mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (14)

Thời kỳ biến động lớn thứ ba: "Prestroika" và sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới .
Cho đến những thập niên 70, 80, cuộc khủng hoảng chế độ ở Liên Xô đã lên đến cao điểm. Một trong những biểu hiện nổi bật nhất của khủng hoảng là nền nông nghiệp xô-viết ngày một sa sút trầm trọng, tình trạng thiếu lúa mì, thịt, sữa là một hiện tượng triền miên không dứt nổi. Năm 1963 mất mùa, đây là một trong những cớ mà Brezhnev và phe cánh dùng buộc tội Khrutshev để làm đảo chính, nhưng dưới thời ông ta thì lại liên tiếp mất mùa trong những năm 1965, 1967, 1972, còn 1975 thì mất trắng. Brezhnev tung ra một „Chương trình lương thực“ đồ sộ, huênh hoang mà thực tế chẳng giải quyết được gì cả. Hàng năm, dưới thời Brezhnev và Andropov phải chi đến 8 tỉ đô la Mỹ để mua lúa mì ở nước ngoài, mua nhiều nhất là ở Hoa Kỳ, Canada. Thế mà dưới thời Sa hoàng, nước Nga là một trong những nước cung cấp nhiều lúa mì cho thế giới! Về công nghiệp, trong suốt thời gian tồn tại của Liên Xô không bao giờ chấm dứt được nạn khan hiếm trầm trọng hàng tiêu dùng. Mà nếu có hàng thì chất lượng thấp kém, người dân trong nước cũng không muốn xài, chứ nói gì đến khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc xuất cảng để kiếm ngoại tệ chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên để bán. Trừ lĩnh vực công nghiệp quân sự, còn nói chung trong nền kinh tế quốc dân, kỹ thuật và thiết bị đều quá lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới. Trong bài „Sáng kiến vĩ đại“, Lenin quả quyết rằng „chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thắng chủ nghĩa tư bản nhờ năng suất lao động dưới chủ nghĩa xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản“. Thế nhưng, sau bảy thập niên, nếu so sánh về năng suất lao động giữa Liên Xô và Hoa Kỳ thì Liên Xô thua quá xa. Chẳng hạn, năm 1970, một người lao động trong nông nghiệp Liên Xô thu hoạch hàng năm 4,5 tấn ngũ cốc, còn một người Mỹ - 54,7 tấn, và tương ứng như thế về thịt - 320 và 4570 kilogam, sữa - 2,8 và 11,8 tấn. Trong các lĩnh vực công nghiệp cũng thế. Năm 1987, năng suất lao động của Liên Xô chỉ bằng một phần ba của Mỹ, còn trong nông nghiệp chỉ bằng 15% (xem: báo „Izvestia“, 7.7.1988). Các chương trình đầy tham vọng đuổi kịp và vượt xa nước Mỹ về mặt này mặt khác về kinh tế, chẳng hạn, về thịt và sữa chỉ là những... giấc mơ. Biểu hiện nổi bật về khủng hoảng tinh thần là thái độ lao động của người dân Liên Xô. Khi Homo sapiens đã trở thành Homo sovieticus, tức là "con người mới xã hội chủ nghĩa", thì nổi bật ngay đặc tính phổ biến của số đông là ngại lao động, lười biếng, làm việc tắc trách... mặc dù trên lời nói những người cộng sản luôn luôn đề cao lao động! Chẳng những thế, tệ nạn ăn cắp của công, tham nhũng, nghiện rượu tràn lan đã trở thành những căn bệnh nan trị. Thật ra thì đa số người dân nơi nào cũng tốt, nhưng ở Liên Xô, chế độ cộng sản đã biến hóa con người ra như thế đó.
Liên Xô là đất nước rộng lớn nhất thế giới, tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, tài năng không thiếu, có đầy đủ điều kiện để đem lại cho nhân dân trong nước một cuộc sống sung sướng về mọi mặt. Nhưng vì chế độ chính trị trái quy luật tiến hóa của lịch sử, nên đất nước càng giàu có tài nguyên thì lại càng phung phí, người dân thường đã khổ lại càng khổ. Hơn nữa, do ý đồ thống trị thế giới, các lãnh tụ cộng sản, ngay từ thời Lenin, đã tung ra bao nhiêu vàng bạc, tiền của để nuôi dưỡng các ĐCS tay chân, các tổ chức khủng bố, hòng dựng lên những chế độ tay sai cho mình, và chính những tổ chức, những chế độ này đã sống bám và thu hút một phần khá lớn sinh lực của Liên Xô. Tập đoàn thống trị Liên Xô lừa bịp dân chúng trong nước là họ "làm nghĩa vụ quốc tế", thực hiện của "chủ nghĩa quốc tế vô sản", ủng hộ "cách mạng thế giới".
Ðến đầu thập niên 80, trong PTCSQT đã có trên 180 ÐCS, ÐCN và các đảng dân tộc chủ nghĩa „có định hướng xã hội chủ nghĩa“, trong số đó đại đa số đều được ÐCSLX „chi viện“. Và đã có 24 nước gọi là „xã hội chủ nghĩa“ hoặc „có định hướng xã hội chủ nghĩa“ ở các châu Âu, Á, Phi và Mỹ La tinh với diện tích 41 triệu km vuông (chiếm 27,5% diện tích lục địa thế giới) và dân số 1783 triệu người, kể cả 1035 triệu của Trung Quốc (chiếm 39,7% dân số thế giới). Tất cả các nước đó, kể cả Trung Quốc (trước ngày Xô-Trung phân liệt), đều nhận viện trợ to lớn của Liên Xô! Những người lãnh đạo ÐCSLX huênh hoang khoe đó là „thắng lợi vĩ đại do ánh sáng cách mạng tháng Mười vĩ đại đem lại“, nhưng người dân xô-viết bình thường lại căm giận vì thấy bản thân họ và đất nước họ đã bị ÐCS bòn rút đến kiệt quệ để „nuôi báo cô“ bọn độc tài, bọn khủng bố, bọn bạo loạn quá khích quốc tế. Cuộc phiêu lưu quân sự vô nghĩa của Liên Xô tại Afganistan kéo dài gần 10 năm (từ tháng 12.1979 cho đến ngày quân Liên Xô rút lui hồi tháng 2.1989) là một đòn rất nặng nề về mọi mặt cho chế độ xô-viết.
Tình hình khủng hoảng kinh tế càng trầm trọng thêm khi dưới thời Brezhnev, ÐCSLX cố dốc hết sức ra giành cho được „thế quân bình về võ khí chiến lược“ trong cuộc chạy đua võ trang với các nước Âu Mỹ, nên cuối cùng, Liên Xô đã hoàn toàn... kiệt sức. Người khổng lồ xô-viết vẫn cứ làm ra vẻ „siêu cường“ lăm le bom nguyên tử trong tay nhưng thật ra chân đã là... đất sét!
Ðầu thập niên 80, ba tổng bí thư ÐCSLX già cỗi, bệnh hoạn, lẫm cẫm lần lượt "đi gặp cụ Marx" (xin mượn lối nói của Hồ Chí Minh). Tổng bí thư thứ bảy Mikhail Gorbachev lên ngôi vị vào tháng 3.1985. Lúc đó, dân chúng cũng chưa biết Gorbachev là người như thế nào, nhưng thấy thích ngay vì ông còn trẻ, nói chuyện trước dân không cầm giấy đọc ấp úng như các vị trước, hơn nữa những điều ông ta nói nghe có vẻ hứa hẹn một cái gì mới mới. Do đó, ngay từ đầu ông đã nhận được „tín dụng niềm tin“ to lớn của dân chúng Liên Xộ
Gorbachev đã từng ở trong ban lãnh đạo ÐCSLX qua ba triều tổng bí thư, ông biết rõ đất nước và xã hội đang đứng trước những khó khăn to lớn. Làm thế nào để vượt qua được những khó khăn đó - là vấn đề cấp thiết nhất đã đặt ra cho ông và ÐCSLX. Ông cố giải quyết vấn đề này với ý đồ duy trì bằng được chế độ cộng sản hiện tồn, cũng như quyền lực của giai cấp nomenklatura mà ông là kẻ đại diện. Ông không dám nhìn nhận là đất nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng chế độ có tính chất toàn diện và không muốn truy tìm nguồn gốc khủng hoảng. Vì thế, tuy ông và TƯ ÐCSLX có nói đến „perestroika“ đấy, nhưng đã không có quan niệm rõ rệt và một chiến lược toàn diện để vượt qua khủng hoảng, mà cứ loay hoay, lúng túng, chao đảo, ngả nghiêng làm cho cuộc khủng hoảng ngày thêm trầm tro.ng.
Về mặt đối ngoại:
Ðể vượt qua những khó khăn nghiêm trọng của đất nước, Gorbachev hy vọng bằng một đường lối đối ngoại hòa dịu với các cường quốc trên thế giới, ông có thể giảm nhẹ được gánh nặng chạy đua võ trang của Liên Xô, đồng thời có thể tranh thủ được tín dụng của các nước đó để giải quyết những vấn đề kinh tế trước mắt. Gorbachev có cái may là trong chuyến đến thăm nước Anh hồi tháng 12.1984, đã được nữ thủ tướng M. Thatcher có cảm tình và nhận xét tốt („Tôi thích ông Gorbachev. Chúng tôi có thể cùng nhau làm việc được“. Time 31.12.1984), do đó đã tạo dựng uy tín cho ông trong báo giới quốc tế khi ông mới chỉ là một ủy viên BCT TƯ. Thêm nữa, khi lên cầm quyền, Gorbachev có được những người cộng sự đắc lực, thông minh, như A. Yakovliev (ủy viên BCT TƯ ÐCSLX phụ trách chính sách đối ngoại) và E. Shevardnadze (ủy viên BCT TƯ ÐCSLX, bộ trưởng ngoại giao) biết đánh giá khách quan tình thế hiểm nghèo của Liên Xô trong cục diện chung để giúp ông phần nào vượt qua được những nhận thức thiển cận, thô thiển của một „anh cán bộ cộng sản tỉnh lẻ“ (xin mượn nhận xét của sử gia D.Volkogonov) và „cố vấn“ cho ông những „bước đi“ thích hợp về mặt đối ngoại, nhờ đó uy tín của ông trên thế giới rất cao đến mức tạo ra... „chứng mê si Gorbi“ ở ngoài nước. Mặt khác, cũng cần nói đến sự hoạt động khôn khéo và có phối hợp của những nhà chính trị đứng đầu các nước lớn, như các tổng thống R. Reagan, G. Bush, F. Mitterand, các thủ tướng M. Thatcher, H. Kohl, v.v... biết lợi dụng sự yếu đuối của Liên Xô để đạt tới những nhân nhượng cần thiết có lợi cho việc chấm dứt chiến tranh lạnh trên thế giới và cho sự thắng lợi của các lực lượng dân chủ ở các nước „xã hội chủ nghĩa“.
Người ta đã viết quá nhiều về mặt đối ngoại thời Gorbachev, nên ở đây chúng tôi chỉ xin nêu một số vấn đề thôi. Trước hết, việc rút quân đội xô-viết ra khỏi Afganistan. „Cuộc chiến tranh bẩn thỉu“ này của Liên Xô đã đẩy 546255 sĩ quan và binh lính đi chiến đấu trên đất nước người làm 13826 binh sĩ bị thiệt mạng (xem: APRF - Lưu trữ Tổng thống Liên bang Nga. Báo cáo của bộ quốc phòng Liên Xô, số 0431), gây biết bao hậu quả to lớn cho Liên Xô. Ngay từ cuối năm 1985 nhiều người đã đề nghị rút quân, và đến năm 1986 chính Gorbachev cũng đã nói cần phải „gỡ nút buộc Afganistan“, nhưng ông cứ chần chừ mãi đến tháng 4.1988 mới quyết định rút và đầu năm 1989 mới thực sự rút hết quân. Ở đây nổi bật con người Gorbachev mà D.Volkogonov đã nhận xét chính xác: «Phương pháp luận đầy nghịch lý của tổng bí thư cuối cùng là thế: đã đi đến được một giải pháp đúng, có khi là do ông đưa ra trước, nhưng ông lại không vội thực hiện điều đã suy tư và tìm thấy. Ông do dự, nghĩ lui, lại cân nhắc, rồi hoãn lại. Gorbachev còn bàn lâu nữa với các ủy viên «ban tham mưu đảng» (ý nói BCT) của mình để cố giành thắng lợi trong cuộc phiêu lưu rõ ràng đã thất bại». Thậm chí đến tháng 11.1987, khi bộ quốc phòng Liên Xô đã vạch kế hoạch rút quân, ông còn dành thì giờ gặp „lãnh tụ“ bù nhìn của xô-viết là Nadzhibulla để hướng dẫn cho ÐCS Afganistan (tên chính thức là Ðảng dân chủ nhân dân Afganistan) phải làm gì để củng cố thành quả cách mạng (!), và tháng 4.1988 ông lại bay đến Tashkent gặp Nadzhibulla lần nữa, còn trước khi bắt đầu rút quân, hồi tháng 5.1988 Gorbachev vẫn còn cố bênh vực cho quyết định phiêu lưu của BCT TƯ ÐCSLX hồi tháng 12.1979 đưa quân vào Afganistan, ông tuyên bố: «chúng ta phải nói rằng các chiến sĩ của ta đã hy sinh thân mình không vô ích...» Không vô ích! Thế thì họ hy sinh có ích vì cái gì? Gorbachev không trả lời được. Dẫu sao chăng nữa, việc Liên Xô rút quân cũng được thế giới hoan nghênh, trong lúc người dân Liên Xô thì cay đắng, xót xa vì cái giá rất đắt phải trả thêm cho ba năm do dự đó của Gorbachev (1985 - 3 tỷ rúp, 1986 - 4 tỷ rúp, 1987 - 5,5 tỷ rúp theo giá trị hồi đó) (xem: D. Volkogonov. «Bảy lãnh tụ», t.2, tr.325-328).
Việc giải trừ quân bị, nhất là giải trừ vũ khí chiến lược đạt đến những thỏa thuận cao khi hai tổng thống M. Gorbachev và R. Reagan ký hồi tháng 12.1987 ở Washington Hiệp ước Xô - Mỹ về việc hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tiếp đó, tháng 12.1989, hai tổng thống M. Gorbachev và G. Bush cùng tuyên bố ở Malte là chiến tranh lạnh đã kế thúc. Ðó là những sự kiện lịch sử làm nhân dân thế giới rất phấn khởi. Cũng nên nhắc lại rằng tình hình khủng hoảng kinh tế của Liên Xô trong thời kỳ này đã lên đến cao độ, phong trào dân chủ và dân tộc đang sục sôi trong nước và ở Ðông Âu. Ðó là cái thế buộc Gorbachev và ban lãnh đạo cộng sản phải có «bước đi» như vậy để tranh thủ tín dụng của các nước phương Tây. Xin dẫn ra đây một việc để làm sáng tỏ điều vừa nói: tháng 7.1990, Gorbachev đã gặïp tại điện Kremli một nhóm chuyên gia kinh tế Liên Xô sốt sắng chủ trương kinh tế thị trường, ông giải thích cho nhóm này hiểu «động cơ» của chính sách đối ngoại của ông: chúng ta rất cần tín dụng của phương Tây, cần đến 20 tỷ đô la. Gorbachev nói: « Ðối với người Mỹ, Nhật, Ðức thì số tiền đó không lớn. Vấn đề không phải là họ tiếc số tiền đó, mà là ở chỗ chúng ta chưa làm cho họ tin chúng ta được». Cuộc gặp mặt các nhà kinh tế đó diễn ra sau hội nghị bảy nước giàu nhất thế giới (G7) ở Houston. Tại G7, Bush có thái độ rất dè dặt đối với chương trình «hào phóng» của Tây Âu, nên Gorbachev gọi điện cho Bush dọa: «Chúng tôi có thể không nhờ đến các anh, nhưng như thế thì đành phải siết chặt bù loong, giảm tốc độ perestroika» (xem: báo «Russkaya mysl» - Tư tưởng Nga, 10.8.1990).
Năm 1990, trong cuộc đàm phán với tổng thống Bush ở Helsinki, tổng thống Gorbachev tuyên bố Liên Xô ủng hộ chính sách của Mỹ tại vùng Cận Ðông. Lần này Bush đã hoàn toàn tin tưởng ở Gorbachev. Tiếp theo là thái độ «nhắm mắt làm lơ» của Liên Xô để Hoa Kỳ tự do hành động trong cuộc chiến vùng Vịnh. Bằng việc làm đó, Gorbachev hy vọng trận mưa vàng sẽ trút xuống...
Trong những năm 1989-1990, nhất là sau bài diễn văn tại Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc, danh tiếng của Gorbachev lên tới cực điểm, đưa đến việc trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình cho ông. Giải thưởng đó đáng lẽ phải là niềm hân hoan chung của đồng bào ông, nhưng không, phản ứng đồng loạt của họ là phủ nhận, thậm chí phản đối. Ðó là một nghịch lý hoàn toàn dễ hiểụ
Trước những biến động vũ bão và lớn lao làm sụp đổ chế độ «xã hội chủ nghĩa» ở Ðông Âu hồi cuối năm 1989, Gorbachev và ban lãnh đạo ÐCSLX đã giữ thái độ bất can thiệp vì họ nhận thức rõ, trong lúc bản thân Liên Xô đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, một sự can thiệp quân sự sẽ làm Liên Xô sa lầy nặng, tạo điều kiện cho phong trào dân chủ ở Liên Xô hồi đó đang rất mạnh có dịp bùng nổ lật đổ chính quyền xô-viết. Ðồng thời người ta cũng đã lường trước phản ứng quốc tế mạnh mẽ đối với một cuộc can thiệp như vậy. Thái độ đó của Gorbachev và ban lãnh đạo Liên Xô đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự sụp đổ của các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu, cho «cuộc đổi đời» của nhân dân các nước này diễn ra nhẹ nhàng.