mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế . (2)

C. Dựng lên một ÐCS thế giới

Sau khi cướp được chính quyền bằng một cuộc đảo chính khá dễ dàng (1917), Lenin càng say sưa với những kết luận của mình, đã nêu ra trong sách „Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản“ (viết năm 1916) mà những kẻ tán dương Lenin gọi là „phát kiến vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới“. Những kết luận đó là: „chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn chủ nghĩa tư bản giãy chết“...“là giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản“... „là đêm trước của cách mạng vô sản thế giới“. Ðể kịp đón cái „đêm trước của cách mạng vô sản thế giới“, để làm „cách mạng vô sản thế giới“ và thiết lập „chuyên chính vô sản thế giới“, Lenin và đảng bolshevik thực tế bắt tay chuẩn bị thành lập một „đảng-hội kín-âm mưu“ thế giới, tức là một „ÐCS thế giới“, bao gồm nhiều ÐCS theo hình mẫu „ÐCS bolshevik Nga“ ở các nước trên thế giới. Ðây chính là thực chất của cái gọi là PTCSQT.

Về việc thành lập „ÐCS thế giới“ ấy, nhà sử học D. Volkogonov (viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học, tiến sĩ triết học, tiến sĩ sử học, trung tướng của quân đội xô-viết, vốn là một đảng viên cộng sản chính thống về sau đã tỉnh thức và trở thành nhà dân chủ triệt để) đã kể lại như sau: để chuẩn bị thành lập tổ chức quốc tế đó, Lenin và đảng bolshevik phái những agents của công an mật vụ Nga (Vecheka) đến một số đảng xã hội chủ nghĩa để phân hóa, chia rẽ, lôi kéo, tuyển mộ tay chân, cung cấp tài chính, v.v... nhằm tạo ra „phe tả“ làm „hạt nhân“ đầu tiên của tổ chức „Quốc tế“ mới (xem: D.Volkogonov. „Lenin. Chân dung chính trị“. Hai tập. 1994, t. 1. Trong sách này, ở tr. 272-273, 289-290. Volkogonov đưa ra nhiều tài liệu cụ thể về vai trò của công an mật vụ Nga trong việc thành lập và hoạt động của Quốc tế cộng sản, những tài liệu này dẫn từ kho lưu trữ của QTCS, nay là RSKHIDNI - Trung tâm lưu trữ văn kiện lịch sử hiện đại). Hồi năm 1918, ngoài ÐCS bolshevik Nga, ở châu Âu chỉ có một ÐCS Ðức nữa mà thôi, còn các nơi khác mới chỉ đang thời kỳ „thai nghén“ „phe tả“ trong các đảng xã hội chủ nghĩa. Theo lệnh của Lenin, Bộ trưởng ngoại giao Chicherin ra lời kêu gọi trên đài phát thanh gửi tới tất cả những người cộng sản châu Âu và châu Á mời họ đến Moskva tham dự hội nghị. Không có tiếng vang đáp lại, vì chẳng ai để ý đến lời kêu gọi đó cả. Cuối cùng, chỉ phủ dụ được một số tù binh nước ngoài đang ở Nga tham gia cuộc họp, cộng thêm Eberlain từ Ðức đến với một vài người ngẫu nhiên nào đấy nữa. Gần một tuần lễ, cái nhúm người đó, chưa đầy ba chục mống, giống như một bọn âm mưu, bàn cãi nhau: nên lấy danh xưng cho cuộc họp như thế nào? Thế là nhúm người đó quyết định: cuộc họp là „hội nghị cộng sản quốc tế để thành lập Ðệ Tam Quốc tế“. Tuyên ngôn ký tên 17 (!?) cái gọi là „đoàn đại biểu“, phần lớn là những kẻ vô danh tiểu tốt, và những người ngẫu nhiên nào đấy. Còn „Ðại bách khoa toàn thư xô-viết“ thì phịa thêm là đại hội thành lập Quốc tế cộng sản (QTCS - Komintern) hồi tháng 3.1919 tại Moskva „có mặt đại biểu của các ÐCS và các nhóm xã hội chủ nghĩa tả phái của 30 (!?) nước“! Lenin đặt nhiệm vụ chủ yếu cho QTCS là „đấu tranh giành chuyên chính vô sản thế giới“. Tại „đại hội“ đó, mọi vấn đề đưa ra đều do Lenin và bộ chính trị (BCT) ÐCS bolshevik Nga quyết định trước cả. Lenin đã tự tay viết ra „21 điều kiện gia nhập QTCS“ nhằm chọn lọc các đảng cho vào Quốc tế mới. Thâm ý của ông là muốn tạo cho QTCS một hình thức tổ chức chặt chẽ mà ông và ÐCS của ông có thể nắm chắc được ngay từ đầu. Do đó, những người lãnh đạo chủ chốt QTCS từ trước đến sau phần lớn đều là cán bộ của ÐCS bolshevik Nga hoặc là những tay chân trung thành với họ. Chủ tịch đầu tiên của Ban chấp hành QTCS (từ năm 1919) là Zinoviev, ủy viên BCT của ÐCS Nga, đến năm 1926 Zinoviev bị Stalin phế truất, và về sau bị hành quyết. Còn từ năm 1926 đến năm 1929, chủ tịch kế nhiệm là Bukharin, cũng là ủy viên BCT của ÐCS Nga, đến năm 1929 Bukharin cũng bị Stalin phế truất, và về sau cũng bị hành quyết. Nguyên tắc tổ chức của QTCS là tập trung dân chủ. Như vậy, mỗi ÐCS là một phân bộ (section) của QTCS, phải phục tùng nghiêm ngặt theo hệ thống dọc đến cấp cao nhất là Ban chấp hành QTCS, mà ban này thật ra chỉ là cái dù che đậy sự lũng đoạn của tập đoàn thống trị ÐCS Nga trong QTCS. Hơn nữa, tổ chức quốc tế này bị phụ thuộc hoàn toàn về mặt tài chính, cán bộ... vào TƯ ÐCS bolshevik Nga làm cho nó trở thành một công cụ hoàn toàn ngoan ngoãn để thực hiện những ý đồ của ho..

D.Volkogonov viết: „Ban lãnh đạo bolshevik tin tưởng một cách cuồng tín rằng chỉ cần đốt lên ngọn đuốc cách mạng thế giới ở Nga thì tòa nhà cũ kỹ rệu rã của nền văn minh nhân loại giống như túp lều gỗ mục nát sẽ nhanh chóng bắt lửa và cháy bùng lên. Khi đọc diễn văn nhân dịp kỷ niệm năm thứ nhất thành lập Ðệ Tam Quốc tế tại phiên họp long trọng của Xô-viết Moskva ngày 6.3.1920, Lenin đã tuyên bố: „phải đoan chắc (chữ in nghiêng của D.V.) rằng thắng lợi của cách mạng cộng sản là không thể nào tránh khỏi“. Lãnh tụ những người bolsheviks kết thúc bài diễn văn của ông ta bằng những lời sau đây trong tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt: „... thắng lợi của QTCS trên toàn thế giới, và trong một thời hạn không xa lắm - thắng lợi đó đã được bảo đảm“ (xem: Lenin V.I. Toàn tập, t. 40, tiếng Nga, tr. 209, 211). Phải có một tầm mắt cận thị và vô trách nhiệm đến kỳ lạ mới có thể tung ra những lời tuyên bố kêu vang mà rỗng tuếch đến thế“ (xem: D.Volkogonov. „Lenin. Chân dung chính trị“. Hai tập. 1994, t. 2, tr. 271).

Ðể gây đám cháy „cách mạng“ ở các nước, Lenin và những người bolsheviks đã tung tiền của, vàng bạc cho các đảng tay chân ở các nước, đồng thời phái những nhóm „agents“ (hoạt động viên) của mình đem vũ khí, tài liệu tuyên truyền đến các nước đang có sự sục sôi trong dân chúng (Hungarie, Ðức, Italia, Ba Tư (Persia), ẤÂn Ðộ, Trung Quốc...), rồi tổ chức các nhóm khủng bố để khích động phong trào, hòng lật đổ các chế độ hiện tồn và thiết lập chuyên chính vô sản, hay nói theo từ ngữ thời thượng của họ hồi đó là „xô-viết hóa các nước“. Họ đặc biệt chú ý hai nước láng giềng Hungarie và Ðức đang có biến động. Và đến tháng 3.1919, nước Cộng hòa xô-viết Hungarie ra đời do lãnh tụ cộng sản Bela Kun đứng đầu. Lenin và những người bolsheviks Nga hân hoan cực độ. Lenin gửi điện nhân danh đại hội 8 ÐCS bolshevik Nga chào mừng với những câu như sau: „Ðại hội đảng chúng tôi tin tưởng rằng chẳng bao lâu nữa chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng lợi trên toàn thế giới. Giai cấp công nhân Nga sẽ dốc toàn lực vội vã giúp đỡ các bạn... Nước cộng hòa cộng sản quốc tế muôn năm!“ . Ông còn gửi điện mật cho Bela Kun: „Hãy cứng rắn. Nếu trong số bọn xã hội chủ nghĩa hay bọn tiểu tư sản, mới theo các đồng chí ngày hôm qua, mà tỏ ra giao động đối với chuyên chính vô sản thì hãy đàn áp ngay không thương tiếc. Bị xử bắn - đó là số phận đúng luật của tên hèn nhát trong chiến tranh“. (Sđd, tr. 276, 278)

Chưa đầy một tháng sau ở Bavaria (Ðức), một chính phủ do người cộng sản Evgheni Levine đứng đầu lên nắm quyền. Chính phủ này gấp rút tiến hành những nhiệm vụ cấp bách của chuyên chính vô sản: quốc hữu hóa các ngân hàng, thành lập Hồng quân, quy định ngày làm việc 8 tiếng, võ trang giai cấp vô sản, cô lập giai cấp tư sản. Lenin cũng vội vàng gửi điện ngay với một loạt chỉ thị như sau: „... đã võ trang công nhân chưa, đã tước võ khí của giai cấp tư sản chưa, đã tăng gấp đôi, gấp ba tiền công cho bần nông và lao công chưa, đã tịch thu toàn bộ giấy in và tất cả các nhà in chưa... đã dồn nhà ở của giai cấp tư sản ở Munich để cho công nhân dọn đến ở các nhà giàu chưa... đã bắt con tin của giai cấp tư sản chưa... đã động viên toàn thể công nhân để phòng thủ và để tuyên truyền tư tưởng cho các vùng nông thôn lân cận chưả“ (Sđd, tr. 277). Lenin gửi những phái viên của ông mang theo chỉ thị và những va li vàng đến ngay những nơi đang „xô-viết hóa“ đó. Ông tin tưởng là cách mạng đã bắt đầu ở châu Âu, và cho rằng ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy ở Ðức. Ông đã bí mật chuẩn bị một đội quân do Toukhachevsky chỉ huy để thấm nhập vào Ðức, nhưng quân chưa kịp vào thì cuộc biến động ở Bavaria đã bị dẹp yên. Ðiều mong ước về cách mạng bùng lên ở Ðức đã được Trotsky bộc tuệch nói ra: „... nước Ðức xô-viết thống nhất với nước Nga xô-viết thì ngay lập tức sẽ mạnh hơn tất cả các nước tư bản gộp lại!“. Trong óc của các lãnh tụ cộng sản Nga hiện lên giấc mơ rõ nét về một „Liên bang xô-viết Âu châu“, rồi một „Liên bang cộng sản Thế giới“ mà họ sẽ làm chủ. Chính tay Lenin đã ghi vào lời mở đầu của „Hiến pháp Liên Xô“ (được công bố năm 1924) câu sau: „Nhà nước mới xô-viết là... một bước quyết định mới trên con đường thống nhất những người lao động tất cả các nước vào Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Thế giới“. Xin nhắc lại một lần nữa: thực chất của PTCSQT là thế đó!

Thế nhưng, cả ở Hungarie lẫn ở Bavaria, chính quyền xô-viết đã sụp đổ, và châu Aâu, châu Mỹ - nơi thực tế có giai cấp vô sản - thì yên ổn, các lãnh tụ Moskva bèn hướng về phương Ðông: Ấn Ðộ , Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên... Nhưng sau sự kiện Hungarie và Bavaria thì „cuộc cách mạng thế giới“ mà Lenin đã tiên đoán „rất thiên tài“ cứ tàn lụi dần. May thay cho nhân loại, cái mộng tưởng của Lenin và những người bolsheviks Nga đốt lên đám cháy cách mạng thế giới, thành lập „Liên bang xô-viết Âu châu“, „Liên bang cộng sản Thế giới“ chỉ là ảo mộng còn nằm lại trên những bài báo, những chỉ thị của họ mà thời gian đã phủ lên một lớp bụi dày. Trong lúc đó, đã xảy ra chuyện oái ăm của lịch sử: „Liên hiệp Âu châu“ với đủ mọi cơ cấu, kể cả nghị viện, tòa án, đồng Euro... đang hoạt động hữu hiệu mà lại không do những người cộng sản bolsheviks Nga lập ra và không có chuyên chính của giai cấp vô sản!