mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P28


...
Nhưng bạn đọc thân mến ơi! Khi chúng ta luận về TàiĐức của Đức Phật, Đức Khổng hay Đức Chúa, thì chúng ta đã lọt vào bẫy của Hồ Chí Minh rồi. Trong những xã hội dân chủ văn minh, chúng ta phân biệt thần quyền và thế quyền. Thần quyền dành cho những bậc tu hành chân chính, còn thế quyền là phạm vi hoạt động của những chính trị gia ở ngoài đời. Xuyên suốt dòng lịch sử, Hồ Chí Minh là người lãnh đạo chuyên dùng bạo lực công an và bộ đội để tóm thâu cả thần quyền và thế quyền trong tay mình. Chờ cho có thế mạnh trong tay, tức là lúc Mao Trạch Đông làm chủ nước Trung Hoa, Hồ Chí Minh có chỗ tựa vững chắc ở phương Bắc mới leo thang chiến tranh đánh Dân tộc và tung ra khẩu hiệu mới : “Tiêu diệt năm thành phần của xã hội: trí phú địa hào và tôn giáo lưu manh, thêm “Tôn giáo vào hàng ngũ phản động cần phải tiêu diệt”, vì khẩu hiệu “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” thì đã có từ lúc thiết lập phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 rồi. Xin đọc lại bức thư của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang gởi cho các ông Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Nông Đức Mạnh ngày 21-4-2000: “…Năm 1950, sống ở Liên khu 5 vào thời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động chiến dịch Cải cách Ruộng đất, tôi đã từng nghe cán bộ và loa phóng thanh ra rả ngày đêm kêu gọi nhân dân tiêu diệt năm thành phần xã hội “Trí, phú, địa, hào, và tôn giáo lưu manh”. Mười ngón tay mà chặt mất năm thì còn lại gì? Năm 1951, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 5, đại diện Chính phủ Trung ương, tuyên bố rằng Phật giáo đã đến lúc cáo chung.
Nhà Phật có muôn kinh vạn quyển gồm Kinh, Luật và Luận sưu tầm qua 4 kỳ Kiết Tập Kinh Điển. Lời Phật dạy vô vàn, học suốt đời biết có hết được chăng ? Chỉ bàn về điều đầu tiên của Ngũ giới là Cấm sát sanh vì đại lượng từ bi thương yêu tất cả chúng sinh, biết trọn đời chúng ta có giữ vẹn được hay chăng! Chỉ một án mạng là giết Nông Thị Xuân, người thiếu nữ ngây thơ trong trắng mà “Hồ Chí Minh Nguyễn Tất Thành” đã từng ân ái và sanh cho ông đứa con trai Nguyễn Tất Trung, ông đã phạm trọng tội sát sanh rồi, huống hồ ông là kẻ gây ra cuộc chiến tranh sát hại năm, sáu triệu nhân mạng và gây thương tật cả 10 triệu người. Trong Cuộc chiến tranh của Hồ Chí Minh đánh Dân tộc, vô số người bị xử tử vì bị vu cáo là Việt gian bán nước trong Lễ Tế cờ của ông, vô số người tử trận ở hai bên chiến tuyến có khi là bà con hay anh em một nhà, vô số người chết dọc đường mòn Hồ Chí Minh vì bị rắn độc cắn, bị thú dữ vồ, bị sa chân xuống vực sâu, bị chết đói vì lạc đường (tác giả Bùi Tín trong quyển Hoa xuyên tuyết có kể đến 10 kiểu chết khác nhau, tác giả Xuân Vũ trong quyển Đường đi không đến kể thêm 1 kiểu chết khác nữa là “bị bắn tầm đạn gần từ sau gáy”!), vô số người chết trong các ngục tù giả danh là Trại Học tập Cải tạo, vô số người chết ngoài biển cả khi vượt biên vượt biển tìm tự do.
Đến đây, xin mở dấu ngoặc để bàn về nạn Hải tặc Thái Lan. Trong số những thuyền nhân bất hạnh bỏ mạng trên đường vượt biên, có những người là nạn nhân của Hải tặc Thái Lan. Vì xảy ra trên vịnh Thái Lan, nên dư luận cho rằng do người Thái Lan gây ra. Xét vì dân Thái rất sùng đạo, gần như hầu hết những người thanh niên Thái để chuẩn bị bước vào đời thường phải vào chùa học đạo trong một thời gian từ một tháng đến ba tháng cho nên ba giới cấm căn bản của Ngũ giới là cấm Sát sanh, cấm Trộm cắp và Cấm Tà dâm hẳn người Phật tử Thái phải giữ nằm lòng. Vì thế có dư luận cho rằng đa số các hải tặc không phải là người Thái mà chính là nhóm người Việt ở Bắc Thái, tức là nhóm người đã gia nhập đảng Cộng sản Xiêm do Hồ Chí Minh thành lập hồi thập niên 20. Nghi vấn nầy có cái lý của nó ở điểm người Phật tử Thái rất sùng đạo còn các người Việt ở Bắc Thái là Cộng sản vô thần. Hồ Chí Minh một lòng theo Mác Lê trọn đời, cho đến lúc chết cũng để lại di ngôn sẽ gặp các ông tổ Cộng sản ở phía bên kia thế giới, cho nên ông đã phạm vô vàn tội ác mà không biết ăn năn sám hối, mà lại còn phê bình “Đức Phật không có tài ba” này nọ. Lời phê bình bất kính của Hồ Chí Minh đối với Đức Phật chỉ đáng vất vào sọt rác lịch sử mà thôi! Cũng đáng vất vào sọt rác lịch sử nhiều thứ khác nữa của Hồ Chí Minh, như Chủ trương Tam vô, Sách lược Đấu tranh Giai cấp v.v…
Riêng về thủ đoạn của Cộng sản tiêu diệt Phật giáo, xin một nén tâm hương cúng dường và một phút mặc niệm cho Huynh trưởng Hồ Tấn Anh cùng các vị Tăng ni và Phật tử khác đã tự thiêu để phản đối chính phủ Hà Nội đàn áp và tiêu diệt Phật giáo. Huynh trưởng Hồ Tấn Anh đã cùng 13 Huynh trưởng thuộc Gia đình Phật tử Quảng Nam phát nguyện tự thiêu để bảo vệ Chánh Pháp, và ông là người đi đầu. Xin nhắc trong số Phật tử đã tự thiêu để phản đối Chính phủ Cộng sản vô thần đàn áp tôn giáo, ta có thể kể:
- Phật tử Nguyễn Tấn Dũng tự thiêu tại Huế ngày 21-5-1993. Việt Cộng đổi tên người tự thiêu là Đào Quang Hộ và vu khống rằng ông buồn chuyện gia đình nên mới đi tìm cái chết.
- Đại đức Thích Huệ Thâu 43 tuổi, tự thiêu ngày 28-5-1994 tại Tịnh xá Ngọc Phật ở Ba Càng, Vĩnh Long.
- Bà Nguyễn Thị Thu, Phật giáo Hòa Hảo, 75 tuổi, tự thiêu ngày 19-3-2001 trên đường đến chợ Cái Tàu Hạ xã Tân Hội, tỉnh Đồng Tháp để đòi Việt Cộng trả tự do cho cụ Lê Quang Liêm và đòi ngưng đàn áp Phật giáo Hòa Hảo. Nhục thân của bà Thu bị Việt Cộng cướp đi và không chịu trả lại cho thân nhân làm lễ an táng.
- Cô nữ sinh viên Phật tử người Đức Sabine Kratze pháp danh Từ Tâm. Năm 1991, cô Sabine sang Việt Nam học tiếng Việt ở Sài Gòn và tốt nghiệp thủ khoa năm 1994. Sau đó cô theo học ngành y dược Dân tộc, cô đi thăm viếng nhiều danh lam cổ tự từ Nam chí Bắc, rồi cô quy y với pháp danh là Từ Tâm và thụ trường trai. Đến khi nghe tin về vụ xử Thầy Thích Quảng Độ và Chư tăng Phật tử ngày 15-8-1995, cô Sabine Từ Tâm vô cùng xúc động và tự thiêu ngày 2-9-1995 cúng dường Chánh pháp để phản đối vụ án bất công phi pháp của Việt Cộng và cầu nguyện cho GHPGVNTN sớm thoát cảnh Pháp nạn.
- Nhưng bi hùng nhất là Vụ tự thiêu tập thể của 12 vị Tăng Ni tại chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 2-11-1975. Về vụ việc nầy, Việt Cộng vu khống các tăng ni hủ hóa với người ngoài và tự hủy mình vì xấu hổ. Chúng đưa Thầy Thích Quảng Độ xuống Cần Thơ và yêu cầu thầy ký vào biên bản chúng ngụy tạo, nhưng Thầy nhất định không ký.
- Phật tử Phạm Gia Bình, trường hợp rất đặc biệt vì anh vốn là thuyền nhân, định cư ở Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Anh tự thiêu lúc 7 giờ sáng ngày 6-4-1993 để lại các bức thư tố cáo CS đàn áp Phật giáo gởi cho Tổng thống Clinton, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Cư sĩ Võ Văn Ái, và chư Tăng ni, Cư sĩ.
Đã bán nước mà còn khoe tài
Khoảng năm 1947, trong buổi viếng thăm đền Kiếp Bạc ở Hải Dương thờ Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh có làm một bài thơ Đường nhan đề Viếng đền Kiếp Bạc. Bài thơ như sau:
Cũng là hào kiệt, cũng anh hùng

Tôi Bác cùng chung nợ kiếm cung

Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng

 Bác đưa một nước qua nô lệ

Tôi dắt năm châu đến đại đồng
 Bác có linh thiêng cười một tiếng

Mừng tôi Cách mạng sắp thành công

Bài thơ tưởng rằng có khẩu khí anh hùng, nào ngờ nó lại nói lên tính tình ngạo mạn vì Hồ Chí Minh đã xưng “Tôi tôi Bác bác”như người ngang hàng với Đức Thánh Trần, vị anh hùng Dân tộc mà ai ai cũng một lòng tôn kính. Chúng ta thường ví những người dân trong nước như những đứa con của một Đại Gia tộc vì chúng ta vẫn tin ở Truyền thuyết Một Mẹ Trăm Con, truyền thuyết mà chúng ta hãnh diện và giữ gìn như gia bảo thiêng liêng. Thử tưởng tượng trong ngày kỵ giỗ của một bậc tiên hiền của Đại gia tộc như Đức Thánh Trần đã hai lần đại phá quân Nguyên, trong lúc những đứa con hiếu thuận của Đại Gia tộc Việt Nam đều thành tâm cúng bái để tưởng niệm công đức của Ngài, thì đứa con ngỗ nghịch là Hồ Chí Minh leo lên bàn thờ ngồi để “Tôi tôi Bác Bác” với Ngài như người ngang hàng với mình và lại còn khoe mình tài ba hơn Ngài. Như vậy thì xem tội Phạm thượng và Bất kính của Hồ Chí Minh có đáng bị đánh đòn hay không? Đáng lắm chứ! Nhưng phạt đòn thì còn quá nhẹ!
Đứa con ngỗ nghịch của Dân tộc là Hồ Chí Minh đáng bị đánh đòn thật, nhưng trước khi phạt đòn, xin đọc lời luận tội của Bác sĩ Phan Quang Đán bằng bài thơ họa Hỏi tội Hồ tặc (trích Nguyệt san Bất khuất, số 2 tháng 4 năm 1990, trang 47):
Bớ tên Hồ tặc, Vẹm gian hùng
Dám sánh Đức Trần nghiệp kiếm cung!
Mi đứa tay sai Sô-Viết đỏ
Ngài vì sao sáng giống nòi Hồng
Bình Nguyên Ngài cứu non sông Việt
Tổ quốc mi quên nghĩa cộng đồng
Nô lệ toàn dân nay đói rách
Như mi bán nước tội hay công?
Bác sĩ Phan Quang Đán dùng bài thơ họa Hỏi tội Hồ tặc cũng chưa luận hết tội, nên ông phán thêm vài lời như sau: “Tên Hồ Chí Minh văn bất thành cú, làm tay sai cho ngoại bang, lưu manh, tàn ác, gieo rắc căm thù oán hận, phá hoại đoàn kết Dân tộc, hy sinh xương máu hàng triệu người, làm mất nước, dân thành nô lệ, đói rách kêu không thấu trời. Đức Trần Hưng Đạo và tên Hồ Chí Minh khác nhau một trời một vực, một bên là thiên thần, một bên là quỷ sứ vậy!” 
Luận về tội Hồ Chí Minh đã phạm thì vô cùng bất tận! Nhưng đối chiếu với chiến công hiển hách của Đức Thánh Trần hai lần đại phá quân Nguyên để bảo toàn bờ cõi, tội của “Quỷ sứ Hồ Chí Minh” để làm mất đất, mất biển, mất hải đảo của Tổ quốc thì không tội nào lớn bằng (“Quỷ sứ” chữ của Bác sĩ Phan Quang Đán). Sự việc mất đất xảy ra ở biên giới Việt Hoa, xin đọc quyển Ma đầu Hồ Chí Minh, tác giả Hoàng Quốc Kỳ (trang 199):
“Từ năm 1950, lợi dụng phía Việt Nam đang bận rộn chiến cuộc, Trung Cộng cho quân lén dời cột mốc từ Mường Te đến Móng Cáy sâu vào nội địa Việt Nam, có chỗ đến hàng cây số. Từ năm 1954 trở đi, họ vẫn tiếp tục nửa đùa nửa thật, vừa lén lút lấn đất của ta theo các kiểu sau đây. Lính Trung Cộng thường xuyên sang phía biên giới Việt Nam cười cợt với bộ đội Việt cộng để mượn chậu, xin nước giặt giũ. Giặt xong, họ tắm luôn. Trước khi tắm, họ đóng bốn cái cọc rồi lấy vải nhựa (nylon) quây chung quanh. Tắm xong, họ cứ để nguyên cái “phòng tắm” như vậy, còn để cả hộp xà phòng, khăn lau ở đấy. Dĩ nhiên, bộ đội Việt cộng đâu dám động tới những thứ đó, vì sợ mất “tình hữu nghị”. Rồi thì chiều nào, họ cũng sang tắm giặt một cách rất tự nhiên. Lâu ngày, họ dựng cả nhà ở ngay bên cạnh “phòng tắm”. Thế là khoảng đất ấy thuộc về họ. Cách thứ hai là họ trồng các thứ bí, khoai… cho bò qua biên giới Việt Nam. Bộ đội Việt cộng lại càng không dám đụng tới, vì sợ mang tội ăn cắp hay phá hoại sản xuất của “nước bạn”. Và cứ thế, họ cuốc lấn dần, lấn dần vào đất của ta, mỗi mùa một quãng. Cách thứ ba, lợi dụng những đêm tối trời, mưa to gió lớn, họ đi dời những cột mốc sâu vào phần đất Việt Nam. Tình hình đó được cả trăm trạm tiền tiêu dọc biên giới Việt Hoa báo cáo lên chính phủ, nhưng Hồ Chí Minh cam tâm im lặng để Trung Cộng không ngừng lấn tới. Đã thế, “Bác” còn già mồm hứa hão rằng sẽ đi gặp bác Mao giải quyết trong tình hữu nghị”.
Hồ Chí Minh chỉ hứa hão như thế cho xong chuyện mất đất ở biên giới. Còn việc mất hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì đã có Phạm Văn Đồng đứng ra chịu đạn vì chính Phạm Văn Đồng lúc đó giữ chức Thủ tướng đã ký Công hàm ngày 14-9-1958 xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo đó. Trong một chế độ mà Hồ Chí Minh được tôn vinh là “Cha già Dân tộc” và đã tự hào phát biểu (với tướng Salan của Pháp năm 1946): “Họ làm được cái gì mà không có tôi? Chính tôi đã tác thành cho họ mà!”. “Họ” đây là những Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Trường Chinh, Lê Duẩn…
Giáo sư P.J. Honey, một học giả rất am tường về Cộng sản Việt Nam, vì chính ông đã giảng dạy môn nầy bằng tiếng Việt tại đại học Luân Đôn và ông cũng là cố vấn của Ban Việt ngữ đài BBC trong một thời gian dài, đã nói về uy quyền và sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh trong Đảng như sau (Trích Hồ Chí Minh, Nhận định tổng hợp, tác giả Minh Võ, trang 315): “Chỉ một mình ông (Hồ) quyết định những vấn đề chính trị cao cấp, còn những kẻ khác, kể cả các ủy viên Bộ Chính trị, chỉ có việc chấp nhận và tuân hành mệnh lệnh của ông về các vấn đề liên quan.”
Cho nên việc thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công hàm giao hai quần đảo cho Trung Quốc được tác giả Hoàng Quốc Kỳ diễn tả là “do Hồ Chí Minh cầm tay Phạm Văn Đồng ký” giống như cô giáo cầm tay em bé lớp vỡ lòng viết những chữ A, B, C đầu đời. Thêm một trường hợp Hồ Chí Minh chơi trò Ném đá giấu tay: “Bác” đã ký tên bán Nước bằng bàn tay của Phạm Văn Đồng.
Về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng Sa (Paracel) được tác giả Lê Văn Ngộ trong Hội Đồng hương Tây Ninh ở Sydney nghiên cứu rất tường tận trong tác phẩm Mùa xuân cho Dân tộc Việt Nam (xuất bản ở Sydney năm 1999). Tác giả Lê Văn Ngộ trưng dẫn rất nhiều tài liệu như Trường Sa Nhất Nhật Trình đời vua Lê Thánh Tôn (thế kỷ 15), Thiên Nam Tứ Chi Lộ Đồ Thư năm 1700, Phủ Biên Tạp Lục năm 1776, vua Gia Long cho lập Đội Hải quân để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa năm 1802, Địa Dư Chí năm 1821, Hoàng Việt Địa Dư Chí năm 1883, Đại Nam Thực Lục Tân Biên năm 1844, Đại Nam Thực Lục Chính Biên năm 1848, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ năm 1851, Việt Sử Cương Giám Khải Lược năm 1876, Đại Nam Nhất Thống Chí năm 1910, và rất nhiều tài liệu của các sử gia Pháp. Giám mục Taberd, một nhà bác học và thám hiểm nổi tiếng, có vẽ bản đồ cổ An Nam Đại Quốc Bản Đồ năm 1838 xác nhận Hoàng Sa là Bãi Cát Vàng (nguyên văn Katvang) của Việt Nam.
Gần đây nhất, vào ngày 6 và 7-9-1951, dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại chấp chánh, thủ tướng Trần Văn Hữu tham dự Đại hội Quốc tế ở San Francisco cùng với 50 quốc gia. Trong hội nghị nầy, thủ tướng Trần Văn Hữu đã chính thức lên tiếng xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa, kết quả là không có quốc gia nào phản đối. Như vậy mặc nhiên chủ quyền của Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
Đến bây giờ hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, xin Dân tộc hãy ghi nhận công lao của thủ tướng Trần Văn Hữu dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại. Đồng thời cũng xin ghi thật đậm nét vào lịch sử việc “nhắm mắt ký tên bán nước” của thủ tướng Phạm Văn Đồng dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh để làm mất Trường Sa và Hoàng Sa. Hai thủ tướng, hai chế độ, hai thái cực! Dân tộc đành phải gọi Hồ Chí Minh là Đại Việt gian, Đại Phản nghịch, Đại Tội đồ về tội bán Nước xuyên suốt 4000 năm lịch sử! Chỉ có một, một mà thôi, không có hai, không ai bằng!
Dạy Dân kêu Trời bằng “Thằng”
Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong thời gian ở tù 10 năm, đã khám phá vô số những xảo trá và đê hèn của Việt Cộng. Như trong phép xưng hô của Việt Cộng, Hồ Chí Minh đã thiết lập một chiến tuyến giữa bạn và thù thật minh bạch (Trích Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, tr. 265):
Trong tiếng Việt của ta cách xưng hô thật phong phú. Vào Hỏa Lò tôi mới biết ở đây, hay nói cho đúng trong ngành công an, có lệ bất cứ ai bị bỏ tù đều là thằng hết, còn ai chưa bị bỏ tù, nhưng có thể bị bỏ tù, thì gọi tên không. Cách gọi thằng, con trong ngôn từ chính trị có cội nguồn của nó. Nó xuất hiện vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính ông Hồ Chí Minh dùng cách gọi này trong những cuộc nói chuyện với cán bộ và trong những bài viết trên báo Cứu Quốc: thằng Mỹ, thằng Pháp, thằng Xihanúc, thằng Lý Quang Diệu, thằng Măng-đét Phrăng…”
Cách gọi như thế được coi như sự khẳng định lập trường chính trị, cho nên công an và văn nô đều nói và viết theo “Bác Hồ” của chúng, Vũ Thư Hiên viết tiếp: “Theo gương ông, về sau người ta gọi kẻ thù nào cũng bằng thằng hết: thằng Bảo Đại, thằng Diệm, thằng Khánh, thằng Kỳ, thằng Thiệu…
Rồi cũng theo gương Hồ Chí Minh coi trời bằng vung, và với khí thế đang lên rất cao sau năm 1975, các đội thủy lợi ở miền Nam trương khẩu hiệu lên khắp nơi, khoe tài làm thủy lợi và kêu TRỜI bằng “thằng”: Thằng trời đứng ra một bên. Để cho thủy lợi tiến lên thay trời.”
Người ký giả lão thành Nguyễn Ang Ca, đã sống qua các thời Pháp thuộc, thời VNCH, và thời Việt Cộng cai trị, có viết một bài báo nhan đề Sài Gòn: Toàn những chuyện khó tin mà có thật với đoạn kết như sau (trích Bán Nguyệt san Chiêu Dương, số 16 năm 1983, trang 29): “Đối với bọn Cộng sản Việt Nam, chuyện gì chúng cũng có thể làm. Trời, Đấng Jésus Christ, Phật tổ Thích Ca, Đức Giáo hoàng…, bọn Cộng sản đều gọi tuốt bằng “thằng”, chỉ có Bác, Lênin, Mao Trạch Đông là bọn chúng xưng tụng thôi, thì thử hỏi bọn Cộng sản Việt Nam đâu có còn lương tri chi nữa mà phê bình và luận bàn vậy.
Trong mục Ý kiến Độc giả của Bán Tuần báo Việt Luận ngày 14-9-2007, có bài góp ý của độc giả Phan Quang Cảnh, xin được trích: “Người có văn hoá, sống trong xã hội văn minh, không nên xử dụng ngôn ngữ hạ cấp. Trên báo Thông Luận ngày 4-9-2007, giáo sư Nguyễn Văn Trung có kể chuyện học giả Đào Duy Anh vào Nam sau 1975 và đến thăm một số trí thức miền Nam. Trong câu chuyện, học giả Đào Duy Anh thường gọi “Thằng Diệm, Thằng Thiệu”. Chúng tôi chỉnh: “Thưa Cụ, trong Nam, một cách chính thức trên sách báo, khi nói tới những lãnh tụ miền Bắc bao giờ cũng gọi là “ông” cả, ông Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng… không bao giờ gọi là “thằng”. Học giả Đào Duy Anh thú nhận: “Tôi sống với họ lâu năm quá nên cũng bắt chước thói quen hạ cấp. Xin lỗi”.
Cái nôi của nền văn hóa Việt tộc!
Ông bà chúng ta ngày xưa coi trọng lời ăn tiếng nói và để lại cho chúng ta cả một kho tàng về phép ăn nói sao cho hợp lễ nghi phong hóa, nào là: “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”, “Một tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, “Trình, thưa, vâng, dạ, đứng, ngồi - Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, v.v…Bậc hiền mẫu như mẹ cụ Phan Bội Châu dạy dỗ lúc cụ lên sáu, thì cẩn trọng giữ gìn lời nói cho đến “nửa câu nói cũng không khinh xuất”.Chúng ta học thêm được một nếp sống đẹp: trong từ đường Phạm tộc ở An Lễ của Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy có bức hoành phi với 4 chữ Ngôn Hành Kính Tín (Lời dạy của bức hoành: lời nói phải đi đôi với việc làm để được người đời kính trọng và tin tưởng). Nhưng “Thượng bất chánh, hạ tất loạn, Hồ Chí Minh tự xưng là Cách mạng bài Phong đả Thực mà lại du nhập cách xưng hô côn đồ vô lễ giáo “con nầy thằng kia”làm bại hoại gia phong quốc pháp, đạp đổ hết những thuần phong mỹ tục mà tiền nhân đã dày công tô điểm từ thời lập quốc. Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện, trong bài thơ tả cảnh tù ở những vùng núi rừng sâu thẩm, đã đặt câu hỏi cho thế giới trả lời:
Từ vượn lên người mất mấy triệu năm!
Từ người xuống vượn mất bao năm?
Xin mời thế giới tới thăm
Những trại tập trung núi rừng sâu thẳm
Đâu có cần phải đến những vùng rừng núi xa xăm ở miền thượng du Việt Bắc! Ở ngay vùng châu thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn hóa Việt tộc, Hồ Chí Minh từ Nga Tàu về đánh phá tan tành và gây thành cảnh địa ngục trần gian để trú ngụ một xã hội vô cùng man rợ. Đây, một trích đoạn của tác giả Huy Vũ, trong bài Chuyện lánh nạn Cộng sản năm 1954 của gia đình tôi (Nguyệt san Làng Văn, số 213 tháng 5 năm 2001, trang 75):
Trong giai đoạn hạ uy thế nầy (đợt Phóng tay Phát động Quần chúng cuối năm 1954), thầy mẹ tôi tuy đã trên dưới sáu mươi, song khi ra đường gặp nông dân hay con cái của họ, dù chỉ là đứa trẻ nít năm sáu tuổi, chẳng những phải đứng nép về một phía bên để nhường lối đi cho họ, mà còn phải chắp tay trước ngực, phải cúi đầu và nói lớn: “Con xin kính chào ông (hay bà) nông dân”. Ngoài ra, thầy mẹ tôi còn bị nông dân và đám con cái hỉ mũi chưa sạch của họ hạch hỏi, hành hạ, ném đá, đánh đập, và gọi là thằng này, con kia.
Trong một bài viết của Dương Thu Hương vào năm 2002, chúng ta hãy nhìn xem vào những năm 1953-1955 (trong CCRĐ), Cái nôi của nền văn hóa Việt tộc đã bị Hồ Chí Minh biến thành một vùng dã man và con người biến thành dã thú:
“Trong lịch sử bốn ngàn năm, triều đình Cộng sản là triều đình duy nhất cho tới nay, dạy con gái, con dâu vu khống bố hiếp dâm; dạy con trai, con rể chỉ vào mặt bố “đả đảo thằng bóc lột”, dạy cho láng giềng tố cáo điêu chác, đâm chém, dầy xéo mồ mả của nhau… Khi con người đã đủ can đảm vu khống, nhục mạ ngay bố mẹ đẻ của mình thì họ thừa sự nhẫn tâm để làm những điều ác gấp ngàn lần như thế đối với tha nhân”.
Cuộc “Kách mệnh” của Hồ Chí Minh “thành công, thành công, đại thành công”! Hồ Chí Minh đã xây dựng được một xã hội man rợ để cho trẻ con năm, sáu tuổi gọi những bậc cao niên là “con nầy thằng kia”! Man rợ tột cùng! Nào có kém bộ lạc ăn thịt người! Ai là người được hạnh phúc trong một xã hội như vậy? Cha mẹ chúng chăng? Chắc là không! Họa chăng chỉ có Hồ Chí Minh! Dân tộc ơi! Hồ Chí Minh đại thành công, nhưng Dân tộc đại bất hạnh! Hãy khóc cho thật nhiều đi! Hồ Chí Minh đã phá nát hết cả rồi! Đâu còn “Kính lão đắc thọ”! Đâu còn thuần phong mỹ tục, lễ nghi phong hóa bốn ngàn năm văn hiến của Ông bà Tổ tiên để lại! Đã mất hết cả rồi!
Cam tâm làm Kominternchik của Komintern
Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập, lời giảng dạy của Hồ Chí Minh về Quốc tế Cộng sản như sau : “Đệ tam Quốc tế là một đảng Cộng sản thế giới, các đảng ở các nước như là chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có lệnh và kế hoạch của Đệ tam Quốc tế, thì các đảng không được làm”.
Xem ra Hồ Chí Minh có vẻ hãnh diện việc Đảng Cộng sản Việt Nam được làm một chi bộ của Đệ tam Quốc tế. Về mặt điều hành việc đảng ở trong nước thì Hồ Chí Minh hô hào khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Nhân dân làm chủ.” Ở trong nước thì như thế, Đảng lãnh đạo một cách độc tài, là chủ nhân ông đứng trên cả nhà nước và Quốc hội. Nhưng đối với Đệ tam Quốc tế, theo lời giảng dạy của Hồ Chí Minh thì: “Việc gì chưa có lệnh và kế hoạch của Đệ tam Quốc tế thì các đảng chi bộ không làm được. Chúng ta đã thấy được gì chăng? Chúng ta nói lên được điều gì chăng? Hỏi tức là trả lời, nếu ta dùng xảo ngôn tuyên truyền của Hồ Chí Minh để trả đòn, thì câu giải đáp hiển nhiên là: “Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo chỉ là đảng bù nhìn tay sai của Đệ tam Quốc tế, và nước Việt Nam là chư hầu, là thuộc địa của Đế quốc đỏ Liên Xô!” Khi Hồ Chí Minh cam tâm làm Kominternchik của Komintern (tức là Quốc tế ủy của Đệ tam Quốc tế), thì ông đã phế bỏ Độc lập của Dân tộc rồi! Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập gồm 12 tập dài 7.866 trang chứa đầy những Tư tưởng của Hồ Chí Minh là một mối Ô nhục lớn cho Nền Văn hóa Dân tộc! Phải mau mau vất vào sọt rác lịch sử, càng để lâu cho sinh viên học càng thêm di hại! Dân tộc hãy quay về học lại bài học yêu nước của danh tướng Trần Bình Trọng “Thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc. Lời kêu gọi “Hãy trở về với Dân tộc” thật thống thiết và khẩn cấp vô cùng!