mardi 25 octobre 2011

 CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P53

Chuyện sứ thần của Việt Nam ngày xưa
Trong lịch sử VN, kể từ những Triều đại Độc lập Đinh Lê Lý Trần… hùng cứ ở phương Nam đối lập với Bắc Triều, những “người đã đi hết biển” là những vị sứ thần VN đi sứ sang Tàu. Đó là những vị tài cao học rộng, đổ đạc cao, làm quan thanh liêm đức độ, lại có tài mẫn tiệp nên được vua chọn làm sứ thần sang Tàu như những câu chuyện sau đây. 
Chuyện ông Đào Tông Nguyên. Ông là danh thần đời vua Lý Nhân Tông, không rõ năm sinh năm mất. Ông hết lòng tham gia việc chính trị, văn hóa nước nhà. Khoảng năm Mậu Ngọ (1087), ông đi sứ nhà Tống, đưa voi sang cống và trình quốc thư, đòi lại những châu, huyện ở mạn Quảng Nguyên mà nhà Tống đã chiếm đoạt trước đó. Do tài ngoại giao của ông, nhà Tống thuận trả Quảng Nguyên lại cho ta, ta trả lại cho họ những tù binh đã bắt được do công trận của danh tướng Lý Thường Kiệt.
Chuyện ông Đinh Củng Viên (?--1294). Ông là danh thần đời Trần Thánh Tông, giỏi biện thuyết. Năm Canh Ngọ (1270) gặp Nguyên Thế Tổ sai sứ sang khiến vua Trần phải nộp biểu xưng thần, ông cùng với đại phu Lê Đà sang sứ nhà Nguyên để biện luận quyết không nhục quốc thể. Vua Nguyên Tông bảo: “Quân của Thiên triều đi đến đâu san bằng đến đó, không ai dám chống cự, trái mạng, chúa các người không rõ phận nước mà toan địch với ta sao?” Ông thản nhiên đáp: “Nếu nhà vua định đem điều nhân nghĩa mà khiến mọi người kính nể thì mới thuyết phục được chúng thần. Nếu đem binh lực ra dọa nạt thì dù nhỏ, nước tôi vẫn có binh hùng tướng mạnh, có núi non hiểm trở để ngăn chặn và tiếp đón binh thiên triều”. Thấy ông biểu dương tinh thần bất khuất của Dân tộc ta, Nguyên Thế Tổ mến phục.
Do đó tránh được việc binh đao một thời. Khi trở về, ông được ca tụng là trang biện sĩ kỳ tài.
Chuyện ông Mạc Đĩnh Chi, Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ông đỗ Trạng nguyên đời Trần Thánh Tông, đi sứ nhà Nguyên dưới đời Trần Hiến Tông và sang đời Trần Anh Tông, ông lại đi sứ sang Tàu. Do tranh tài văn chương với sứ thần Cao Ly, ông được vua Nguyên khuyên son phê tặng “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng trong thơ văn về bài văn tế chỉ với “bốn chữ nhất” mà ông nhận lịnh phải đọc, ông đã ứng xử nhanh và xuất khẩu thành bài Tứ tuyệt với bốn chữ nhất đó. Bài văn tế của ông được người đời truyền tụng như sau:«Vu sơn nhất đóa vân. Hồng lô nhất điểm tuyết. Thượng uyển nhất chi hoa. Quảng hàn nhất phiến nguyệt». Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!
Điều mà rất ít người biết là Mạc Đĩnh Chi cũng nổi tiếng về tài đánh cờ. Chuyện kể khi ông đi sứ xong, trên đường về nước, đi ngang qua nhà ông Trạng Cờ của Tàu ở Yên Kinh, ông mới xin vào giao đấu. (Vào lúc đó, đệ nhất danh kỳ gọi là “trạng cờ”, sau nầy đến thời dân chủ, ta mới dùng chữ “kỳ vương”). Ván cờ đánh bằng quân ngà suốt ba ngày và Mạc Đĩnh Chi đã thắng ông Trạng Cờ nước Tàu chỉ bằng một con chốt. Khi thua cờ, ông Trạng Cờ Tàu phải trao cho ông tấm bảng Trạng Cờ, nhưng ông từ tốn hoàn trả lại.
Nhân đây, người viết xin nhắc lại một chuyện vui hồi Đệ nhất Cộng hòa, khoảng gần cuối thập niên 50. Vào lúc đó, Kỳ vương Lý Chí Hải ở Hồng Kong sang Sài Gòn giao đấu, cũng bị bại dưới tay danh kỳ Việt Nam là Phạm Thanh Mai. Ván cờ Phạm Thanh Mai Việt Nam thắng Kỳ vương Lý Chí Hải Hồng Kong cũng chỉ bằng một con chốt, y như ván cờ của Mạc Đỉnh Chi trong chuyện đi sứ ngày xưa!
Chuyện ông Bùi Công Hành, ông tổ nghề làm lọng. Ông Bùi Công Hành quê xã Quất Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, nay là Hà Tây. Ông là công thần đời vua Lê Thái Tổ, đến đời vua Lê Thái Tông, ông được sung sứ bộ sang nhà Minh. Tại Yên Kinh, các quan Minh có ý thử thách, mời ông lên một tòa lầu cao, nói là để duyệt kinh Phật và hội họp ngâm thơ rồi lén lút đi tất, rút luôn cả cái thang. Trên lầu chỉ có một tượng Phật và hai cây lọng dựng hai bên cửa lầu. Ông thản nhiên giương lọng ra, cặp vào nách mà lao mình xuống đất. Người Minh khen ngợi, hậu đãi ông rồi ân cần tiễn ông và sứ bộ ra về. Ông xin luôn hai cây lọng về nước làm kỷ niệm. Vua Lê Thái Tông bèn sai thợ noi theo kiểu lọng ấy mà chế nhiều lọng khác. Do đó nghề làm lọng đời sau tôn ông là thủy tổ.
Chuyện ông Phạm Đôn Lễ, ông tổ nghề trồng cói và đan chiếu. Ông là văn thần đời Lê Thánh Tông, đậu Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức 12 (1481). Tương truyền khi ông đi sứ nhà Minh đến vùng Ngọc Hồ thuộc Quế Lâm, thấy dân trong vùng chuyên sống bằng nghề dệt chiếu, ông lưu tâm khảo sát học hỏi. Khi về nước, ông truyền bá cách trồng cói dệt chiếu, đem lại nguồn lợi quan trọng cho đất nước.
Chuyện ông Lê Công Hạnh, ông tổ nghề thêu. Ông quê ở tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây), là một đại thần, làm đến Thượng thư đời vua Lê Chiêu Tông. Khi đi sứ Trung Quốc, ông lưu tâm quan sát công nghệ nước ngoài, chú ý nhiều đến nghề thêu. Do đó, khi trở về nước, ông chỉ bảo nhân dân trong vùng Hướng Dương, Võ Lăng, Đào Xá học nghề thêu đan. Sau khi ông mất, nhân dân suy tôn ông làm ông tổ nghề thêu đan nước ta.
Chuyện ông Lê Như Hổ, tổ sư nghề làm dù. Ông quê xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Ông đỗ Tiến sĩ đời Mạc Phúc Hải. Tương truyền khi đi sứ Trung Quốc, ông học được nghề làm dù và sau này người Việt xem ông là tổ sư của nghề làm dù nước ta.
Chuyện ông Nguyễn Thời Trung, ông tổ nghề thuộc da và đóng giày. Ông sinh vào thế kỷ 15, năm 19 tuổi ông đỗ Tiến sĩ, năm 35 tuổi ông đi sứ sang Tàu. Khi ngang qua thành phố Hàng Châu ở tỉnh Hà Nam, ông thấy có nhiều người làm nghề thuộc da đóng giày. Ông muốn học nhưng không ai chịu dạy. Ông phải cải trang làm người Tàu, rồi ngày ngày lân la trò chuyện với những người thợ giỏi. Do trí thông minh, chỉ sau một tháng, ông bắt nắm được kỹ thuật thuộc da đóng giày. Ông về làng Trúc Lâm, tập họp dân làng và dạy họ cách thuộc da trâu da bò và cách đóng các loại giày. Ông được tôn thờ là ông tổ của nghề thuộc da đóng giày Việt Nam.
Chuyện ông Lê Văn Phức. Ông là danh sĩ đời vua Gia Long, quê làng Hồ Khẩu, nay thuộc phường Bưởi Hà Nội. Ông đi công cán nhiều lần ở Tân Gia Ba, Quảng Đông, Lữ Tống. Năm Tân Mão (1831), quan nhà Thanh là nhóm Trần Khải bị bão đánh giạt thuyền vào vùng biển ta. Ông nhận lệnh triều đình làm trưởng phái đoàn sang Phúc Kiến giao trả nhóm ấy. Khi tới sứ quán, thấy biển đề Việt Nam Di Sứ Quán, ông nhất định không vào và nói: “Nước ta không phải là man di, nên ta không vào chỗ này”. Quan Thanh phải xóa dòng chữ ấy và phải xin lỗi và đề lại hàng chữ Việt Nam Quốc Sứ Quán Công Quán. Chừng ấy, ông mới tỏ vẻ thân thiện giao hữu, rồi lại làm bài Di biện, giải thích thế nào gọi là Man di cho họ bỏ thái độ khinh mạn. Tinh thần bất khuất và lập trường tranh đấu của ông khiến họ phải cảm phục.
Những bậc tiền phong về Tây học
Từ đầu thế kỷ 19, ngọn gió văn minh và học thuật đã xoay chiều, Dân tộc hướng về Tây Phương để học hỏi. Tuy triều đình nhà Nguyễn vẫn thủ cựu với chính sách “bế quan tỏa cảng”, nhưng các bậc thức giả Tân học với công sức cá nhân cũng cố gắng mang những điều hay đẹp về tô điểm cho Đất nước. Xin mời đọc những chuyện sau đây. 
Chuyện ông Nguyễn Trường Tộ (tham khảo quyển Việt Nam Tinh hoa của Hương Giang Thái Văn Kiểm). Ông sinh năm 1828, vào năm Minh Mạng thứ 9, người tỉnh Nghệ An và mất năm Tự Đức thứ 24 (1871) hưởng thọ 41 tuổi. Thuở nhỏ ông học chữ Nho với cha ông rồi mở trường dạy học và được thiên hạ gọi là Trạng Tạ, là Thầy Lân. Ông được giám mục Pháp là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) dạy tiếng Pháp, tiếng La tinh cùng những môn khoa học phương Tây và cho đi du lịch ở Hương Cảng và Tân Gia Ba. Sau ông lại được tháp tùng với Cố Hậu Gauthier sang Ý và Pháp. Trong mấy năm lưu lại trên đất Pháp, ông đã đi nhiều nơi, học hỏi và quan sát tường tận những nhà máy, cơ xưởng, học viện, xí nghiệp, bịnh viện, các trung tâm xã hội và văn hóa, các xưởng đóng tàu, xưởng dệt vải, xưởng đúc thép, hầm mỏ. Ông vừa quan sát, vừa ghi chép, vừa xin tài liệu, sách vở và dụng cụ nhẹ mang về nước. Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ rời Âu Châu trở về Việt Nam với hoài bão lớn là đem những điều học hỏi được để tham gia công cuộc canh tân và kiến thiết quốc gia. Năm 1866, ông dâng lên vua Bản Điều trần đề nghị cải tổ giáo dục, gởi sinh viên du học ngoại quốc, kỹ nghệ hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, mở rộng đường bộ, thiết lập đường sắt, khuếch trương ngành thương mãi, cải cách quân đội, hành chánh, tài chánh và quan thuế.