mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế . (3)



D. Stalin đối với ÐCS và QTCS
Ở đây, người viết sẽ chỉ nói một vài sự kiện cụ thể làm nổi bật thái độ và hành động của kẻ độc tài với ÐCS và QTCS, mà không nhắc đến những quan điểm thường được tán tụng trên sách báo chính thức của ÐCSLX (vì thật ra Stalin chỉ lặp lại những điều Lenin nói).
Ðối với ÐCS:
Khi Lenin còn sống, Stalin đã thấy rất rõ toàn bộ tính chất lợi hại của bộ máy đảng-nhà nước xô-viết với tính cách một công cụ sắc bén, ngoan ngoãn trong tay một nhúm người để thống trị đất nước và xã hội. Cho nên khát vọng mãnh liệt nhất của ông là nắm bằng được bộ máy ấy để thu tóm được toàn bộ quyền lực tối thượng trong nước và xã hội. Trên thực tế, Stalin không đưa ra một quan điểm „lý luận“ nào khác những điều ông đã thừa kế của Lenin về ÐCS và về chế độ cực quyền xô-viết mà Lenin đã đặt cơ sở, còn ông thì „hoàn thiện“ chúng đến cao độ khi trị vì trên một đế quốc rộng lớn nhất thế giớị
Ðể nói về quan điểm „lý luận“ riêng của Stalin về ÐCS, người ta thường nhắc tới lời tuyên bố sau đây của ông: „ÐCS cũng là một loại như giáo đoàn những chevaliers de lordre des Porte-Glaive“ (xem: „Stalin Toàn tập“, t.5, tiếng Nga, tr.71, các bản dịch ra tiếng Việt đều ghi là „đoàn kỵ sĩ mang kiếm“, không rõ nghĩa lắm, nên xin phép dùng nguyên tiếng Pháp với vài lời giới thiệu. - NMC). Xin nói qua vài nét lịch sử. Giáo đoàn này gồm những hiệp sĩ Ðức được thành lập năm 1202 để xâm chiếm vùng Ðông Baltic và sau đó tiến công vào lãnh thổ Nga. Tên như thế là do phù hiệu của họ trên mũ giáp là một thanh kiếm và thánh giá. Ðến năm 1236, giáo đoàn bị đánh bại nặng nề và năm 1237 tàn quân nhập vào một giáo đoàn khác. Vì thế sự ví von này của Stalin lộ rõ ý đồ „quân sự hóa đảng“ để thực hiện âm mưu bành trướng. Ðiều này thể hiện rõ nét nhất từ những năm 30 dưới thời Stalin - đảng cộng sản đã là một „tổ chức quân sự hóa“ đến cao độ và hoàn toàn mất hết những dấu vết dân chủ ít ỏi còn sót lại trước đây. Tại hội nghị trung ương đảng hồi tháng 2.1937, tức là trong thời kỳ đại khủng bố ác liệt nhất, Stalin tuyên bố: „Trong đảng ta, có 3-4 ngàn người lãnh đạo cao cấp, có thể nói đó là hàng tướng lĩnh của đảng. Sau đó, là 30-40 ngàn người lãnh đạo trung cấp, đó là hàng sĩ quan của đảng. Rồi đến khoảng 100-150 ngàn cán bộ chỉ huy cấp dưới. Có thể nói đó là những hạ sĩ quan của đảng“ (xem: RSKHIDNI. F.17. Op.12. D.612. Vyp. III. L.35). Cố nhiên, tổng tư lệnh tối cao „đạo quân“ đó là Stalin.
Một lời tuyên bố khác của Stalin nữa cũng rất đáng được chú ý vì nó lộ rõ tư tưởng thật của kẻ độc tài: „ÐCS là công cụ của chuyên chính vô sản“ (xem: Stalin I. „Những vấn đề của chủ nghĩa Lenin“, M.1945, tiếng Nga, tr. 71). Công cụ như thế nào, sau này lịch sử đã chứng tỏ. Và quan điểm của Stalin về „chuyên chính vô sản“ như thế nào thì xin bạn đọc hãy suy xét qua câu nói sau đây của ông ta mà Boris Bazhanov, cựu thư ký riêng của Stalin (từ 9.8.1923 đến 1.1.1928), đã kể lại trong hồi ký: ngày 17.6.1924, tức là sau đại hội 12, Stalin đọc báo cáo ở lớp huấn luyện các bí thư huyện ủy, ông ta đã nói thẳng rằng: „hiện nay chuyên chính vô sản về thực chất được thay thế bởi chuyên chính của đảng“ (xem: „Hồi ký của cựu thư ký của Stalin“, xuất bản ở Pháp 1980, ở Nga 1992, tr. 129). Nếu nói trắng ra thì chuyên chính của đảng có nghĩa là chuyên chính của một người: Stalin. Vì thế, ông ta phải chiến đấu để giành quyền chuyên chính đó.
Sau đây, chỉ xin nói đến mấy việc:
a. Giành cho bằng được vị thế chính thống để „nối ngôi“ và nắm lấy ÐCS.
Ðọc tiểu sử Stalin, ta thường gặp những nhóm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần -“Stalin là người bạn chiến đấu gần gũi nhất của Lenin“, „người học trò kiệt xuất của Lenin“, „người kế tục sự nghiệp của Lenin“, hoặc thường được nghe kể nhiều về „tình bạn vĩ đại giữa hai lãnh tụ“ trước cuộc đảo chính tháng 10.1917. Những điều đó là sự xuyên tạc lịch sử có dụng ý.
„Tình bạn vĩ đại“ như thế nào? Sự thật là trước tháng 10.1917, đối với Lenin thì Dzhugashvili-Stalin chỉ là một người nào đấy trong đám „những người cách mạng chuyên nghiệp“ mà thôi. Tháng 12.1905, Stalin đi họp hội nghị đảng ở Tammerfors và ở đấy có Lenin đến dự họp. Trước tháng 10.1917, cũng có vài lần Stalin được đi dự đại hội đảng và có gặp Lenin, nhưng Lenin cũng chẳng để ý. Thế mà sau này (1931), Stalin lại „phịa“ là: „Bao giờ cũng vậy, mỗi lần tôi đi ra nước ngoài để gặp Lenin - hồi năm 1906, 1907, 1912, 1913...“ (xem: Stalin ỊV. „Tác phẩm“, t.13, tr.121). Hồi năm 1915, Lenin cũng chỉù nhớ mang máng ai đó có bí danh là „Koba“ ở trong nhóm khủng bố của đảng bolshevik vùng Caucase. Ông nhớ vì có một việc „động trời“ hồi năm 1907 ở thành phố Tiflis (sau này là Tbilisi), Koba (tức là Dzhugashvili-Stalin) đã tham gia cùng Kamo một vụ ăn cướp tiền lớn (những người bolsheviks gọi những cuộc ăn cướp này là „tước đoạt“ - dựa theo khẩu hiệu của Marx „tước đoạt kẻ đi tước đoạt“) đến 350 ngàn rúp để „làm tài chính“ cho đảng bolshevik. Hồi đó, những người bolsheviks ở Gruzia (còn gọi là Georgia) nhiều lần đã làm việc „tước đoạt“ như thế, nhưng vụ năm 1907 là lớn nhất. Ðể hiểu rõ hơn sự thật về „tình bạn vĩ đại“ giữa Lenin và Stalin, xin trích dẫn một bức thư của Lenin gửi Zinoviev hồi năm 1915 đăng trong tập 49 bộ Lenin Toàn tập, trong thư Lenin hỏi Zinoviev: „Anh có nhớ họ của Koba không?“. Zinoviev viết thư trả lời là không biết. Lúc đó Lenin mới viết thư cho Karspinsky để hỏi về điều đó: „Tôi thiết tha yêu cầu anh tìm hiểu (có thể hỏi qua Stepko hay Mikha và v.v...) họ của „Koba“ (Iosip Dz... ?? Chúng tôi quên mất)...“ (xem: Lenin V.I. „Toàn tập“, t. 49, tiếng Nga, tr. 101 và 161). Tài liệu lịch sử đó cho thấy „tình bạn vĩ đại giữa hai lãnh tụ“ ûtrước tháng 10.1917 chỉ là huyền thoại, dù rằng giữa hai người sau đó thỉnh thoảng cũng có trao đổi thư từ với nhaụ
Cả sau khi những người bolsheviks đã cướp được chính quyền, „tình bạn vĩ đại“ đó giữa hai „lãnh tụ“ cũng không có. Ðây là một sự việc nữa mà ban lãnh đạo cộng sản Liên Xô cứ giấu kín mãi cho đến ngày khai mạc đại hội 20 (1956). Khi Lenin bị ốm nặng, Stalin cho tay chân theo dõi sát „người thầy vĩ đại“ của mình, thậm chí đưa cả vợ là Nadezhda Allilueva đến làm thư ký riêng cho Lenin. Biết Lenin hồi đó đang viết „cái gì đấy“ có lẽ là không có lợi cho mình, Stalin lấy cớ Lenin ốm nặng, đưa ra BCT thông qua nghị quyết hạn chế việc thông báo tình hình chính trị cho Lenin, hạn chế việc ghi chép giúp Lenin những điều do ông đọc ra... Có một lần, ngày 21.12.1922, Lenin muốn viết thư cho Trotsky, ông mới nhờ vợ là Krupskaya ghi bức thư ngắn do ông đọc. Bà vợ đã cẩn thận xin phép bác sĩ của Lenin rồi mới làm việc này. Ðến khi Stalin biết được, Stalin đã mắng Krupskaya một trận cực kỳ thô bỉ, lại còn dọa trừng trị bằng kỷ luật đảng. Ngày 23.12.1922, Krupskaya viết thư cho Kamenev và Zinoviev - theo lời bà - „là những người bạn gần gũi nhất của Ilich“ (tức là Lenin - NMC) để cầu cứu sự bảo vệ. Hai tháng rưỡi sau, Lenin biết được chuyện này, ngày 5.3.1923, ông đã viết thư cho Stalin một bức thư với lời lẽ như sau: „... Tôi không thể dễ dàng quên được việc đó, và chẳng cần nói gì thì đồng chí cũng phải hiểu là những gì chống lại vợ tôi, tôi cũng coi như chống lại tôi. Vì thế, tôi yêu cầu đồng chí cân nhắc xem đồng chí có sẵn sàng rút lui những lời đã nói và xin lỗi vợ tôi hay là muốn đoạn tuyệt mọi quan hệ giữa chúng ta“ (xem: Lenin V.I. „Toàn tập“, t. 54, tiếng Nga, tr. 330).
Không phải là „bạn“ của Lenin, cũng không phải là một trong những lãnh tụ nổi bật nhất của đảng bolshevik, thế thì tại sao „quyền trượng“ lại „lọt“ vào tay Stalin sau khi Lenin qua đời? Ðây là một vấn đề lịch sử với nhiều tình tiết. Nhưng trong phạm vi bài này chỉ xin đề cập tới những vấn đề liên quan đến phương diện tổ chức của ÐCS mà thôị
Hồi còn sống, Lenin không có chức vụ gì khác trong đảng, ngoài chức vụ ủy viên BCT, còn về mặt chính quyền ông là chủ tịch Hội đồng dân ủy. Nhưng ông là cha đẻ của ÐCS bolshevik, nên về mặt tinh thần ông có vị trí cao nhất trong đảng và ông cứ mặc nhiên sử dụng cái vị thế đó. Lãnh tụ đứng thứ hai sau Lenin hồi đó là Trotsky. Kamenev và Zinoviev cũng là những lãnh tụ được Lenin đánh giá cao, Kamenev là ủy viên BCT, phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy, Zinoviev là ủy viên BCT, chủ tịch Ban chấp hành (BCH) QTCS. Còn Stalin, vào cuối đời Lenin, đã được bầu làm tổng bí thư TƯ đảng vào ngày 3.4.1922. Nhưng hồi đó chức vụ tổng bí thư chỉ có chức năng tổng hợp các vấn đề để đưa ra BCT giải quyết và điều khiển bộ máy hành chính, văn phòng của TƯ. Lenin cần một người tổ chức công việc của bộ máy TƯ đảng. Vì quan niệm chức năng của tổng bí thư như thế, nên chính Kamenev và Zinoviev đã nhường cho Stalin chức vụ đó. Nhưng khi Stalin đã là tổng bí thư trung ương đảng rồi thì ít lâu sau, Lenin lại thấy rất lo ngại, ông muốn đại hội 13 đưa Stalin ra khỏi chức vụ tổng bí thư, thay bằng một người khác. Dù đang bị ốm nặng, hồi tháng 12.1922, đã Lenin đọc cho thư ký viết một bức thư gửi đại hội đảng và yêu cầu chỉ được bóc ra sau khi ông chết, vì thế sau này người ta gọi nó là „di chúc chính trị của Lenin“. Trong thư có đoạn viết: „Stalin là người thô lỗ quá đáng, và nhược điểm này - hoàn toàn có thể chịu đựng được giữa chúng ta với nhau và trong quan hệ giữa những người cộng sản - nhưng không thể chấp nhận được trong cương vị tổng bí thư đảng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí hãy suy nghĩ để chuyển Stalin ra khỏi trọng trách ấy. Hãy cử vào vị trí của Stalin một đồng chí khác, có tính nết tốt hơn Stalin: kiên nhẫn hơn, trung thựïc hơn, lịch sự hơn và chu đáo hơn đối với các đồng chí, tính khí ít thất thường hơn, v.v...“ (xem: Lenin V.I. „Toàn tập“, t. 45, tiếng Nga, tr. 346).
Khi Lenin qua đời, chức vụ tổng bí thư đã ở trong tay Stalin, nên việc đầu tiên ông ta phải làm là làm sao giành được vị thế „chính thống“ để được „nối ngôi“. Muốn thế phải gạt cho được nhân vật thứ hai sau Lenin ra khỏi việc tổ chức và tiến hành tang lễ của Lenin. May cho Stalin là khi Lenin chết, Trotsky đang còn bận công tác ở miền Nam nước Nga. Stalin ra lệnh điện cho Trotsky báo sai ngày cử hành tang lễ cốt để Trotsky về Moskva sau khi tang lễ đã xong. Stalin quyết định làm những nghi lễ vô cùng trọng thể và ông giành được việc đọc diễn văn trong tang lễ để xác nhận trước toàn đảng, toàn dân sự thừa kế chính thức ngôi vị của Lenin. Trong việc kế vị này, Stalin tỏ rõ là người hiểu biết trình độ văn hóa thấp kém và tâm lý sùng bái lãnh tụ của đảng viên và dân chúng Nga. Trong bài diễn văn trước thi hài Lenin, Stalin lặp đi lặp lại đến bảy lời thề theo một lối rất „tôn giáo“ gây xúc động cho nhiều người (chắc nhiều người còn nhớ, năm 1969, Lê Duẩn cũng bắt chước Stalin đọc năm lời thề với văn phong y hệt như vậy trước quan tài Hồ Chí Minh), nên trước mắt dân chúng và toàn đảng, ai cũng mặc nhiên thấy ngay chính Stalin là người có tư cách „chính thống“ duy nhất để nhận lãnh „quyền trượng“ và „ngai vàng“ trên đất nước Nga. Ðến khi Trotsky trở lại Moskva thì mọi việc đều đã an bài đâu vào đấy rồi: Stalin đã thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay mình.
Cố nhiên, Stalin còn phải đối phó với bức thư của Lenin gửi đại hội 13 của đảng. Trước đây, Lenin đã phòng trước sự theo dõi của Stalin, nhưng ông không ngờ là người nữ thư ký L.Fiotieva của ông lại là tay chân của Stalin. Lenin đã dặn dò bà ấy và Krupskaya phải tuyệt đối giữ bí mật bức thư, chỉ bóc nó và đưa ra khi đại hội đảng khai mạc. Nhưng Fiotieva đã kịp báo ngay cho Stalin về nội dung bức thư. Thế là với sự „lèo lái“ khéo léo của Stalin, hội nghị TƯ đảng dưới sự chủ tọa của ông, họp ngày 22.5.1924 đã quyết định không đưa „thư gửi đại hội“ ra thảo luận ở đại hội 13 nữa. Trước đó, Stalin còn „đóng kịch“ vờ vĩnh xin từ chức tổng bí thư đề mọi người nài kéo ông ta ở lạị
Khi đã nắm toàn bộ quyền lực rồi, Stalin tìm mọi cách làm cho dư luận trong và ngoài đảng đều coi ông là người bạn chiến đấu gần gũi nhất của Lenin từ những năm đầu tiên xây dựng đảng và là người duy nhất hợp pháp để kế tục sự nghiệp của Lenin, đồng thời tìm mọi cách thanh trừng các địch thủ của ông, thậm chí tiêu diệt họ cả về thể xác và đưa tay chân của mình vào cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng.
b. Biến ÐCS thành công cụ hoàn toàn ngoan ngoãn trong tay Stalin
Có một số người cộng sản nghĩ rằng giá như sau khi Lenin qua đời, quyền bính lọt vào tay người khác thì chế độ xô-viết đã không phải là chế độ chuyên chế cực quyền đảng trị khủng khiếp như vừa qua, và lịch sử nước Nga đã không ghi tên kẻ độc tài đẵm máu StalinĐzhugashvili. Không phải thế! Với một ÐCS dựa trên một ý thức hệ như thế, tổ chức theo những nguyên tắc như thế, với mục tiêu và phương pháp hành động như thế thì không thể nào không đẻ ra chế độ độc tài toàn trị, không thể nào không đẻ ra những tên độc tài đẵm máu. Nếu không có một StalinĐzhugashvili thì sẽ có một „stalin“ khác, có thể không khát máu bằng StalinĐzhugashvili, nhưng vẫn là một kẻ độc tài chính cống. Vả lại, cũng cần nói thẳng rằng chính Lenin cũng là một kẻ độc tài độc ác đầu tiên đã đặt nền móng cho chế độ cực quyền toàn trị cộng sản để Stalin thừa kế.
Sau khi chính thức kế thừa ngôi vị của Lenin, việc đầu tiên Stalin làm là nắm chắc ngay bộ máy đảng và bộ máy công an mật vụ (hồi đó vẫn gọi là Vecheka, về sau mới đổi tên nhiều lần). Rồi Stalin dựa vào bộ máy công an mật vụ đó để vu khống, bao vây, đàn áp, triệt hạ dần các cán bộ cốt cán của ÐCS dưới thời Lenin, đồng thời là những địch thủ của ông trong đảng. Stalin dùng chiến thuật liên kết với một số người để cô lập và đánh đổ từng đối tượng, rồi đưa tay chân mình vào thay thế chỗ trống, sau đó quay lại hạ uy thế những người vừa mới liên kết, rồi đánh đổ họ, cứ như thế đến khi bộ máy đảng-nhà nước thật sự trở thành „công cụ“ riêng của ông. Ðối với các địch thủ, Stalin không chỉ đánh đổ họ về mặt chính trị, mà thường tìm cách tiêu diệt cả về thể xác để trừ hậu họa. Trong thời kỳ đầu, TƯ đảng, cũng như đại hội đảng họp tương đối đều đặn vì Stalin cần dựa vào danh nghĩa đảng, dùng sức mạnh toàn đảng để triệt hạ địch thủ của mình.
Hỏa lực đại pháo trước tiên tập trung vào nhân vật đứng thứ hai sau Lenin, tức là Trotsky, „đại công thần“ đã từng gánh vác những việc nặng nề nhất để dựng lên chế độ xô-viết.Trotsky từng làm bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng và hải quân, chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, người thành lập Hồng quân. Mấy kỳ đại hội liền kể từ đại hội 13 (5.1924), 14 (12.1925), 15 (12.1927) Stalin đều nhằm triệt hạ Trotsky - đến năm 1926 Trotsky đã bị khai trừ khỏi đảng, năm 1928 - bị trục xuất khỏi Liên Xô. Ðể đánh Trotsky, Stalin lúc đầu liên kết với Kamenev và Zinoviev, hai ủy viên BCT. Khi Trotsky đã bị đánh bại về chính trị rồi, thì ngay trong năm 1926, đến lượt Zinoviev, lúc bấy giờ là ủy viên BCT, chủ tịch đầu tiên của BCH QTCS: Zinoviev bị ghép chung vào khối với Trotsky để đánh tại đại hội 15 (1927). Triệt hạ xong Zinoviev, Stalin lại quay ra đánh Kamenev. Ðến năm 1926, ba ủy viên BCT dưới thời Lenin, là Trotsky, Kamenev và Zinoviev, đã vĩnh viễn rời khỏi võ đài chính trị. Cũng năm đó Dzherzhinsky qua đời. Còn lạïi Bukharin, người được Lenin gọi là „con cưng của đảng“. Khi vị thế của Stalin vững vàng rồi thì đến lượt Bukharin, ủy viên BCT, chủ tịch BCH QTCS (thay thế Zinoviev từ năm 1926) bị đánh. Về sau cả ba „đại công thần“ nữa là Kamenev, Zinoviev và Bukharin đều bị hành quyết trong cuộc đại khủng bố, còn Trotsky thì Stalin phái tay sai ám sát tại Mexico hồi năm 1940. Stalin đưa vây cánh của mình hết lớp này đến lớp khác vào các cơ quan lãnh đạo của bộ máy đảng-nhà nước. Cứ thế, những cán bộ bolsheviks của đảng Lenin, những „đại công thần“ đã dựng lên bộ máy đảng-nhà nước và chế độ cực quyền xô-viết chưa hoàn toàn chịu khuất phục hoặc không chiếm được lòng tin của vị chúa tể mới, thì cứ lần lượt hết lớp này đến lớp khác đều bị triệt hạ. Cố nhiên, có phản ứng chống lại. Nhưng vì nguyên tắc tập trung dân chủ của đảng-nhà nước loại trừ mọi tính chất dân chủ, nên bất cứ sự phản ứng nào của những người trung thực cũng đều bị vu khống, bị quy kết vào những tội danh „chết người“ và bị đàn áp khủng bố vô cùng ác liệt. Bộ máy công an mật vụ được „bật đèn xanh“ để vu khống, tra tấn, đánh lừa, dựng lên những hồ sơ giả mạo, rồi bày ra những vụ án khủng khiếp trong „cuộc đại khủng bố“ hồi những năm 1937-1938 và hành quyết nhiều ủy viên BCT, nhiều cán bộ đảng viên là „đại công thần“ của chế độ xô-viết.
>>>>> Còn Tiếp <<<<<