mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (18)

Thời kỳ biến động lớn thứ ba: "Prestroika" và sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới .

Chúng tôi thấy cần nói riêng về những biến động ở các nước "xã hội chủ nghĩa" Ðông Âu và Mông Cổ hồi cuối năm 1989. Ngoại trừ Nam Tư, phần đông những nước này sau thế chiến thứ hai (riêng Mông Cổ thì từ năm 1921) đều bị tập đoàn thống trị cộng sản Liên Xô quàng lên cổ họ một chế độ chính trị mà đại đa số dân chúng không muốn, trừ những kẻ thống trị ở các nước đó, phần đông là tay chân của Liên Xô. Chính vì thế cứ mỗi lần ở "chính quốc" có những biến động thì ở các "thuộc quốc" đều lợi dụng cơ hội dấy lên phong trào dân tộc giải phóng và dân chủ. Sau đại hội 20 ÐCSLX, nhân dân Ba Lan, Hungarie đã đứng lên đòi giải phóng (1956), và sau đó Tiệp Khắc cũng đã mưu toan tự cải biến chế độ xã hội của mình (1967-1968). Còn khi ở Liên Xô diễn ra "perestroika" và "glasnost", nhân dân ở các nước "xã hội chủ nghĩa" Ðông Âu càng không bỏ lỡ cơ hội. Cố nhiên, do bản năng tự vệ nên những tập đoàn thống trị ở các nước này đều ra sức chống lại và cố siết chặt nền thống trị của chúng, nhưng vì ở "chính quốc" "perestroika" và "glasnost" đã là chính sách nhà nước nên tập đoàn thống trị ở các "thuộc quốc" không thể quá mạnh tay đối phó đối với phong trào dân chủ. Chính từ cái kẽ hở đó mà phong trào dân chủ ở các nước này đã bùng lên mạnh mẽ vào cuối thập niên 80.
Ở Ba Lan, sau những lần bị đàn áp khốc liệt và cấm đoán ngặt nghèo, Công đoàn "Ðoàn Kết" của Lech Walesa vẫn đứng vững, cuối cùng, khi ÐCS Ba Lan lâm vào thế bí, Yaruzelski làm đảo chính, thiết lập tình trạng đặc biệt, nhưng tình hình vẫn bế tắc, cuối cùng đành phải hợp pháp hóa Công đoàn "Ðoàn Kết" và ngày 5.5.1989 phải đồng ý mở hội nghị "bàn tròn" giữa chính phủ và Công đoàn "Ðoàn Kết". Hai bên thỏa thuận tổ chức cuộc tuyển cử dân chủ ở Ba Lan vào ngày 18.6. Trong cuộc tuyển cử đó, Công đoàn "Ðoàn Kết" đã thắng lớn, nên ngày 24.8, luật sư Tadeusz Mazowieski, một lãnh tụ của Công đoàn "Ðoàn Kết", đã lên làm thủ tướng. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, ở nước cộng sản có một chính phủ không cộng sản điều hành việc nước, mở đường cho việc dân chủ hóa Ba Lan.
Hungarie là nước mà ÐCS phải chấp nhận chế độ đa đảng sớm nhất trong "phe xã hội chủ nghĩa", vào ngày 11.2.1989. Ðến ngày 2.5, theo thỏa thuận Helsinki, chính phủ Hungarie bắt đầu phá gỡ "bức màn sắt" ở vùng biên giới với Áo, đến ngày 13.6, chính phủ mở hội nghị "bàn tròn" với phe đối lập Hungarie, sau đó, chính thức làm lễ an táng Imre Nagy, thủ tướng chính phủ Hungarie bị giết năm 1958 sau cuộc khởi nghĩa nhân dân hồi năm 1956. Từ ngày 10.9, biên giới Hung - Áo được mở tự do và gần một tháng sau, ngày 7.10, ÐCS Hungarie đổi thành Ðảng xã hội Hungarie tuyên bố xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và chuyên chính vô sản. Cuối cùng, Hungarie đã khẳng định nền độc lập của mình.
Ở Ðông Ðức, tình hình ngày càng rối ren, nhưng ban lãnh đạo ÐCS vẫn mù quáng và điếc đặc trước mọi đòi hỏi của dân chúng, họ vẫn cố bám những giáo điều cũ rích, đến khi các cuộc biểu tình quần chúng rầm rộ nổ ra ở những thành phố lớn, như Berlin, Dresden, Leipzig, thì ngày 18.10.1989, Erich Honecker, 76 tuổi, "lãnh tụ" bảo thủ nhất trị vì 18 năm, bị gạt ra khỏi cương vị bí thư thứ nhất. Ðầu tháng 9, khi biên giới Hung - Áo được mở tự do, thanh niên, cán bộ, chuyên gia, thợ lành nghề... ùn ùn vượt biên, chỉ trong vòng một tháng mà có đến trên 65000 người bỏ sang Tây Ðức. Tiếp đến, ngày 4.11, cuộc biểu tình vĩ đại một triệu người đã bùng nổ tại Ðông Berlin với yêu sách đòi bầu cử tự do, chế độ đa đảng, giải tán tổ chức mật vụ Stasi và tự do báo chí. Cuộc biểu tình đó làm cho ban lãnh đạo của ÐCS và chính phủ phải từ chức ngày 8.11 để lập ra một chính phủ liên hiệp trong khi chờ tổ chức bầu cử. Nhưng ngày hôm sau (9.11) các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và bức tường Berlin đã sụp đổ đồng thời với chế độ "xã hội chủ nghĩa ưu việt" ở Ðông Ðức. Sự kiện này có ý nghĩa vừa chính trị, vừa tượng trưng lớn lao. Bức tường Berlin bằng bê tông cốt thép dài 165,7 kilomet để nhốt dân chúng trong chế độ "một triệu lần dân chủ hơn các nước tư bản" và để ngăn chặn ảnh hưởng "độc hại" của các nước đế quốc tư bản đã sụp đổ tanh tành làm rung chuyển toàn bộ "hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới" và PTCSQT. Sự sụp đổ chế độ "xã hội chủ nghĩa" ở Ðông Ðức đã tạo điều kiện cho nước Ðức thống nhất một cách hòa bình. Liên Xô cũng đã chấp nhận cho nước Ðức thống nhất, hay nói đúng hơn là nước Ðức, mà thủ tướng Helmut Kohl đại diện, đã mua được ở Liên Xô sự thống nhất đất nước mình.
Ở Bungarie, do tác động mạnh mẽ của phong trào dân chủ, ngày 9.11.1989, T.Zhivkov, 78 tuổi, kẻ nắm quyền lâu đến 35 năm trời ở Bungarie, đã bị hạ bệ. Người kế nhiệm ông ta là Petar Mladenov đã tuyên bố chế độ đa nguyên, tổ chức bầu cử tự do và hủy bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn của ÐCS. Những biện pháp đó đã tránh cho nước Bungarie những cuộc biểu tình lớn không thể kiểm soát nổị
Tình hình Rumanie thì phức tạp hơn, vì năm 1989 nền chuyên chế của «lãnh tụ» cộng sản N. Ceaucescu, 71 tuổi, nắm quyền đã 24 năm, bề ngoài trông vẫn còn tương đối ổn định: tại đại hội 14 của ÐCS Rumanie, 3083 đại biểu đã vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh đến trên 30 lần bài diễn văn bế mạc của «lãnh tụ» Ceaucescu. Ba tuần lễ sau, một cuộc biểu tình lớn ở vùng Timisoara (miền Tây Rumanie) nổ ra để phản đối việc công an bắt một mục sư Tin Lành người Hungarie thiểu số. Securitate (tổ chức công an mật vụ) đã dùng xe tăng đàn áp đẵm máu cuộc biểu tình đó, làm dân chúng nổi giận, nhiều cuộc biểu tình tự động bùng lên trong nhiều thành phố, kể cả ở Bucarest. Từ Iran trở về, Ceaucescu tổ chức một cuộc mít tinh lớn 10 vạn người để vạch mặt bọn «phát xít» ở Timisoara, nhưng trong cuộc mít tinh đó bỗng dưng xảy ra lộn xộn và náo động... Vài trăm sinh viên đã dũng cảm hô khẩu hiệu «Ðả đảo Ceaucescu!», «Ðả đảo bọn giết người!». Lợi dụng khi tình hình trong nước đang khó khăn, mà không có một phái dân chủ đối lập mạnh, nên những kẻ trong bộ máy cai trị đã làm đảo chính cung đình, lật đổ Ceaucescu. Ngày 22.12, Ceaucescu cùng vợ chạy trốn, một Mặt trận cứu nước ra đời đã đưa Ion Iliescu lên nắm quyền. Quân đội đoàn kết với quần chúng biểu tình, trong lúc đó thì bọn Securitate lại tàn sát dân chúng nổi dậy. Ngày 22.12, Ceaucescu đã bị giết. Khác với các cuộc cách mạng hòa bình ở các nước khác ở Ðông Âu, cuộc đấu tranh của nhân dân Bucarest, thủ đô Rumanie, đặc biệt đẵm máu mà không mang lại kết quả như ý.
Ðặc biệt đáng nói là ở Tiệp Khắc, nơi 22 năm trước đã xuất hiện Mùa Xuân Praha và 12 năm trước đã nảy sinh phong trào Hiến chương 77 của trí thức. Hiến chương 77 đã lôi cuốn nhiều tầng lớp dân chúng rộng rãi, nên dù bị đàn áp, nhưng phong trào không hề ngừng nghỉ. Ðến khi cuộc khủng hoảng chế độ «xã hội chủ nghĩa» lên đến cao độ thì Hiến chương 77 đã huy động được cuộc biểu tình của hàng chục vạn dân Praha trên quảng trường Venceslas đòi thực hiện chế độ dân chủ, cách chức những người lãnh đạo cộng sản và bầu cử tự do. Bị sức ép mạnh mẽ của phong trào dân chủ, ngày 24.11.1989, toàn ban lãnh đạo ÐCS phải từ chức và bảy ủy viên BCT bị khai trừ ra khỏi đảng. Cuối cùng, «cuộc cách mạng nhung» đã nhẹ nhàng chuyển chính quyền vào tay phe dân chủ đối lập: ngày 29.12, Vaclav Havel, cựu tù nhân chính trị của chế độ cộng sản, được bầu làm tổng thống nước Cộng hòa Tiệp Khắc, còn Alexandre Dubcek, cựu lãnh tụ Mùa Xuân Praha, được bầu làm chủ tịch Quốc hội. Từ đó, Tiệp Khắc trở thành một nước dân chủ.
Ðến lượt Mông Cổ, Albanie cũng nổi dậy vứt bỏ chế độ cực quyền cộng sản. Liên bang Nam Tư «xã hội chủ nghĩa» bị sức ép của phong trào dân tộc và dân chủ đã tan rã, tuy vậy cũng có nơi bọn bảo thủ trong ÐCS vẫn nắm giữ quyền lực, chẳng hạn ở Serbia. Sau khi liên bang tan rã, tấn bi kịch của Nam Tư là cuộc nội chiến đẵm máu đã gây ra bao nhiêu tai họa cho nhân dân và tạo nguy cơ lớn cho hòa bình và ổn định chẳng những ở vùng Balkan mà cả cả châu Âu nữa.
Chúng tôi thấy cần nhắc lại rằng, ở Ðông Âu và nhiều nước cộng hòa trong Liên Xô, phong trào dân chủ hồi đó đều mang thêm sắc thái đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi sự phụ thuộc xô-viết. Chính nhờ sự kết hợp đó, phong trào có khả năng lôi cuốn đông đảo nhân dân và tạo nên sức mạnh lớn lao thuận lợi cho việc làm sụp đổ các chế độ độc tài đảng tri..
Như vậy là sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Ðông Âu hồi cuối năm 1989, kéo theo sự giải thể ngày 28.6.1991 của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV, Comecom) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phá sản của ÐCSLX hồi tháng 8.1991 và sự tan rã hoàn toàn hồi tháng 12.1991 của Liên bang Xô-viết, hạt nhân của toàn bộ PTCSQT.
Người viết thấy cần đặc biệt nói đến tình hình Trung Quốc, một nước «xã hội chủ nghĩa» khổng lồ ở châu Á nằm sát sườn Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn đến nước ta. Sau khi nắm được chính quyền trên toàn Hoa lục (1949), trong suốt 30 năm đầu, ÐCSTQ đã áp dụng nguyên xi mô hình kinh tế chính trị staliniste của Liên Xô, tức là một chế độ cực quyền đảng trị khắc nghiệt cộng với nền kinh tế chỉ huy nghiêm ngặt. Không những thế, Mao Trạch Ðông còn bày ra những cuộc vận động cực kỳ phiêu lưu, như «Công xã nhân dân», «Ðại nhảy vọt» (1958) «Ðại cách mạng văn hóa» (1966-1976) làm đảo lộn cả chế độ chính trị lẫn nền kinh tế của đất nước. Sau khi chết (1976), Mao đã để lại một nước Trung Quốc hoàn toàn lụn bại và kiệt quệ.
Một giai đoạn mới bắt đầu ở Trung Quốc khi Ðặng Tiểu Bình quay trở lại nắm quyền hồi năm 1978. Tiếp đến, tháng 11.1978, những «báo chữ lớn» xuất hiện ở Bắc Kinh với những lời tố cáo và đòi hỏi tự do của người dân, người ta gọi đó la` «Bức tường dân chủ». Chính trên «Bức tường» này, ngày 5.12.1978 đã công bố bài «Không thể hiện đại hóa, nếu thiếu dân chủ» của Ngụy Kính Sinh. Lúc này họ Ðặng tạm thời làm ngơ trước đòi hỏi dân chủ, vì ông ta muốn lợi dụng những lời tố cáo và đòi hỏi này của dân chúng để triệt hạ đối thủ trong ban lãnh đạo đang cản trở đường lối cải cách của ông. Tháng 12.1978, theo đề nghị của họ Ðặng, hội nghị lần thứ 3 khóa 11 của TƯ ÐCSTQ đã đưa ra đường lối khôi phục và phát triển nền kinh tế đất nước. Ðiều chú ý trước tiên là lĩnh vực nông nghiệp: người ta đã dần dần giải thể các công xã nhân dân nhằm cởi trói cho nông dân để họ tăng gia sản xuất nông nghiệp và tự cải thiện đời sống, đồng thời chính phủ sửa đổi giá cả nông phẩm có tính chất khuyến khích sản xuất. Ðây là một chính sách khôn ngoan, giảm nhẹ những khó khăn lớn trong đời sống của trên 80% dân số đất nước bằng chính bàn tay và nhiệt tình của nông dân, do đó làm dịu bớt tình trạng căng thẳng ở nông thôn hồi đó. Tiếp đến, người ta quan tâm đến khu vực phục vụ vốn bị bỏ phế hàng chục năm trước đấy, khuyến khích các ngành sản xuất công nghiệp nhẹ, quan tâm đến việc xuất khẩu hàng hóa, nhờ đó tạo được công ăn việc làm cho hàng chục triệu người. Ðến đầu thập niên 80, chính sách cải tổ kinh tế và xã hội của Ðặng Tiểu Bình đã khá mạnh bạo: một mặt, đưa ra khẩu hiệu «hãy làm giàu» để khuyến khích dân chúng trong nước phát huy sáng kiến và tính năng động để tăng sản xuất, tự giải quyết công ăn việc làm; mặt khác, mở cửa đón nhận đầu tư ngoại quốc vào các ngành kinh tế; đưa nền kinh tế đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới nhằm thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa, v.v... Trung Quốc đã ra luật đầu tư khá hấp dẫn đồng thời thành lập ba khu kinh tế đặc biệt ở hai tỉnh Quảng Ðông và Phúc Kiến (1980) và sau đó được mở rộng ra ở 14 thành phố miền duyên hải để thu hút đầu tư ngoại quốc. Nhờ đó từ năm 1980 đến 1998, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh, nạn đói ở nông thôn giảm hẳn, tổng sản lượng quốc nội (GDP) hàng năm tăng trung bình 9%, chủ yếu nhờ 150 tỷ USD đầu tư ngoại quốc đã được bỏ vào nền kinh tế Hoa lục. Ðó là thành quả to lớn thay đổi rõ bộ mặt Trung Quốc, nâng cao vai trò Trung Quốc trên thế giới. Dù vậy, so với Ðài Loan với 22 triệu dân, thì Trung Quốc vẫn còn kém xa, vì lợi tức đầu người ở Ðài Loan 17 lần cao hơn lợi tức dân Hoa lục: 13000 USD so với 750.
Có điều đáng nói là trong lúc cải cách và mở cửa kinh tế như vậy, ÐCSTQ vẫn bám chặt chế độ độc tài toàn trị, không chịu cải cách về chính trị và mở rộng dân chủ. Chính vì thế, «Bức tường dân chủ» Bắc Kinh tồn tại không lâu, chỉ mấy tháng sau nhà dân chủ nổi tiếng Ngụy Kính Sinh bị bắt. Còn đến tháng 2.1986, khi tổng bí thư ÐCSTQ Hồ Diệu Bang đưa ra những đề nghị cải tổ chính trị thì do sức ép của họ Ðặng, sau vài tháng, những đề nghị đó bị đình hoãn. Tuy vậy phong trào dân chủ vẫn ngấm ngầm và lan rộng trong dân chúng: tháng 12.1986, các trường đại học ở tỉnh An Huy đã phản đối việc bầu cử không dân chủ trong các trường ấy, phong trào này nhanh chóng lan truyền ra 19 thành phố khác. Tiếp đến tháng 1.1987, hơn 3000 sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn với khẩu hiệu «Dân chủ muôn năm!». Họ Ðặng đã ra lệnh đàn áp ngay, đồng thời làm áp lực cách chức tổng bí thư của Hồ Diệu Bang, đưa Triệu Tử Dương lên thay. Cuộc đấu tranh của sinh viên đã thúc đẩy nhiều tầng lớp dân chúng đứng lên hồi đầu năm 1989. Nhiều giáo sư, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ đã tham gia phong trào. Nhà vật lý học Phương Lệ Chi đã viết thư đòi hỏi giới cầm quyền trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có Ngụy Kính Sinh. Ðòi hỏi đó được 42 nhà khoa học và 38 nhà trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc hưởng ứng. Nhân dịp Hồ Diệu Bang từ trần ngày 15.4.1989, sinh viên Trung Quốc đã tổ chức tưởng niệm ông trên quảng trường Thiên An Môn. Từ đó, những tập hợp dân chủ chuyển dần thành những cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chống tham nhũng. Số người tập hợp ngày càng đông, từ vài ngàn người lên dần đến hàng trăm ngàn người với khí thế sục sôi chưa từng thấy. Sinh viên tung ra khẩu hiệu đòi tự do báo chí, dân chủ đa nguyên, trả tự do cho tù nhân chính trị và trừng trị cán bộ đảng viên tham nhũng, hủ hóa... Tập đoàn thống trị cộng sản Trung Quốc hoảng sợ liền điều động quân đội từ Mãn Châu về thủ đô để đàn áp «Mùa Xuân Bắc Kinh». Ðêm 3 rạng ngày 4.6.1989, hàng trăm xe tăng đã xả súng bắn giết hàng ngàn người ngay trên quảng trường. Cuộc tàn sát đẵm máu vô cùng man rợ đó đã gây một làn sóng phản đối quyết liệt khắp thế giới văn minh. Sau đó, cuộc cải cách bị ngừng lại một thời gian lâụ
Mặc dù bị đàn áp khốc liệt như vậy, nhưng đến năm 1993, nhiều nhà dân chủ nổi tiếng, như Từ Văn Lập, Tần Vĩnh Mẫn, Lý Hải, Lưu Niệm Xuân, Châu Quốc Cường... đã cùng nhau soạn thảo bản «Hiến chương Hòa Bình» vạch rõ hướng đi tới dân chủ hóa Trung Quốc theo con đường hòa bình. Giới cầm quyền lại đàn áp, bắt bớ, nhưng đến năm 1995, lại có trên 50 nhà trí thức gửi thư cho Quốc hội đòi tự do tư tưởng và đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm và chính trị. Còn những người lãnh đạo công nhân đã đứng lên đòi quyền lập nghiệp đoàn tự do, ngoài vòng kiềm tỏa của đảng. Nghiệp đoàn độc lập đầu tiên do Hàn Ðông Phương lập ra (1989), sau đó bị đàn áp, họ Hàn bị bắt, thì đến năm 1994, nhà tranh đấu Châu Quốc Cường lại lập ra «Hiệp hội Bảo vệ Quyền lao động».
Nối nghiệp Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục theo đường lối của họ Ðặng: cải cách kinh tế mà không chịu cải tổ hệ thống chính trị. Tuy vậy, trước áp lực của công luận thế giới, nhà cầm quyền Trung Quốc phải lần lượt trả tự do cho Ngụy Kính Sinh (1997), Vương Ðan (1998) và buộc họ phải sang Hoa Kỳ. Ðến tháng 6.1998, Ðảng dân chủ Trung Quốc (ÐDCTQ) ra công khai hoạt động tại Trung Quốc, họ Giang tuyên bố sẽ đập tan mọi âm mưu chống đối, và tháng 12.1998, các lãnh tụ ÐDCTQ là Từ Văn Lập, Vương Hữu Tài và Tần Vĩnh Mẫn đã bị kết án tù rất nặng.
Từ năm 1998, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái, số tăng trưởng chỉ còn khoảng 6%, và theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới thì sẽ còn giảm nữa. Nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng, số người thất nghiệp có thể lên tới 30 triệu. Còn ở nông thôn có khoảng 30% lao động nông nghiệp không có việc thường xuyên - 300 triệu người đi lang thang kiếm việc làm. Nông dân ở nhiều địa phương bất bình vì thu nhập ngày càng giảm sút. Những cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân gần đây ngày một tăng lên, nhất là ở những vùng sâu trong nội địa và vùng Ðông Bắc. Tháng 1.1999, cuộc biểu tình của 3000 nông dân Hồ Nam bùng ra tại ngay thủ phủ Ninh Hà để chống cán bộ, đảng viên tham nhũng, giới cầm quyền đã phái công an cảnh sát thẳng tay đàn áp tàn bạo bằng lựu đạn cay, dùi cui. Phong trào đấu tranh của các dân tộc ở Tây Tạng, Tân Cương cũng ngày một quyết liệt.
Cuộc khủng hoảng niềm tin trong dân chúng đang trầm trọng thêm. Người dân muốn tìm đến một niềm tin khác trong các tôn giáo. Môn phái Pháp Luân Công của Lý Hồng Chỉ thu hút đến 60 triệu người trong và ngoài nước thuộc đủ các tầng lớp nhân dân, kể cả cán bộ, những người hưu trí. ÐCSTQ lo sợ đã bắt bớ, giam cầm rất nhiều người trong môn phái này, và ngày 25.4.1999, 10 ngàn môn đồ Pháp Luân Công đã tụ tập ở Trung Nam Hải, trước trụ sở của TƯ ÐCSTQ để phản đối những hành động đó của chính quyền. Hiện nay, chẳng những Pháp Luân Công, mà cả Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, v.v... cũng đang bị đàn áp dữ dội. Cũng chính vì chính sách cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị nên đã nảy sinh nhiều vấn đề nan giải, cản trở sự phát triển tiếp tục. Mãi gần đây, ÐCSTQ mới cho áp dụng việc bầu cử ở các cấp cơ sở ở thôn quê và đô thị, nhưng điều đó không thể gọi là dân chủ hóa thật sự nên không giải quyết được mâu thuẫn chính trị và xã hội trong nước.
Do không vượt qua được những ràng buộc về ý thức hệ, nên khi có những bước cải tổ về kinh tế, tập đoàn thống trị vẫn cố bám giữ sở hữu nhà nước (xí nghiệp quốc doanh...) và e ngại sở hữu tư nhân. Ðiều đó đã làm cản trở đà phát triển kinh tế. Mãi đến gần đây, sau cái chết của Trần Vân (1995) và Ðặng Tiểu Bình (1997), ban lãnh đạo Trung Quốc mới bắt đầu có những bước cải tổ dè dặt, như cổ phần hóa các xí nghiệp quốc doanh, ghi nhận trong Hiến pháp về vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, v.v...
Cũng nên nói thêm rằng hồi cuối thập niên 80, Gorbachev và ban lãnh đạo ÐCSLX đã tìm mọi cách hòa giải với Trung Quốc, tổng thống Liên Xô đã đến Trung Quốc chính vào lúc phong trào sinh viên đang sôi sục ở Bắc Kinh(1989), và hồi đó trong nội bộ ÐCSLX cũng đã có những tiếng nói đề nghị Liên Xô đi theo mô hình Trung Quốc, tức là cải tổ về kinh tế mà giữ nguyên trạng về chính trị. Nhưng điều đó không thể nào thực hiện ở Liên Xô được, vì phong trào dân chủ trong dân chúng đã mạnh, không cho ÐCSLX đi thụt lùi hoặc đứng yên về mặt chính tri..
Ở châu Á, Việt Nam đã «đổi mới» theo mô hình của Trung Quốc, còn Bắc Triều Tiên thì ÐCS cố bảo thủ đến cùng, không cải tổ gì về kinh tế, nên hậu quả vô cùng thê thảm, nạn đói khủng khiếp đã diễn ra và kéo dài trong nhiều năm qua, theo tin gần đây của các báo thì đã có 3,5 triệu người chết đói! Cuba cũng không chịu cải cách kinh tế, nên tình trạng kinh tế và đời sống của nhân dân cũng rất tồi tệ. Chỉ vài năm gần đây mới bắt đầu có sửa đổi đôi chút.