mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (11)

Thời kỳ biến động lớn thứ hai: Ðại hội 20 ÐCSLX và sự phân liệt trong PTCSQT

Về mặt đối ngoại: Khrutshev và ban lãnh đạo ÐCSLX cố tìm cách giải quyết những mâu thuẫn giữa ÐCSLX với Tito và ÐCS Nam Tư, giải quyết những chuyện lấn cấn cũ với các ÐCS ở Ðông Âu, đồng thời tìm cách hòa dịu với Hoa Kỳ và các nước khác ở phương Tây. Những chuyến đi đây đi đó của Khrutshev đến các nước đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng nói chung hoạt động đối ngoại của ông đã góp phần làm bớt căng thẳng phần nào trong quan hệ thế giới, nhưng lại càng kích thích sự bất mãn của ÐCSTQ và các nước kình địch với Hoa Kỳ và Nam Tư, lại càng châm ngòi cho cuộc khẩu chiến ồn ào giữa ÐCSTQ và ÐCSLX cùng các ÐCS "chư hầu" của hai bên.
Như đã nói, tiếng vang của đại hội 20 ÐCSLX truyền khắp thế giới. "Trời trở ấm" lan đến nhiều nước "xã hội chủ nghĩa", nhất là các nước Ðông Âu, kích thích ý thức dân chủ và tự do của người dân, từ trí thức cho đến công nhân. Người ta cảm thấy có cơ hội đứng lên để ít nhất nới bớt gông xiềng xô-viết. Ba Lan là nước đầu tiên đứng thẳng người lên. Thoạt đầu là công nhân nhà máy ô tô ở Poznan nổi dậy (28.6.1956), tiếp đến công nhân nhiều nhà máy khác hưởng ứng, họ biểu tình hòa bình với khẩu hiệu "Bánh mì!" và "Quân đội Liên Xô rút khỏi Ba Lan!". Ðã xảy ra những cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát, có nhiều người chết và bị thương. Một cuộc đấu tranh rất ác liệt đã diễn ra trong nội bộ ÐCS Ba Lan (tên gọi chính thức là Ðảng công nhân thống nhất Ba Lan). Ban lãnh đạo mới của ÐCS Ba Lan đứng đầu là Gomulka đã đưa ra chương trình hoạt động mới giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân và bình thường hóa quan hệ với Liên Xô. Chính nhờ sự mềm dẻo của Gomulka mà Ba Lan tránh được sự can thiệp quân sự của Liên Xộ
Kết cục của các sự biến ở Hungarie lại khác hẳn với Ba Lan. Sau đại hội 20 ÐCSLX, trong ÐCS Hungarie (tên chính thức là Ðảng công nhân xã hội chủ nghĩa Hungarie) cũng đã diễn ra đấu tranh nội bộ cực kỳ căng thẳng. Cuối cùng, các lực lượng tiến bộ đã hạ bệ Rakoshi, người đứng đầu đảng có nhiều tội ác và là tay sai đắc lực của Liên Xô. Ngày 6.10.1956, có cuộc cải táng các nạn nhân bị giết oan dưới chế độ cộng sản, nhân dân căm phẫn biểu tình đông đảo với 200 ngàn người tham gia ngay giữa thủ đô Hungarie. Ðể làm dịu bớt tình hình, ban lãnh đạo ÐCSLX kêu gọi Imre Nagy ra nắm quyền. Cuộc đấu tranh quần chúng dần dần chuyển thành cuộc khởi nghĩa, nó cuốn hút không những trí thức, công nhân, nông dân, mà cả nhiều tầng lớp khác. Những nhà máy lớn nhất ở Budapest đều trở thành "cứ điểm" cho cuộc nổi dậy. Khác với Ba Lan, ÐCS Hungarie không lãnh đạo nổi phong trào. Ngày 22 tháng 10, diễn ra một cuộc biểu tình lớn nữa ở Budapest, quần chúng đòi Imre Nagy phải đứng đầu ban lãnh đạo mới. Ngày 23 tháng 10, Imre Nagy lên làm thủ tướng, ông kêu gọi dân chúng buông võ khí. Nhưng lúc đó xe tăng xô-viết đã có mặt ở Budapest nên dân chúng càng thêm sục sôi. Lại nổ ra một cuộc biểu tình khổng lồ nữa của thanh niên, sinh viên, học sinh, công nhân trẻ. Trước tòa nhà quốc hội tập hợp đến 200 ngàn người, họ hạ tượng Stalin xuống, thành lập đội võ trang và bắt đầu chiếm giữ các khu trong thành phố Budapest. Ngày 24.10, Mikoyan và Suslov bay đến Budapest đề nghị đưa Janos Kadar lên làm bí thư thứ nhất. Ngày 25.10, xảy ra cuộc đụng độ với bộ đội xô-viết ở gần tòa nhà quốc hội. Imre Nagy một mặt ra lệnh ngừng bắn, mặt khác yêu cầu Liên Xô rút quân. Nhưng đụng độ vẫn tiếp diễn. Dân chúng nổi dậy đòi bộ đội xô-viết phải triệt thoái ngay và thành lập chính phủ thống nhất dân tộc mới, trong đó có những đại diện các đảng khác. Ngày 28.10, các trận đánh vẫn tiếp diễn, chính phủ Hungarie ra lệnh ngừng bắn. Ngày 30.10, chính phủ tuyên bố xóa bỏ chế độ bắt buộc nông dân nộp nông phẩm cho nhà nước. Các tỉnh nhiệt liệt ủng hộ thủ đô, còn công nhân thì vẫn bỏ việc chờ đến khi ngừng hẳn các trận chiến đấu và quân xô-viết rút khỏi Budapest. Ba điều làm ban lãnh đạo Liên Xô đặc biệt lo sợ là dân chúng công khai đòi Liên Xô rút quân ra khỏi Budapest và toàn lãnh thổ Hungarie, Ðảng xã hội dân chủ Hungarie đã được khôi phục lại và một chính phủ đa đảng đã thành lập. Họ sợ tấm gương Hungarie sẽ truyền lây sang các nước khác ở Ðông Âu. Vì thế, CTÐ TƯ ÐCSLX họp ngày 26.10 đã quyết định can thiệp võ trang để đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân. Nghị quyết đó, mãi về sau mới được công bố, trong đó đầy rẫy những lời lẽ giả nhân giả nghĩa, như "thật là không thể tha thứ được cho Liên Xô, nếu vẫn cứ giữ thái độ trung lập mà không giúp đỡ cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại phản cách mạng". Nhưng CTÐ TƯ ÐCSLX lại muốn làm cho cuộc can thiệp võ trang của họ dường như là của cả phe xã hội chủ nghĩa, nên họ phải tìm cách đánh lừa dư luận, tranh thủ thời gian để chuẩn bị cuộc đàn áp, đồng thời tranh thủ sự đồng tình của các nước thành viên Hiệp ước Varsava, cũng như của Trung Quốc và Nam Tư . ÐCSLX mời phái đoàn ÐCSTQ do Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu đến Moskva. Ðàm phán khó khăn lắm ban lãnh đạo Liên Xô mới được Lưu Thiếu Kỳ chấp thuận tại sân bay Vnukovo ngay trước khi ông lên máy bay về nước (31.10). Tiếp đó, được sự đồng ý của Ba Lan, Rumanie và Nam Tư thì ngày 1.11, Liên Xô bắt đầu tiến quân. Imre Nagy cực lực phản đối, nhưng 3000 xe tăng xô-viết từ miền Zakarpat Ukraina và Rumanie cứ ào ạt vượt qua biên giới Hungarie. Tối hôm đó, Hungarie chính thức tuyên bố rút ra khỏi Hiệp ước Varsava vì Liên Xô đã vi phạm Hiệp ước đó trước, đồng thời tuyên bố theo chính sách trung lập và kêu gọi Liên hiệp quốc phản đối quân đội xô-viết võ trang can thiệp Hungarie. Liên Xô dối trá tuyên truyền như tuồng tình hình phức tạp ở Hungarie là do âm mưu của bọn đế quốc chống lại "phe hòa bình và dân chủ", như tuồng "bọn phản cách mạng" Hungarie nổi dậy giết những người cộng sản để mưu đồ khôi phục lại chủ nghĩa tư bản. Ðến ngày 3.11, 11 sư đoàn quân Liên Xô đã có mặt trên lãnh thổ Hungarie. Trong ngày đó, CTÐ TƯ ÐCSLX đã chuẩn bị một chính phủ Hungarie mới được thành lập trên đất Liên Xô do Janos Kadar, bí thư thứ nhất ÐCS Hungarie, làm thủ tướng để thay thế chính phủ Imre Nagy "phản cách mạng". Ngày 4.11 chính phủ mới của Hungarie được công bố chính thức, khi đại pháo xô-viết khai hỏa và xe tăng Liên Xô ào ào xông vào thủ đô Budapest. Hôm trước, ngày 3.11, chính phủ liên hiệp của Hungarie đã thành lập do Imre Nagy đứng đầu, gồm có ba đại biểu cộng sản, ba thuộc đảng tiểu chủ, ba thuộc đảng xã hội dân chủ, hai thuộc đảng Petefi và một người không đảng phái là tướng Pal Maleter. Cuộc chiến đấu của nhân dân Hungarie vô cùng dũng cảm, nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch, nên ở Budapest sau ba ngày thì lực lượng nhân dân bị đè bẹp, còn ở vùng nông thôn, cuộc chiến đấu tiếp diễn đến ngày 14.11. Thế là cuộc cách mạng dân chủ giải phóng dân tộc Hungarie bị dìm trong máu lửa. Quân đội và công an mật vụ Liên Xô liền lùng bắt và khủng bố dân chúng nổi dậy. Imre Nagy và những người đồng sự chạy vào sứ quán Nam Tư. Sau hai tuần lễ đàm phán, thủ tướng mới của Hungarie Janos Kadar cam kết là Imre Nagy và những người đồng sự của ông ta sẽ không bị trừng phạt mà sẽ được cùng gia đình đưa về nhà thì sứ quán Nam Tư mới chịu đồng ý cho họ lên xe buýt ra đi có cả hai nhân viên của sứ quán đi theo. Nhưng giữa đường, xe buýt đó bị mấy sĩ quan xô-viết chiếm, bắt Imre Nagy và những người đồng sự của ông ta. Về sau, Imre Nagy bị xử bắn cùng với tướng Pal Maleter (1958).
Những sự kiện đầy kịch tính ở Hungarie năm 1956 là một cú sốc mạnh đối với giới cầm quyền chẳng những ở Liên Xô mà còn ở nhiều nước "xã hội chủ nghĩa" khác: nỗi khiếp sợ mất nền thống trị đã kìm hãm ý hướng muốn cải cách của họ. Còn 15 năm sau, khi đã bị hạ bệ rồi, nhắc đến những sự kiện ở Hungarie năm 1956, Khrutshev không hề có một chút cắn rứt lương tâm, không hề nghĩ rằng chính ông ta và ban lãnh đạo Liên Xô đã xử sự một cách phản bội đối với cuộc cách mạng giải phóng của cả một dân tộc. Nhưng một ý niệm như thế làm sao có thể có được ở một con người theo chủ nghĩa Lenin?!
Ðúng như vậy, Khrutshev là một con người đầy mâu thuẫn. Cũng như những người lãnh đạo khác của ÐCSLX, trước sau Khrutshev vẫn là một người cộng sản "chính cống", ý thức hệ Marx-Lenin, tư tưởng và tác phong độc đoán của chế độ cực quyền đã "đông kết" trong tư duy không cho ông có thể làm nhà cách tân thật sự. Trong lúc ông nới ra chút ít tự do, dân chủ, thì nói chung ông vẫn giữ thói độc đoán chuyên quyền của một lãnh tụ cộng sản. Ông vừa cho phép tạp chí "Thế giới mới" (Novy Mir) đăng bốn truyện ngắn của Solzhenitsyn hồi 1962, nhưng khi bị đám stalinistes trong ban lãnh đạo phản đối dữ dội thì ông lại hãm ngay không cho đăng những tiểu thuyết "Khu ung thư", "Vòng thứ nhất" của nhà văn nổi tiếng đó nữa. Hay tại cuộc triển lãm nghệ thuật ở Manezh Moskva, ông đã mạt sát thô bạo trường phái trừu tượng, gây ra cuộc tranh cãi kịch liệt giữa ông và nhà điêu khắc Ernst Neizvestnyi (nói cho công bằng, ông khác với Stalin, sau cuộc tranh cãi đó nhà điêu khắc không bị bỏ tù, không bị giết mà vẫn làm việc bình thường). Hay việc đối xử tồi tệ với nhà văn Boris Pasternak (1958). Hay việc dùng quân đội đàn áp đẵm máu cuộc biểu tình hòa bình của công nhân ở thành phố Novocherkask (tháng 6.1962), v.v... Trong lúc muốn "cùng tồn tại hòa bình", "thi đua hòa bình" với chủ nghĩa tư bản, muốn quan hệ tốt với Hoa Kỳ thì Khrutshev lại hùng hổ tuyên bố sẽ "chôn sống giai cấp tư bản", rồi bí mật đưa tên lửa đến Cuba (tháng 8.1962). Trong lúc muốn giải quyết những vấn đề mâu thuẫn do Stalin gây ra với các nước "anh em" ở Ðông Âu, đặc biệt là Nam Tư, thì Khrutshev lại xích mích với Trung Quốc. Bức tượng đá của Khrutshev do Ernst Neizvestnyi tạc đặt trước mộ ông có hai màu - nửa đen nửa trắng - chính là để biểu thị con người đầy mâu thuẫn đó.
Sau sự biến ở Hungarie, những phần tử bảo thủ trong CTÐ TƯ ÐCSLX càng tăng sức ép mạnh với Khrutshev, nên chính sách đối nội về kinh tế, chính trị và xã hội của ông thường chao đảo. Cuối cùng, nhóm bảo thủ nhất trong ban lãnh đạo do Brezhnev thủ mưu đã ngấm ngầm tổ chức cuộc đảo chính cung đình lật đổ ông vào tháng 10.1964.
Thế là đã qua rồi đợt "trời trở ấm", đất nước và xã hội Liên Xô lại bị chìm trong giá lạnh! Brezhnev và ban lãnh đạo mới của ÐCSLX mưu đồ khôi phục lại chủ nghĩa Stalin dưới dạng khác, không thể trắng trợn như trước được nữa, nhưng vẫn rất khắc nghiệt. Chính vào thời gian này sự bất bình trong dân chúng, nhất là trong trí thức thể hiện rõ rệt nhất qua phong trào dissidence (bất đồng chính kiến) ở Liên Xô. Brezhnev và ban lãnh đạo Liên Xô không thể giải quyết được vấn đề đoàn kết thống nhất PTCSQT, không thể hàn gắn được "mối tình Xô-Trung", trái lại mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng trầm trọng, thậm chí hồi tháng 3.1969, quân đội của hai nước đã đánh nhau kịch liệt ở Damanski (Trung Quốc gọi là đảo Chenbao) làm cả hai bên đều có nhiều người chết.
Trong lúc đó, nhiều ÐCS ở các nước tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là ở Pháp và Ý, ngày càng bị khủng hoảng, vì quần chúng cách mạng, nhất là trí thức, công nhân được làn gió mát của đại hội 20 ÐCSLX cổ võ, họ nhận rõ bản chất cực quyền của chế độ cộng sản xô-viết, nhận rõ tính chất tay sai của các ÐCS "nước mình" đối với Liên Xô, nên mất lòng tin vào ÐCS và chủ nghĩa cộng sản. Ở nhiều nước châu Âu, số đảng viên bỏ đảng rất đông. Các ÐCS cố tìm cách gây lại niềm tin của quần chúng để mong thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nội bộ. Một vài đảng chính thức tuyên bố loại trừ chuyên chính vô sản và xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ trong cương lĩnh đảng. Về sau, ÐCS Ý cố hoàn thiện hơn về mặt lý luận đã cho ra một mô hình mới gọi là "chủ nghĩa cộng sản Âu châu” (eurocommunisme).
Một vài ÐCS ở Ðông Âu nằm trong gọng kìm xô-viết cố tìm đường thoát ra khỏi những bế tắc của chế độ cực quyền "xã hội chủ nghĩa" cả về kinh tế lẫn chính trị. Một trong những nước Ðông Âu đi tiên phong trong việc cải cách là Tiệp Khắc (1967-1968). Các lực lượng cấp tiến nhất trong ban lãnh đạo Tiệp Khắc do Alexandre Dubcek đứng đầu đã khởi sự những cải cách quan trọng, như nới rộng quyền tự do ngôn luận, cải tổ kinh tế theo hướng cho xí nghiệp được tự quản và phần nào dè dặt áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường. Về mặt kinh tế, người ta phê phán chế độ quản lý kinh tế trung ương tập quyền, giảm bớt việc lập kế hoạch tập trung, nới cho các xí nghiệp được quyền tự trị quyết định cả về đầu tư bằng tiền lãi do mình tự tạo ra cũng như tín dụng ngân hàng, cho công nhân các xí nghiệp được bầu hội đồng công nhân có quyền tham gia vào các quyết định của quản đốc xí nghiệp. Những cuộc cải cách đó được dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh, người ta gọi đó là "Mùa Xuân Praha”. Những người cộng sản cấp tiến Tiệp Khắc muốn từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội xô-viết, thứ "chủ nghĩa xã hội trại lính”, để cải biến thành "chủ nghĩa xã hội mặt người”, tức là làm cho nó nhân bản hơn. Khiếp sợ trước những đổi thay căn bản của Tiệp Khắc, Brezhnev và ban lãnh đạo ÐCSLX chủ trương huy động quân đội của khối Hiệp ước Varsava, cụ thể là quân Liên Xô, Ðông Ðức, Ba Lan, Hungarie, Bulgarie (riêng Rumanie không chịu tham gia) với quân số nửa triệu, 4600 xe tăng, 800 máy bay, 2000 đại pháo đêm 20 rạng ngày 21.8.1968 đã tiến vào Tiệp Khắc để lật đổ chính quyền hợp pháp và dựng lên một đám bù nhìn mới làm tay sai. Dân chúng chống cự rất quyết liệt, họ đã thể hiện biết bao tấm gương hy sinh, quên mình vì nước. Nhưng trứng làm sao chọi nổi với đá?! Cuối cùng, Tiệp Khắc phải chấp nhận ngừng ngay cuộc cải cách và chịu để cho 75 ngàn quân Liên Xô "tạm" đóng trên đất nước mình. Thế là "chủ nghĩa xã hội mặt thú" đã hoàn toàn đè bẹp "chủ nghĩa xã hội mặt người"!
Liên Xô dưới thời Brezhnev, Andropov, Chernenko... vẫn không ngừng tiến hành chính sách bành trướng cộng sản mà họ gọi là "làm nghĩa vụ quốc tế". Cuộc phiêu lưu quân sự xô-viết ở Afganistan là một điển hình, không những thế, Liên Xô thông qua nước Cuba "anh em" để giúp đỡ cho cho các thế lực nổi loạn ở Nicaragoa, Salvador, thậm chí dùng binh lính Cuba đánh thuê (để trả nợ xô-viết) ở nhiều nước châu Phi, như Angola, Ethiopia, Mozambique. Người ta ngang ngược lấy cớ rằng dân Cuba "chiến đấu" ở các nước châu Phi là "làm nghĩa vụ quốc tế", hơn nữa người Cuba đến châu Phi cũng là con dân châu Phi quay trở về Ðất Mẹ! Lúc đầu dân Cuba cũng tự hào "làm nghĩa vụ quốc tế" ở châu Phi, nhưng khi bị sa lầy trong cuộc chiến tranh kéo dài thì dân Cuba lại bất mãn: vì sao thanh niên Cuba phải chết ở các chiến trường xa đất nước mình hàng nhiều ngàn cây số!
Sau khi "Mùa Xuân Praha" bị Liên Xô dẹp tan, các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu cố tránh những cải cách chính trị, vì sợ Liên Xô đàn áp, mà cố tìm cách cải cách kinh tế. Hầu hết các nhà kinh tế trung thực ở các nước này đều thấy rõ không thể duy trì "chế độ kinh tế tập trung chỉ huy kế hoạch" kiểu xô-viết được nữa, nhưng những người lãnh đạo các nước đó đều ngập ngừng. Tấm gương của những người cộng sản Nam Tư về chế độ công nhân tự quản xí nghiệp tuy bị Liên Xô đả kích, nhưng vẫn khá hấp dẫn đối với họ. Vài nước bắt đầu có một số biện pháp cải cách kinh tế nho nhỏ: như cho các xí nghiệp được một chút tự quản, được cấp vốn và sau đó phải trả một phần lãi cho trung ương (Ðông Ðức), có nước tìm cách vay tiền của phương Tây để đầu tư, mua máy móc thiết bị làm hàng xuất cảng lấy ngoại tệ, hoặc thực hiện những bước rón rén tiến đến kinh tế thị trường (Ba Lan), có nước cố cải tổ kinh tế để giảm bớt sự chỉ huy tập trung, đưa ra "cơ chế kinh tế mới" để thay đổi cách quản lý kinh tế của ba khu vực: quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân, áp dụng việc tản quyền, cho nông dân tự do mua bán, mưu toan làm cải cách giá cả (Hungarie). Nhưng vì không có được một khái niệm hoàn chỉnh về cải cách kinh tế chuyển hóa từ nền kinh tế chỉ huy tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do, vì cải cách kinh tế không được kèm theo cải cách chính trị, nên các cuộc cải cách đều mang tính nửa vời tạo ra nhiều mâu thuẫn, bế tắc.
Nhưng phần đông các nước "xã hội chủ nghĩa" hồi đó còn bị thống trị bởi các lãnh tụ bảo thủ (Liên Xô - Brezhnev, Andropov, Cherhenko, Trung Quốc - Mao Trạch Ðông, Hoa Quốc Phong, Việt Nam - Lê Duẩn, Rumanie -Nicolae Ceausescu, Bulgarie - Zhipkov, Bắc Triều Tiên - Kim Nhật Thành, Cuba - Fidel Castro, Albania - Anver Hodzha) nên hầu như họ không nghĩ gì đến cải cách kinh tế. Phe "xã hội chủ nghĩa" ngày càng ngập sâu vào khủng hoảng, chẳng những về kinh tế, xã hội mà cả về chính trị. Biểu hiện rõ nhất của khủng hoảng chính trị trong phe này hồi thập niên 80 là tình hình bất ổn ở Ba Lan: tiếp theo những cuộc đình công quyết liệt của công nhân Gdansk là sự ra đời (ngày 30.9.1980) và phát triển mạnh mẽ của phong trào Công đoàn "Ðoàn Kết” (Solidarnos) do người thợ điện Lech Walesa làm lãnh tụ. Bản thân Walesa đã nhiều lần bị bắt bớ, Công đoàn của ông nhiều lần bị đàn áp, cấm đoán, nhưng nó vẫn tồn tại và thu hút đông đảo công nhân và trí thức Ba Lan như một thách thức bướng bỉnh.
Từ cuối những năm 70 đầu những năm 80, PTCSQT ngày một khủng hoảng. Các nước "xã hội chủ nghĩa" đều đang rối ren, ở Ðông Âu dân chúng chốngđối thầm lặng, chỉ mong thoát khỏi gông xiềng xô-viết và giành được dân chủ. Còn các ÐCS Âu Mỹ cũng hết sức bối rối và ngày càng sa sút, "chủ nghĩa cộng sản Âu châu" trở thành món hàng ế khách không thu hút được quần chúng nên qua các cuộc bầu cử ÐCS nhiều nước đã bị thất bại thảm hại, nhất là ÐCS Pháp.