mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P33

CHƯƠNG 7

HỒ CHI MINH, CON VẸT CỦA STALIN

Chống Cộng hay không chống Cộng?
- Anh có phải là người chống Cộng không?
- Không.
Đoạn vấn đáp cụt ngủn trên đây đến đột ngột với Vũ Thư Hiên khi ông vừa từ Paris sang thăm Hoa Kỳ khoảng đầu năm 2000, chuyến viếng thăm ông đã tường thuật trong bài Một thoáng Hoa Kỳ. Hiển nhiên, người đặt câu hỏi và người trả lời đều đứng trên lập trường vững chắc của mình.
Người phỏng vấn Vũ Thư Hiên “Anh có phải là người chống Cộng không?” là phóng viên của đài Little Saigon Radio, một đài phát thanh uy tín phục vụ cho cả triệu thính giả là thuyền nhân, là cựu tù nhân học tập cải tạo ở diện HO, là thân nhân được bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia đình, tất cả toàn là nạn nhân Cộng sản. tưởng chống Cộng là ưu tiên hàng đầu của miền Nam, kể từ ngày Cựu hoàng Bảo Đại về nước chấp chánh với danh vị Quốc trưởng, qua Đệ nhất Cộng hòa với Tổng thống Ngô Đình Diệm, sau cùng đến Đệ nhị Cộng hòa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Người dân miền Nam trên phân nửa đất nước từ sông Bến Hải đến tận Cà Mau và Hà Tiên đã xây dựng được một nền dân chủ tuy còn non trẻ nhưng đã có đủ các quyền tự do: tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do hội họp, tự do đi lại, tự do xuống đường, tự do kinh doanh, tự do tôn giáo, tự do lập đảng. Trong khoảng thời gian đó, người dân miền Bắc sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa mà thực chất chỉ là CÁI BÁNH VẼ CỦA HỒ CHÍ MINH. Lời bình phẩm về hai chính sách cai trị với sự đề cao chế độ của miền Nam được trích từ Chương 1 DẪN (trang 21) trong quyển Vụ án siêu nghiêm trọng T2-T4, tác giả là Tâm Việt của nhóm Bùi Tín. Thực vậy, người dân miền Nam đã sống và được hưởng Những ngày tháng năm đẹp của thế kỷ 20 và thành quả đó là nhờ nỗ lực chống Cộng để ngăn chận Làn sóng đỏ từ phương Bắc của Quân Dân Cán Chính miền Nam. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi người phóng viên của đài hỏi Vũ Thư Hiên “Có chống Cộng hay không?”, tuy câu hỏi thật đột ngột ngay trong lần sơ ngộ.
Tiếng trả lời “Không” cụt ngủn đầy khí phách của Vũ Thư Hiên cũng không phải là không phát xuất từ một lập trường vững chắc. Có một thời trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, khái niệm Cộng sản được hiểu như thực thi công bình xã hội, phân chia miếng cơm manh áo đồng đều cho tất cả mọi người để cho ai ai cũng đều được ấm no hạnh phúc. Thật sự, đó là giấc mơ đẹp có sức quyến rũ tất cả mọi người, những triết gia, những nhà trí thức, những văn thi sĩ, những bậc giáo sư quý trọng của các trường đại học khắp nơi trên thế giới...
Chống loại Cộng sản nào ?
Trong bài Một thoáng Hoa Kỳ, Vũ Thư Hiên tác giả Đêm giữa ban ngày, quyển hồi ký kiệt xuất mà anh cẩn thận ghi chú trong dấu ngoặc (Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị), đã nói lên lập trường của mình về Cộng sản như sau:
“Tôi là một người dân chủ có suy nghĩ. Tôi đã thích chủ nghĩa Cộng sản. Như bố tôi đã thích. Như mẹ tôi đã thích. Vào cái thời thanh niên của ông bà, trong cuộc đấu tranh cho giải phóng Dân tộc. Vào thời tôi, khi trước mặt tôi là quân xâm lược, sau lưng là Tổ quốc phải bảo vệ. Rồi tôi không thích nó nữa, cái chủ nghĩa Cộng sản mà tôi đã thấy trong thực tế. Ở nước ta. Ở Trung Quốc. Ở Liên Xô. Ở tất cả các nước gọi là xã hội chủ nghĩa khác. Nó là sự tàn bạo khoác áo nhân từ. Là sự cưỡng đoạt với bộ mặt cho của bố thí. Là sự đạo đức giả trơ trẽn.”
Lời bình của Vũ Thư Hiên về chủ nghĩa Cộng sản còn dài, nhưng xin ngưng trích để nói vài dòng về anh. Vũ Thư Hiên sinh năm 1933, tại Hà Nội, trong một gia đình yêu nước. Cha anh là Vũ Đình Huỳnh, một nhà cách mạng lão thành, thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930, nhiều lần ngồi tù Hỏa Lò và Sơn La, làm bí thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Mẹ anh cũng là đảng viên đảng Cộng sản kỳ cựu, đã từng nuôi nấng, cung cấp tiền, và vào các nhà lao để thăm nuôi các đồng chí bị Pháp bắt trong thời gian Đảng còn hoạt động bí mật. Ông Vũ Đình Huỳnh về nghỉ hưu với huân chương Kháng chiến Hạng nhất, được 3 năm thì tai họa giáng xuống gia đình. Theo đơn khiếu nại của bà Vũ Đình Huỳnh thì đêm 18-10-1967, công an ập vào nhà bắt ông đi biệt giam, không có án lệnh. Vài tháng sau, trong mùa Giáng Sinh năm đó, đến phiên người con Vũ Thư Hiên cũng bị công an theo dõi bắt cóc đi mất.
Vào lúc đó, Vũ Thư Hiên đã lập gia đình và đã có hai con. Tiểu gia đình của anh cùng với đại gia đình gồm cha và mẹ anh là nạn nhân của Đảng Cộng sản trong một vụ án thường được gọi là Vụ án Xét lại - chống Đảng. Cùng bị bắt như hai cha con ông Vũ Đình Huỳnh và Vũ Thư Hiên là hàng chục cán bộ cao cấp khác. Danh sách thật dài, toàn là những đảng viên kỳ cựu đã vào sanh ra tử đóng góp mồ hôi và xương máu để đưa Kháng chiến đến thành công và đưa Hồ Chí Minh từ vùng rừng núi Việt Bắc về Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Những uẩn khúc của Vụ án Xét Lại - chống Đảng, nguyên do vì sao có vụ án, các nạn nhân bị tù đày chết chóc ra sao, hậu quả là Đảng đã ban hành những điều cấm kỵ nào không được phép bàn đến, tất cả những ẩn tình khúc chiết đó được Nguyễn Minh Cần tường thuật trong chương 5 nhan đề Những trang sử đầm đìa nước mắt còn chưa chấm hết của quyển Công lý đòi hỏi (trang 85-126) và nhất là trong đại tác phẩm tố cáo Đêm giữa ban ngày dài 767 trang của tác giả Vũ Thư Hiên là nhân chứng vừa là nạn nhân.
Đầu đuôi câu chuyện của Vụ án ở Hà Nội năm 1967 lại bắt nguồn ở tận Mạc Tư Khoa, thủ đô của nước Nga. Nguyên nhân là 3 năm sau khi Stalin chết, trong kỳ Đại hội 20 của đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2 năm 1956, Khrushchev đã vạch trần tệ nạn sùng bái cá nhân, phơi bày tội ác kinh khủng của tên Đại đồ tể Stalin. Do đó, thần tượng Stalin bị sụp đổ sau hàng chục năm được tôn sùng. Thật là éo le trái khoáy, vì vào thời điểm đó, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh vẫn còn được tôn sùng như thánh sống, nhất là ở miền Bắc Việt Nam, trên bàn thờ tổ tiên vẫn ngự trị ảnh của những Mác-Lê-Xít-Mao-Hồ.
Hai cha con Vũ Đình Huỳnh và Vũ Thư Hiên cùng những nạn nhân trong vụ án Xét lại - chống Đảng gặp tai nạn y như câu Tai bay họa gởi dân gian thường nói. Thật đúng vậy, nạn nhân thì ở Hà Nội, mà Tai họa thì từ Mạc Tư Khoa gởi về, từ Bắc Kinh bay xuống phủ chụp những cán bộ nhiều tuổi đảng dày công kháng chiến khiến họ vô phương cầu cứu. Có Hồ Chí Minh chễm chệ trong Phủ Chủ tịch cũng bằng như không! 
Về chủ nghĩa Cộng sản, Vũ Thư Hiên viết tiếp: “Tôi không thích nó từ trước khi bị nó ném vào xà lim để dạy dỗ cho tôi tình yêu đối với nó. Trong nhà tù của nó tôi hiểu nó thêm. Và ghét nó hơn. Nhiều người đã đi qua đoạn đường ấy. Như tôi. Thích rồi không thích. Yêu rồi ghét.”
Lúc Vũ Thư Hiên viết những dòng chữ trên, tức đầu năm 2.000, thì anh đã sống đời tỵ nạn Cộng sản trên đất Pháp được 4 năm, sau khi nhận thấy không thể ở Nga được vì công an từ Hà Nội sang tìm cách bịt miệng anh. Chạy qua Ba Lan cũng không ổn, anh phải chọn nước Pháp làm đất dung thân. Nhưng khi luôn mang nặng trong lòng bài học Đạo bằng hữu phải cho có thuỷ chung trong sách Giáo khoa thư ngày xưa, nên về những người bạn còn ở Việt Nam, anh đã viết những dòng chữ thật đẹp:
“Hiện vẫn còn những người đang đi trên đoạn đường mà chúng tôi đã đi. Họ chưa đi hết. Họ chưa hiểu nó như tôi hiểu. Nhưng không phải vì thế mà họ là kẻ thù của tôi. Họ vẫn còn là bạn của tôi. Là những người tôi yêu mến. Những người tôi muốn vẫy gọi. Tôi tin: hiểu rồi, họ sẽ đi cùng tôi. Tôi không muốn họ hiểu lầm tôi. Tôi thấy cần phải rạch ròi trong những khái niệm. Tôi không muốn những người tốt, nhưng có điều chưa hiểu, trạnh lòng.”