mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P13


...
Đến Mạc Tư Khoa, mang tên là Nguyễn Ái Quốc, ông có đọc một bài diễn văn tại đại hội của Komintern. Sau bài diễn văn, ông được ký giả phỏng vấn và bài phỏng vấn được đăng trên trang nhất của báo kèm với ảnh của ông. Bỗng chốc, ông nổi tiếng lừng lẫy và được bầu vào Chủ tịch đoàn của Đệ tam Quốc tế. Ông trở thành một Quốc tế ủy (Kominternchik). Ông đã chấm dứt giai đoạn đào tạo chiến sĩ Quốc tế Cộng sản của mình, và đạt được trình độ mà Đệ tam Quốc tế có thể phó thác cho ông những nhiệm vụ quan trọng.
Những tên giả ở Trung Quốc
Sau khi thành Quốc tế ủy Kominternchik, ông Hồ làm việc ở ban Phương Đông đến mùa thu 1924, rồi được gởi đến Trung Quốc. Đến Quảng Châu, ông không dùng tên Nguyễn Ái Quốc vì muốn che giấu tông tích Cộng sản của mình. Đối với Trung Quốc, ông xưng là Lý Thụy (Li Fui). Đối với người Việt, ông là Vương Sơn Nhi, hay Lão Vương (thật ra, chữ Thụy chiết tự ra thành ba chữ Vương, Sơn và Nhi). Khi viết cho tờ Quảng Châu báo, ông dùng bút danh Trương Nhược Trừng. Trong một báo cáo trước đại hội đại biểu toàn quốc kỳ 2 Trung Quốc Quốc dân đảng về vấn đề giáo dục, ông dùng tên giả là Vương Đạt Nhân. Lúc đó chức vụ công khai của ông là thông dịch viên của ông Michael Borodin, cố vấn Nga bên cạnh chính phủ Quốc dân đảng của bác sĩ Tôn Dật Tiên. Ngoài ra, ông phiên dịch và làm phóng viên cho hãng Rosta (tiền thân của Tass) lương 150 đôla một tháng, với tên Nga Nilốpxki (Nilovskii). Thực ra, đó chỉ là bình phong vì ông phải dùng chiêu bài chủ nghĩa Dân tộc để tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản và thành lập các chi bộ Cộng sản tại Đông Nam Á.
Những tên giả ở Xiêm
Mùa thu năm 1928, với tên giả là Đào Cửu, ông xuất hiện lần đầu tiên tại vùng trung bộ nước Xiêm (bây giờ là Thái Lan). Vì chữ cửu là chín (số 9), cho nên có sách chép bí danh của ông lúc đó là Thầu Chín, có sách chép là Cha Chính, và công của ông đối với Đệ tam Quốc tế là thành lập đặng Chi bộ đảng Cộng sản Xiêm vào tháng 4 năm 1930 gồm đa số là người Việt và Hoa. Trên đất Xiêm, Hồ Chí Minh cũng dùng một tên giả khác là Mai Pín Thầu.
Hồ Chí Minh vói tay đến đất Mã
Cuối năm 1929, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đến Singapore công tác, và có lẽ trong thời gian nầy, ông móc nối được vài người Mã Lai nòng cốt cho Đảng Cộng sản Mã Lai sau nầy. Trong bài Mã Lai, bài học còn đó do Đ.Hòa lược dịch (Bán tuần báo Việt Luận đăng lại ngày 8-5-2007), chúng ta trích được đoạn văn như sau:
“Chủ thuyết Cộng sản được du nhập vào Mã Lai vào những năm đầu của thập niên 1920 khi một nhóm thuộc phần tử cực đoan Kuomingtang từ Trung Hoa di dân đến quốc gia nầy. Đến năm 1930, đảng Cộng sản Mã Lai (MCP) ra mắt tại Tân Gia Ba mà theo một cựu đảng viên Cộng sản Mã Lai tiết lộ vào ngày 8-6-2005 thì MCP do một người Việt Nam có tên là Yuen Ai Guo (Nguyễn Ái Quốc) và sau đó đổi thành Hu Chi Ming (Hồ Chí Minh) đứng ra thành lập. MCP sau đó được luật pháp Mã Lai thừa nhận, trở thành một chính đảng có sức mạnh đáng kể và được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới lao nông”.
“Khi Hồ Chí Minh trở về Việt Nam thì y ta để lại Mã Lai một phụ tá mà cho đến nay, các tài liệu chỉ nhắc đến qua cái tên Trung Hoa là Loi Tek hoặc Lasi Tek hoặc Loi Teek hoặc Lai Teek. Tên này giữ chức Tổng Bí Thư MCP”.
Tên Victor Nguyễn Ái Quốc  
Tháng giêng 1930, ông về lại Hương Cảng. Với tên Victor Nguyễn Ái Quốc, ông nhận nhiệm vụ của cục Phương Đông thống nhất 3 đảng Cộng sản Đông Dương với những cương lĩnh mới, nhưng vẫn duy trì quyết nghị của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội trong đại hội năm 1929 là dốc toàn lực chống lại Việt Nam Quốc dân Đảng bằng mọi cách. Cương lĩnh có ghi thêm nguyên văn như sau: “Đối với Quốc dân Đảng: thứ nhất, phải ra sức tranh thủ lực lượng của Quốc dân đảng, thứ hai, tổ chức đảng viên Quốc dân đảng vào Hội Phản đế” (Trích từ bài Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng năm 1930 của ký giả Hai Trang đăng ở Đặc san Việt Quốc, trang 37. Đặc san do Xứ bộ Úc Châu, Khu bộ Victoria phát hành).
Tên giả khi bị bắt
Từ 1930 đến đầu năm 1933, tại các vùng Thượng Hải, Hương Cảng, Cửu Long, Hạ Môn, ông vẫn dùng tên Lão Vương, nhưng khi bị bắt ở Thượng Hải thì ông khai là Tống Văn Sơ hay Đoàn Văn Sơ.
Tên Nga khi ở Mạc Tư Khoa
Khi được thả, ông về lại Mạc Tư Khoa. Ngày 16-9-1934, ông nhập học khóa tình báo ngắn hạng 6 tháng của KGB với tư cách là học viên nội trú của đại học Lênin, mang tên giả là Linov với bí số 375. Tại học viện Nghiên cứu các Vấn đề Thuộc địa, ông lãnh đạo tiểu tổ các học sinh Việt Nam và dùng tên giả là Lin.
Thêm vài tên giả ở Trung Quốc
Hồ Chí Minh rời Mạc Tư Khoa về lại Trung Quốc vào cuối năm 1938. Từ đó dến tháng 2-1941, ông hoạt động vùng Diên An, Hành Dương, Quế Lâm, Long Châu, Quí Dương, Trùng Khánh, Côn Minh, Tĩnh Tây và dùng các tên giả P.C. Lin, Hồ Quang (Hu Kwang), Lão Trần, Hoàng Quốc Tuấn. Ông lấy bút danh P.C. Lin để viết những bài gởi về Hà Nội đăng trong báo của Mặt trận Dân chủ do Võ Nguyên Giáp phụ trách. Tên giả Hồ Quang, với cấp bực thiếu tá, được dùng lúc ông công tác tại trạm liên lạc của Lộ quân 8 Trung Cộng ở Quí Dương (tỉnh lỵ của tỉnh Quí Châu). Với bí danh là ông Trần, Hồ Chí Minh đến Côn Minh do tổ chức liên lạc của Trung Cộng tại địa phương.
Hồ Chí Minh dùng tên giả Hoàng Quốc Tuấn để đảm trách chức chủ tịch Việt Nam Dân tộc Giải phóng Ủy viên hội tại Tĩnh Tây mà 2 cán bộ chính là Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) với chủ trương Thân Hoa Kháng Nhật. Vào lúc đó, Trương Bội Công nhận được chi viện của tướng Trương Phát Khuê (Tư lệnh Chiến khu 4 Trung Quốc), ông liền điều động Đội Công tác Biên khu Trung-Việt từ Liễu Châu về Tĩnh Tây, sát biên thùy Bắc Việt, để chiêu nạp thanh niên từ Việt Nam trốn sang. Các thanh niên sắc tộc từ Cao Bằng trốn sang đều đầu quân ở Đội Công tác Biên khu này. Biết được tình hình này, Hồ Chí Minh với giả danh Hoàng Quốc Tuấn chủ tịch VNDTGPUVH, đề nghị tái hợp tác với Trương Bội Công, và cho người len lỏi vào Đội Công tác Biên khu để đón người của Trương Bội Công đưa về huấn luyện theo chương trình riêng của mình. Đến tháng 2-1941, khi Hồ Chí Minh rời Tĩnh Tây về căn cứ Pác Bó ở Cao Bằng thì ông đã có một số cán bộ nhờ mưu lược lợi dụng tổ chức của Trương Bội Công.
Những tên giả ở hang Pắc Bó
Trong thời gian này, Hồ Chí Minh hoạt động khắp vùng rừng núi Việt Bắc với các tên giả Già Thu, Sáu Sán, Ong Ké. Sau đó, Hồ Chí Minh lại sang Trung Quốc và bị bắt vì bị tình nghi là gián điệp của Nhật. Lần nầy, ông được Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần bảo lảnh nên tướng Trương Phát Khuê mới trả tự do cho ông. Nhờ khả năng tình báo do KGB đào luyện, ông được tướng Trương Phát Khuê tin dùng và cho phục vụ trong tình báo Trung Hoa qua Bộ Tư lệnh Đệ tứ Chiến Khu ở Hoa Nam. Rồi từ tình báo của Trung Hoa, ông bắt liên lạc với tình báo Huê Kỳ do Charles Fenn và thiếu tá Archimedes Patti, đặc vụ phụ trách chiến trường Đông Dương của OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của CIA, cơ quan Trung ương Tình báo Hoa Kỳ. Ông trở thành một trong 25 điệp viên của Charles Fenn với bí danh Lucius bí số 19. Ông được Charles Fenn cung cấp cho 6 khẩu súng lục 38 cùng với 120 băng đạn.
Hồ Chí Minh dùng tên giả và bí danh rất nhiều, nhưng cũng có lúc ông viết bài mà không đề tên, cũng không đề là vô danh, chỉ để trống mà thôi. Đó là lúc thời cơ chưa thuận lợi, cho nên toàn bộ những bài viết của ông đăng trên 30 số báo Việt Nam Độc lập từ tháng 8-1941 đến tháng 8-1942 đều không thấy ký tên.
Chúng ta đã lược qua những tên giả và bí danh Hồ Chí Minh đã dùng trong quãng thời gian rất dài từ lúc ông là anh Ba làm phụ bếp dưới tàu để đi Pháp năm 1911 đến lúc ông là Hồ Chí Minh tuyên đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ở Hà Nội. Chỉ có một người tên cha sinh mẹ đẻ là Nguyễn Tất Thành, nhưng Hồ Chí Minh đã dùng những tên giả để đóng đủ các vai: đảng viên đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế ủy (cán bộ nòng cốt) của Đệ tam Quốc tế, tình báo viên KGB, đảng viên Trung Cộng cấp bậc Thiếu tá, sĩ quan phục vụ Trung Hoa Dân quốc, điệp viên OSS của Huê Kỳ, và sau cùng là Bác Hồ Cha già Dân tộc. Dùng tên giả để che giấu tông tích của mình chưa đủ, Hồ Chí Minh còn dùng tên giả để viết sách tự đề cao mình. Đó là quyển Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên, và với bút danh T.Lan ông viết quyển Vừa đi đường vừa kể chuyện. Lại còn một tên giả khác là Lê Nhân, ông dùng để viết bài giải thích thêm cho thật rõ những lời dạy dỗ của Hồ Chủ tịch mà chính “Bác” đã viết trước đó.
Chuyện hai cha con Nguyễn Tất Thành và Ng. Tất Trung!
Dùng tên giả mãi, rồi sau cùng Hồ Chí Minh cũng có lần dùng lại tên thật của mình là Nguyễn Tất Thành. Lúc đó là đầu năm 1955, Hồ Chí Minh về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Genève. Tổng cục Hậu cần tìm được một thiếu nữ xinh đẹp người Nùng ở Cao Bằng tên Nông Thị Xuân (sau đổi thành họ Nguyễn) và đón cô về “phục vụ” cho ông. Đến cuối năm 1956, cô Xuân sinh được một đứa con trai và ông đặt tên là Nguyễn Tất Trung. Qua cách đặt tên con như vậy, hiển nhiên ông nhìn nhận liên hệ phụ tử. Này nhé: cha là Nguyễn Tất Thành thì con là Nguyễn Tất Trung. Trong Tình tự Dân tộc, tên hai cha con hợp lại là Trung Thành, thật là có ý nghĩa, thật đẹp vô cùng!
Nhưng sự thực thật phũ phàng, không trung, không thành, không thủy chung gì cả! Sau khi sinh con, cô Xuân ngỏ ý với Bác muốn được ra chính thức. Cô ước muốn được làm mẹ và làm vợ trong một gia đình ấm cúng, với một người chồng yêu thương và bảo bọc mình. Lòng mong ước theo bản tánh thiên nhiên mà bất cứ người phụ nữ nào trong bất cứ xã hội nào cũng mong ước, nhưng niềm mong ước chính đáng đó lại là bản án tử hình của cô. Cô bị lên án tử hình mà cô không biết! Cô phải bị thủ tiêu để Bác được tiếng là Cha già Dân tộc suốt đời không lập gia đình để hy sinh trọn vẹn cho đất nước! Tên Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn của Bác nhận lịnh thi hành bản án, thấy cô Xuân quá đẹp nên hắn hiếp dâm cô nhiều lần, rồi đập đầu cô chết và quăng xác ra đường để ngụy tạo thành tai nạn giao thông. Đứa con Nguyễn Tất Trung của Bác vừa được vài tháng tuổi, chưa thôi nôi, chưa biết bò, thì đã mồ côi mẹ! Trong một chế độ thối tha ghê tởm như vậy mà có một nhạc sĩ văn nô sáng tác bài ca Ai yêu Bác Hồ hơn chúng em nhi đồng? để đầu độc lòng ngây thơ trong trắng của cả thế hệ thiếu nhi!
Về sự việc giết cô Nông Thị Xuân, nếu Hồ Chí Minh im lặng không nói tiếng nào thì thôi! Nhưng khi cô Xuân ngỏ ý muốn được Bác nhìn nhận là vợ chính thức, thì Bác ta lại lếu láo trả lời: “Cô xin như vậy là hợp tình hợp lý, nhưng phải được Bộ Chính trị đồng ý, nhất là mấy ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt đồng ý mới được, nên phải chờ một thời gian nữa”.
Lời phát biểu của Hồ Chí Minh như vậy, khi ông nại tên những nhân vật trong Bộ Chính trị để nói với cô Xuân, hiển nhiên là lời nói dối chính trị. Hồ Chí Minh đã dối trá với Dân tộc bằng bản Tuyên ngôn Độc lập bịp bợm! Ông đã dối trá với cả thế giới bằng các quyển sách ông viết với giả danh Trần Dân Tiên và T. Lan! Còn đây là trường hợp ông dối trá với một thiếu nữ ngây thơ hết lòng trọn dạ trao thân gởi phận cho ông, sanh cho ông một đứa con, mà lại bị ông kết án tử hình! Khi cô Xuân ưng chịu “trao thân gởi phận” cho “Bác - Cha già Dân tộc”, “trao thân” cho Bác thì Bác lấy, nhưng Bác không chịu để cho cô Xuân “gởi phận” cho mình! Bác vô trách nhiệm như vậy mà cô Xuân không biết nên vẫn tin lời Bác, cô chờ cho đến khi bị Trần Quốc Hoàn hiếp dâm và bị đập đầu chết! Cô thật là “bạc phận” trao duyên lầm “Tướng cướp”! Đến bây giờ, xin cầu nguyện với Hồn thiêng Sông Núi đừng để cho Huyền thoại Hồ Chí Minh dối gạt thêm ai nữa trong những thế hệ tương lai của Dân tộc!
Chuyện hai thầy trò Hồ Chí Minh và Trần Quốc Hoàn
Cái chết bi thảm của cô Xuân là bằng chứng hùng hồn tố cáo Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử vô cùng gian xảo, khát máu và đầy tham vọng. Thầy nào trò nấy: tên bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn của Hồ Chí Minh cũng tàn bạo, đê hèn, ghê tởm không bút mực nào tả xiết. Đồng thời, nó cũng tố cáo chế độ ông lập ra là một chế độ cực kỳ phi nhân và bạo ngược. Khi bị hiếp dâm, cô Xuân chống cự, xô Trần Quốc Hoàn ra và nói: “Không được hỗn, tôi là vợ ông chủ tịch nước”. Trần Quốc Hoàn cười một cách nhạo báng: “Tôi biết bà to lắm, nhưng bà phải biết sinh mạng bà nằm trong tay tôi”. Rồi hắn nói tiếp: “Sinh mệnh tất cả Dân tộc Việt Nam, kể cả bố mẹ anh chị nhà bà cũng nằm trong tay tôi. Tôi muốn bắt bỏ tù, thủ tiêu đứa nào, tùy ý. Và tôi nói cho bà biết : ông cụ già nhà bà cũng không ngoài tay vói của tôi”.
Tên bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn thỏa mãn thú tánh của mình trước rồi sau mới nghiêm chỉnh thi hành lịnh của Bác. Hắn tiếp tục giữ chức bộ trưởng công an và phục vụ đắc lực chế độ thêm 23 năm cho đến năm 1980, rồi an nhàn về phục viên, đến 1986 mới mãn phần. Tên Bộ trưởng công an đầu tiên của chế độ HCM, Trần Quốc Hoàn, đã phát biểu: “Sinh mệnh tất cả dân tộc VN nằm trong tay tôi”.
Thế mà hắn đã giữ chức vụ Bộ trưởng Công an từ 1953 đến 1980, tất cả là 27 năm! Xuất thân là đầu trộm đuôi cướp, bị bắt giam về tội trộm cắp, và bị giam chung với đảng viên Cộng sản. Trong tù, Hoàn được móc nối và gia nhập đảng. Thật sự Trần Quốc Hoàn là thành phần bất hảo và vô học. Nhưng ai phong cho hắn làm Bộ trưởng Công an? Thì chính Hồ Chí Minh chứ ai! Nghĩ cho cùng, nếu có người nói “Sinh mệnh tất cả Dân tộc VN nằm trong tay Hồ Chí Minh. Ông ta muốn bắt bỏ tù, thủ tiêu đứa nào, tùy ý” thì người ấy cũng không nói sai sự thực! Hồ Chí Minh đã dày xéo Dân tộc bằng bàn tay của Trần Quốc Hoàn! Thật khổ cho người dân cứ tưởng “Bác” là Cha già Dân tộc!
Bác dối trá với sinh viên
Giết cô Xuân vào đầu năm 1957, thì chỉ mấy tháng sau, khoảng cuối năm 1957, Hồ Chí Minh vào thăm trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong buổi nói chuyện thân mật với sinh viên, Bác ra cái điều thành khẩn: “Bác có hai tật xấu, các cháu không nên bắt chước. Một là hút thuốc, hai là không lấy vợ. Câu chuyện Bác Hồ vào thăm sinh viên và khai rằng mình không lấy vợ là do Hoàng Quốc Kỳ thuật lại trong quyển Ma đầu Hồ Chí Minh (trang 17). Cũng như trong cuộc phỏng vấn của tác giả Bernard Falls vào năm 1967 về câu hỏi “vợ con”, Bác đã trả lời rằng tất cả chỉ là tin đồn sai sự thực.
Bác còn tệ hơn đạo quân xâm lược Nhật Bản
Chuyện thực giả quá rõ ràng, nhưng những sự việc sau đây là do tưởng tượng của người viết, cũng xin mời quý bạn đọc chơi cho biết. Thời gian thấm thoát thoi đưa, các cháu của Bác Hồ tham dự buổi nói chuyện hôm ấy vào cuối năm 1957, đến bây giờ là đầu thiên niên kỷ thứ ba, 50 năm đã trôi qua, chúng đã thành những bậc lão niên thất thập cổ lai hi rồi. Hẳn là có một số cháu đã sinh Bắc tử Nam hoặc chết rục trong ngục tù Cộng sản vì liên can tới vụ Nhân văn Giai phẩm. Hẳn là có một số cháu ngoan vẫn giữ vững niềm tin Bác Hồ của mình là Cha già Dân tộc suốt đời không lấy vợ. Chắc chắn cũng có một số cháu không tin như vậy và lý luận rằng Bác không lấy vợ làm sao Bác có con, vậy chớ Nguyễn Tất Trung là con của ai, nếu cô Xuân không phải là vợ của Bác thì là gì, chẳng lẽ Bác xem cô Xuân là an ủi phụ như đạo quân xâm lược Nhật Bản trong thời Đệ nhị Thế chiến xử dụng phụ nữ các nước bị chiếm đóng làm comfort women để giải quyết sinh lý cho binh sĩ lúc xa nhà. Tại sao Bác lại xử tử cô Xuân, so sánh với đạo quân xâm lược Nhật Bản, Bác còn tệ hơn họ vì họ không tàn sát những comfort women của họ!
Chuyện Hồ Chí Minh và William J. Duiker
Quý độc giả thân mến, quý bạn vừa đọc “Chuyện hai cha con Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Trung”, tiếp theo là “Chuyện hai thầy trò Hồ Chí Minh và Trần Quốc Hoàn”, tại sao bây giờ lại có “Chuyện Hồ Chí Minh và William J. Duiker”, người viết xin trả lời ngay. Chẳng qua là vì tác giả Duiker đã viết về Hồ Chí Minh, và đã xem Hồ Chí Minh như một thân nhân trong gia đình của mình! Quyển sách Duiker viết là quyển Ho Chi Minh, a life. Quyển sách thật đồ sộ, dài 700 trang, mất 20 năm mới được viết xong. Tác giả Duiker hưởng được phương tiện dồi dào để đi khắp nơi trên thế giới thu thập tài liệu, thảo luận với những tác giả trước đó đã viết về Hồ Chí Minh, và phỏng vấn rất nhiền nhân vật quan trọng trong chính phủ. Kết quả là quyển Ho Chi Minh, a life được đánh giá là quyển sách đầy đủ nhất và có uy tín nhất từ trước đến nay trong loại thư mục về Hồ Chí Minh.
Hoàn thành xong đại tác phẩm đó, trong Lời phi lộ tác giả Duiker cảm ơn hai người con gái của ông, Laura và Claire, đã chịu đựng hàng giờ (và hàng năm) để nghe ông nói như giảng kinh về chuyện Việt Nam. Tác giả Duiker cũng mãi mãi thiết tha tri ân vợ là Yvonne vì nàng đã đọc bản thảo và đã tỏ ra kiên nhẫn chịu đựng Hồ Chí Minh trong nhiều dịp như là một thân nhân trong gia đình. Thật đẹp vô cùng, tình cảm tác giả Duiker dành cho vợ con ông và nhân vật Hồ Chí Minh qua Lời phi lộ đó! Một cách tế nhị, Duiker chứng tỏ ông là người chồng thương vợ và người cha thương con.
Nhưng thật hoàn toàn trái ngược với tác giả Duiker, Hồ Chí Minh lại là người chồng bất nghĩa đã giết vợ! Tuy Hồ Chí Minh không hề xem cô Xuân là vợ, nhưng theo Tình tự Dân tộc thì “Một ngày cũng nghĩa vợ chồng”, ông bà ta đã theo nếp sống đẹp như vậy! Ông cũng là người cha bất nhân đã hại con mình phải mồ côi mẹ khi đứa bé còn chưa biết bò! Hồ Chí Minh bất nhân bất nghĩa như vậy thì làm sao xứng đáng là người thân của gia đình Duiker! Nếu áp dụng đúng luật pháp của Hoa Kỳ, thì Hồ Chí Minh phải bị truất phế khỏi chức vị lãnh tụ mà còn phải ngồi tù đền tội sát nhân, tác giả Duiker lấy đâu ra đề tài để viết. Người viết không hề muốn làm phiền lòng vợ con tác giả Duiker nhưng vì quyển sách Ho Chi Minh, a life đã gây thiệt hại cho Dân tộc Việt Nam quá nhiều!
Tác giả đã đứng về phe phái Hồ Chí Minh trách cứ tổng thống Truman đã không chịu cứu xét lá thư của Hồ Chí Minh xin ủng hộ, vì thế cho nên chiến tranh mới xảy ra thảm khốc. Vì tác giả Duiker đã viết cả 10 quyển sách về Việt Nam, ông không phải là một sử gia bậc thường, cho nên Dân tộc Việt Nam chúng ta có quyền trách cứ ông: Sử gia Duiker, tại sao ông lại bỏ qua không có một lời nào nói đến Thông điệp của Vua Bảo Đại ngày 20-8-1945 gởi đến Tổng thống Truman, Quốc vương Anh George Đệ lục, Thống chế Tưởng Giới Thạch, và cả Tướng Charles de Gaulle để xin công nhận nước Việt Nam độc lập ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh? Thông điệp của vì vua đã hy sinh ngai vàng của mình cho Nền Dân chủ của Đất nước không đáng quý trọng hay sao?
Chuyện Duiker và Trần Khải Thanh Thủy
Chương viết về Hồ Chí Minh, Kẻ mang tên giả nầy sẽ không trọn vẹn nếu không đối chiếu tác giả Duiker với một nhà văn nữ ở Hà Nội. Đó là Trần Khải Thanh Thủy, người từng được giải thưởng quốc tế Hellman-Hammett nhờ viết bài binh vực và đòi nhân quyền cho dân oan, nhưng lại bị Đảng khai trừ khỏi Hội Nhà văn và bị trù dập thậm tệ. Duiker viết quyển Ho Chi Minh, a life với phương tiện của một đại gia triệu phú. Chỉ một việc ông đã bay đi khắp nơi trên thế giới, kể cả qua Liên Xô, để thu thập tài liệu cũng đủ làm bàng hoàng các cây viết sử ở những nước nghèo. Nhà khảo cứu Minh Võ, trong quyển Hồ Chí Minh, Nhận định tổng hợp đã viết như sau (trang 53):
“Để hoàn thành tác phẩm, Duiker đã dành 20 năm cho việc đọc và gặp gỡ các tác giả đi trước, những người cầm bút ở Mỹ, Úc, Âu Châu, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… Ông nêu hàng loạt tên tuổi, trong đó phần lớn là viên chức các cơ quan tại Hà Nội như Viện Mác Lênin, Viện Sử học, Đại học Hà Nội và những nhân vật Cộng sản Việt Nam mà ông gọi là các học giả và nhà nghiên cứu thường quan tâm đến Hồ Chí Minh hay tới cuộc cách mạng Việt Nam. Một số người còn được ông nêu đích danh như Nguyễn Huy Hoàn ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trần Thanh, bốn nhà sử học Phùng Hữu Thu, Lê Mậu Hân, Phạm Xanh, Phạm Công Tùng cùng các nhân vật Hà Huy Giáp, Đặng Xuân Kỳ, Đỗ Quang Hưng, Ngô Phương Ba, Văn Tạo, Trần Hữu Đính, kể cả Lưu Doãn Quỳnh thuộc Viện Liên lạc Quốc tế của Cộng sản Việt Nam…”
Với phương tiện dồi dào như thế đó, Duiker lại chọn được đề tài ăn khách là viết về Hồ Chí Minh, cho nên quyển Ho Chi Minh, a life hẳn là quyển sách ăn khách nhất (best seller) trong mục loại đó. Trong nền kinh tế thị trường ở Hoa Kỳ là nước giàu nhất thế giới, quyển Ho Chi Minh, a life hẳn đã gặt hái thành công rực rỡ. Những hàng chữ cuối cùng của quyển sách thành công rực rỡ đó, tác giả Duiker dành để viết những lời trang trọng cho Hồ Chí Minh như sau (Quyển Ho Chi Minh, a life, ấn bản Úc Châu, trang 577): “Di sản của Hồ Chí Minh để lại cho Dân tộc dù được người đời phán xét bằng bất cứ lời lẽ nào, ông cũng đã đoạt được ngôi vị trong đền thờ anh hùng cách mạng có quá trình tranh đấu để cho những người cùng khổ khắp nơi trên thế giới được cất lên tiếng nói của mình.”
Quyển Ho Chi Minh, a life được ấn hành ở Hoa Kỳ và Úc Châu năm 2000, thì 25 năm trước đó, vào ngày 2-9-1975, đảng Cộng sản Việt Nam đã khánh thành lăng của chủ tịch họ Hồ ở công trường Ba Đình, Hà Nội. Xác ướp Hồ Chí Minh được đặt trong quan tài bằng thủy tinh trong suốt, trong phòng điều hòa không khí quanh năm để cho du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng. Rồi từ đó về sau, mỗi năm lăng Hồ Chí Minh gây tốn hao cho công quỹ không biết bao nhiêu triệu đô la (100 tỷ đồng Việt Nam theo kỹ sư PN Đỗ Nam Hải trong tác phẩm Hãy trưng cầu dân ý, trang 190), trong lúc vô số hộ gia đình cần giúp đỡ để xóa đói giảm nghèo.     
Trong một nước nghèo khổ cùng cực như Việt Nam hiện nay, chi tiêu một ngân khoản khổng lồ để điều hành và bảo trì xác ướp Hồ Chí Minh là một nghịch cảnh đau lòng. Xác ướp Hồ Chí Minh lại được trang điểm bằng chiếc quần kaki có một miếng vá, chứng tích vô cùng thô bỉ của đạo đức giả, chứng tích nói lên tính gian xảo lừa bịp của Hồ Chí Minh suốt cả cuộc đời và của cả cái đảng do ông thành lập! Tới đây, người viết xin mượn nguyên văn lời đối đáp của Trần Văn Thủy với Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong quyển Nếu đi hết biển (trang 87). Khi Hoàng Bắc nói đến số tiền người Việt ở nước ngoài gởi về hàng tỷ Mỹ kim thì cán bộ Trần Văn Thủy gạt ngang và nói: “Tôi nghĩ chúng ta không nên xen chuyện tiền bạc, trần tục vào câu chuyện nghiêm chỉnh như thế này.” Chúng ta rất đồng ý với Trần Văn Thủy không nên xen vấn đề tiền bạc trần tục vào việc nghiêm chỉnh như việc thờ kính các bậc anh hùng Dân tộc. Điều nghiêm chỉnh là chúng ta hãy xem lại lời xưng tụng của tác giả Duiker “quá trình tranh đấu của Hồ Chí Minh là để cho những người cùng khổ khắp nơi trên thế giới được cất lên tiếng nói của mình” có nghiệm đúng hay không?
Không đúng! Hoàn toàn sai! Lời xưng tụng của Duiker hoàn toàn sai! Phải bỏ ngay vào sọt rác lịch sử! Hồ Chí Minh không hề tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền! Hồ Chí Minh đã đi theo Stalin, tức là đã đi theo “Cuộc Cách mạng đã bị phản bội”! Hồ Chí Minh chỉ tranh đấu để mang lá cờ đỏ của Lênin đi khắp nơi và để xây dựng đảng Cộng sản Việt Nam tàn bạo, độc tài, tham lam, và bần tiện nhất trong lịch sử loài người!
Ngày 27-10-2006, ngay trong thành phố Hà Nội, trái tim của nền Văn hóa Việt tộc, thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam, không xa lăng Bác Hồ, căn hộ nghèo của nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy ở phường Đống Đa đã bị Chủ tịch phường, Bí thư đảng ủy, cùng Tổ trưởng dân phố huy động một đám đông 100 người đến đập phá nhà cửa tan hoang một cách dã man rừng rú và còn hành hung đánh đập hai vợ chồng. Kính cửa sổ bị đập bể nát trong lúc mùa đông đang đến. Giường ngủ của họ bị 10 người mang cả giày leo lên dậm sập. Hai cô con gái tuổi học trò của họ ngơ ngác hoảng loạn!
Điều nghiêm chỉnh ở đây là chính nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy cũng là người thấp cổ bé miệng trước quyền thế cực kỳ hung bạo của Đảng. Nhưng bà lại can đảm đứng lên, cất cao tiếng nói của mình để giúp những người dân oan khiếu kiện đòi lại tài sản, đất đai đã bị những “đảng ủy Kách mệnh” của Hồ Chí Minh cướp giựt. Những bài phóng sự của bà đã xuất hiện thường xuyên trên những trang báo và diễn đàn điện tử ở hải ngoại để tạo thêm sự hỗ trợ cho những người dân thấp cổ bé miệng hơn bà. Chính vì thế mà bà bị “Kách mệnh” trừng phạt! Đảng cho “côn đồ Kách mệnh” đến đánh đập vợ chồng bà chưa đủ, đập phá tan hoang căn hộ nghèo của bà chưa đủ, nên sau đó Đảng còn bắt bà vào tù theo Luật Rừng của Đảng!
Lời tác giả Duiker tôn vinh Hồ Chí Minh thật không nghiêm chỉnh tý nào! Ví như một vở hài kịch thô bỉ hạ cấp được diễn trong một nhà hát rộng lớn nguy nga mà không có khán giả, hàng ghế đầu chỉ loe ngoe vài quan chức đỏ có giấy mời nên vỗ tay khen rối rít. Người viết chân thành không muốn máng từ “văn nô” vào văn nghiệp của tác giả Duiker, nhưng ông thật không thận trọng khi xử dụng những văn liệu từ các cây viết của Bắc Bộ phủ. Tác giả Duiker có thấy Linh mục Nguyễn Văn L ‎ý bị bịt miệng ngay giữa toà án hay không? Lời Duiker tôn vinh Hồ Chí Minh đó phải vất ngay vào sọt rác lịch sử thôi! Đảng lại còn muốn chuyển ngữ cả quyển “Ho Chi Minh, a life” ra tiếng Việt để vất luôn vào sọt rác lịch sử hay sao!?
Đi tìm Út Huệ thứ hai cho “Bác”
Trở lại chuyện cô Xuân, có câu hỏi tại sao Bác lại ra lịnh thủ tiêu cô Xuân dễ dàng như vậy? Tại sao Bác không có lòng thương hoa tiếc nguyệt như lối diễn tả của các bậc thi bá thi hào thuở xưa? Có phải vì Bác đã có sẵn những cô Hạ, cô Thu, cô Đông, cô Thanh Minh, cô Đoan Ngọ hay chăng? (xin mượn chút văn phong của nữ sĩ Dương Thu Hương). Câu hỏi đặt chơi cho vui vậy thôi, không ngờ lại đúng! Trong cung đình hang Pắc Bó của Bác, có biết bao nhiêu chuyện bí mật còn chờ bật mí. Xin mời quý bạn theo dõi câu chuyện do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tâm tình với Hoàng Dũng, người phụ tá một thời của ông mà ông rất tin cẩn. Buổi tâm tình đó liên quan đến rất nhiều chuyện bí mật và Hoàng Dũng viết lại thành bài Những bí ẩn về tân Thủ tướng Việt Nam (Báo Việt Luận ở Úc Châu đăng lại ngày 31-10-2006). Người viết chỉ xin trích những phần liên quan đến Hồ Chí Minh. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người Hưng Yên miền Bắc, vào Sài Gòn hoạt động năm 1939 và đã ở miền Nam suốt 50 năm sau đó. Lúc ông giữ chức Bí thư Trung ương cục Miền Nam, ông nhận lịnh của Bộ Chính trị (lúc đó do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lãnh đạo) phải kín đáo tìm kiếm trong số những cán bộ du kích miền Nam một vài cô gái còn trẻ, đẹp để đưa ra miền Bắc phục vụ cụ Hồ và các vị trong Bộ Chính trị. Tại sao phải tìm con gái miền Nam để phục vụ Bác? Do công sưu tầm của nhà văn Sơn Tùng thì từ thuở còn thanh niên, Bác đã có một mối tình đầu rất đẹp với một người con gái miền Nam. Sơn Tùng công bố trong bài viết Đi tìm Út Huệ. Do vậy Bác có ấn tượng và thiện cảm với những người phụ nữ Nam bộ. Vào lúc đó thì Võ Văn Kiệt là Ủy viên Trung ương cục được Nguyễn Văn Linh tin dùng tuyệt đối và giao cho trực tiếp phụ trách nhiệm vụ đặc biệt này, nhiệm vụ tìm cho Bác một Út Huệ thứ hai. Theo lời Hoàng Dũng thì vào lúc ông Nguyễn Văn Linh thố lộ những chuyện thâm cung bí sử trong Trung ương đảng Cộng sản thì ông đã về nghỉ, ông trở nên trầm tư và đôi khi sự thất vọng và u uẩn hiện rõ trên nét mặt và trong thái độ của ông. Ông đã vượt qua ngưỡng cửa cổ lai hy, như vậy không thể cho ông nói thiếu chính xác được và cũng không thể nói ông dèm pha bêu xấu Đảng được.
Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của ai?
Tác giả Nguyễn Thuyên trong quyển Bộ mặt thật của Hồ Chí Minh (trang 127) đã liệt kê một danh sách dài những người tình hoặc vợ hờ của Bác như sau: “Vợ Tàu, vợ Pháp, vợ Nga, ở đâu Hồ Chí Minh có mặt là có nhân tình ở đó. Ngày mới đặt chân đến Pháp đã viết thơ tình cho cô Bourdon - bị cô này từ chối, rồi cặp bồ với Brière. Qua Nga dan díu với cô Véra Vasiliera, khi qua Tàu thì yêu cô Tuyết Cần, cô Tăng Tuyết Minh. Lúc ở Hong Kong thì sống chung với cô Lý Sâm. Trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam ai cũng tưởng Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong (tức là Lê Huy Doãn). Nhưng khi Cộng sản Liên Xô sụp đổ, nhà báo Sophia Quinn Judge đã tìm thấy trong hồ sơ Quốc tế Cộng sản ở Mạc Tư Khoa rằng trước đó Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Hồ Chí Minh, sau mới lấy Lê Hồng Phong. Về hang Pắc Bó, Hồ Chí Minh lấy một thôn nữ hầu cận “Bác” tên Phá Thị Nùng, sinh được một con trai. Sau đó Phá Thị Nùng bỗng nhiên biến mất không trở lại thôn bản Cao Bắc Lạng nữa.
“Năm 1942, nhiều người Việt tham gia hoạt động chống Pháp tại Liễu Châu, trong số đó có Đỗ Thị Lạc (chị Thuần) theo học lớp truyền tin, rồi trở về VN hoạt động. Hồ Chí Minh cũng dan díu với chị Thuần có một con. Sau đó chị Thuần cũng không còn thấy xuất hiện.
Chuyện vợ con của Bác Hồ, viết bao nhiêu cũng không hết được, nếu không thêm vào một chuyện: người ta đồn rằng nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Thập là “Bác gái”. Theo tác giả Lê Minh Khôi, trong Hồ Chí Minh chính truyện (trang 165), thì Nguyễn Thị Thập nguyên là nữ giao liên trên tuyến đường Vũ Nhai - Bắc Sơn, sau được Hồ Chí Minh phong chức Chủ tịch Hội Phụ nữ.
Trở lại chuyện các cháu của bác Hồ, trong số các cháu ấy, phân loại ra thì có cháu ngoan và cũng có cháu không ngoan. Chỉ riêng về việc Bác Hồ của chúng có vợ hay không, chúng đã chia làm hai nhóm và luôn luôn bất hòa, tranh luận không ngớt, nhóm nào cũng giữ vững lập trường của nhóm mình. Xin các chính trị gia, tư tưởng gia, những nhà giáo dục, những bậc ưu thời mẫn thế hãy tìm dùm một phương cách cho hai nhóm cháu này được nhất trí và đừng tranh luận nữa. Hãy khoan bàn chuyện Hòa hợp Hòa giải Dân tộc. Có những việc nhỏ nhoi về Hồ Chí Minh cần phải bàn và giải quyết trước cái đã!