1942) vì tình nghi là Cộng sản và gián điệp cho Nhật và bị giam trong hang đá Độc Đăng Sơn ở Liễu Châu, ông may mắn được Chủ tịch Trương Bội Công và cụ Nguyễn Hải Thần can thiệp với Chính phủ Trung Hoa Dân quốc để xin cứu ông. Được sự bảo đảm của các vị lãnh đạo VNCMĐMH, tướng Trương Phát Khuê thả ông ra. Để được lòng tín cẩn của tướng Khuê, và vì biết không thể chối quanh được, nên ông đã thú nhận và hứa (ngày 13-9-1943): “Tôi là một người Cộng sản, nhưng điều tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do cho nước Việt Nam. Tôi có một lời bảo đảm đặc biệt với ông rằng chủ nghĩa Cộng sản sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50 năm tới.”
Trong quyển Chiến đấu, tác giả Phạm Quang Trình đã đọc qua hết 7.866 trang của bộ Hồ Chí Minh toàn tập và có nhận xét về “hai chữ Tự do của Hồ Chí Minh” như sau (trang 297): “Lạ lùng là bài viết nào của ông Hồ cũng nói đến dân chủ, tự do, hạnh phúc… nhưng khi nhìn vào thực chất chế độ “xã hội chủ nghĩa miền Bắc” do ông và Đảng Cộng sản thống trị, người ta sẽ thấy những gì Cộng sản hay ông Hồ nói là phải hiểu ngược lại. Ngôn ngữ Cộng sản và ngôn ngữ của ông Hồ là thế. Nó là kết tinh của những nghịch lý mà chỉ những người từng sống trong chế độ đó mới nhận ra dễ dàng.” 
Cái nết đến chết vẫn còn, Hồ Chí Minh bản tánh dối trá, nên đến lúc sắp đi chầu các ông tổ Cộng sản, cũng đã để lại những lời dối trá. Đây lời dặn miệng cho các đàn em trong Bộ Chính trị của ông, tác giả Hoàng Quốc Kỳ ghi chép trong quyển Ma đầu Hồ Chí Minh (trang 184): “Khi Bác đi rồi, các chú nhớ cắt hộ khẩu, cắt sổ gạo cho Bác. Đám táng chỉ nên đơn sơ. Đừng bày vẽ linh đình. Các chú hỏa táng cho Bác. Đừng xây lăng tốn kém.” “Đừng xây lăng tốn kém” Hồ Chí Minh đã dặn như vậy thì thôi! Đến bây giờ, ai tin Hồ Chí Minh được thì xin cứ tin!
Những giọt nước mắt “cá sấu”
Câu chuyện “Nước mắt cá sấu của Bác” được tác giả Trần Đỗ Cung tường thuật trong tác phẩm của ông nhan đề Câu chuyện một di dân tỵ nạn Việt (trang 43) như sau:
“Khoảng trước cuối năm 1945, Hồ Chí Minh triệu tập cuộc họp liên hiệp ở chùa Bà Đá. Tôi được có mặt tối hôm ấy trong phái đoàn đại biểu sinh viên. Chúng tôi đến nơi được độ mười phút trước khi chủ tịch Hồ Chí Minh đến. Khi phái đoàn VNQDĐ đến với Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam thì Hồ Chí Minh vội vã chạy ra giang rộng hai tay ôm chặt lấy vai Nguyễn Hải Thần, hai mắt long lanh ướt lệ (nước mắt cá sấu)! Thế rồi Chính phủ Liên Hiệp ra đời.”
Sau hội nghị Đà Lạt, rồi Fontainebleau dưới chiêu bài Liên hiệp Pháp thì Thỏa ước Sơ bộ 6-3-1946 được ký kết nên Pháp được chính thức trở lại. Tác giả Trần Đỗ Cung lại được chọn cùng một số sinh viên trong Đại học xá cho đeo phù hiệu xuống Hải Phòng ngồi xe jeep đưa Tây vào Hà Nội. Ông viết tiếp rằng nước cờ tháu cáy của Hồ Chí Minh thành công. Tây trở lại thì Tầu phải cuốn gói về Tầu, VNQDĐ hỏng cẳng. Hồ Chí Minh chiếm được thế thượng phong mới lộ bộ mặt phản phúc và ác độc như sau (trang 43 sđd):
“Việt Minh bắt đầu thanh toán đối lập, triệt hạ thanh toán chiến khu Đại Việt và trường võ bị Đại Việt ở Yên Bái. Sau này mới biết rõ sự đánh phá trường võ bị Yên Bái tàn bạo như thể nào. Chúng vây hãm xung phong chém giết cực kỳ dã man, ném thây xuống sông nhuộm máu. Trong số bị giết có hai anh em Đặng Văn Bút, Đặng Văn Nghiên là bạn học ở Cao đẳng Khoa học, anh em Đỗ Quang Lung, Đỗ Quang Hiền là con cụ Đỗ Quang Giai. Còn có bạn Nguyễn Đình Tú bị chém nát lưng ném xuống sông nhưng may mắn giạt vào bờ sống lại.”