mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (10)


Thời kỳ biến động lớn thứ hai: Ðại hội 20 ÐCSLX và sự phân liệt trong PTCSQT
Lúc "thời đại Stalin" xế bóng, ngay khi kẻ độc tài còn tại vị, cuộc khủng hoảng chế độ xô-viết về nhiều mặt trở nên rất sâu sắc. Về kinh tế, nổi bật nhất là sự sa sút của nền nông nghiệp xô-viết và tình trạng nghèo khổ cùng cực của nông dân do chính sách kinh tế của ÐCS bòn vét bóc lột nông dân để phục vụ kinh tế xã hội chủ nghĩa, là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ là ngành bị coi rẻ từ lâu, là tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng rất trầm trọng. Về mặt xã hội, nổi rõ sự bất bình của nông dân do thuế má quá nặng nề, do những hạn chế ngặt nghèo đối với kinh tế gia đình của nông dân, cũng như sự bất mãn, oán hận của hàng triệu gia đình có con em, vợ chồng bị giam giữ, tù đày trong các trại tập trung thuộc hệ thống GULAG. Tại đấy, đã nổ ra hàng chục cuộc nổi dậy lớn của tù nhân trong nửa cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50. Trong bộ sử Nga nổi tiếng, xuất bản dưới thời "perestroika", đã nhận định: "Tình hình những người cầm quyền hồi đó giống như đang ngồi trên ngọn núi lửa mà bên trong đang tích lũy và chín muồi năng lượng của sức công phá cực kỳ lớn lao. Nguồn căng thẳng xã hội được tạo nên do khu vực lao động cưỡng bách thường xuyên được mở rộng, khu vực này phân ra hai nhánh - một bên là GULAG, còn bên kia là nông thôn tập thể hóa" (xem: "Tổ Quốc chúng ta" của nhiều tác giả. Moskva, tái bản 1991, tiếng Nga, t.2, tr.445).
Khủng hoảng chính trị còn biểu hiện ở những cuộc thanh trừng mà Stalin tiến hành tại Liên Xô ("vụ án Leningrad", "vụ án các bác sĩ", v.v... và việc chuẩn bị đợt thanh trừng mới) và tại các nước "chư hầu" , như Bulgaria, Tiệp Khắc, Ba Lan, Ðông Ðức, v.v... làm nhiều lãnh tụ cộng sản các nước đó bị giết, bị tù, bị thất sủng. Nó cũng biểu hiện ở cuộc đánh phá Tito và ÐCS Nam Tư (tên chính thức là Liên minh những người cộng sản Nam Tư) bắt đầu ngay sau khi chiến tranh thế giới kết thúc. Trong lúc đó, cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm phái trong ÐCSLX vốn ngấm ngầm khi Stalin còn sống, đã bùng ra quyết liệt sau khi Stalin chết. Các nhân vật chính trong trận thư hùng này là "bộ ba" tam đầu chế (triumvirat): Malenkov nắm bộ máy chính phủ, Beria nắm bộ máy công an mật vụ và Khrutshev nắm bộ máy đảng. Trong "bộ ba" này thì Beria là người có thế lực nhất và nguy hiểm nhất, nhưng người giành thắng lợi lại là Khrutshev. Khi lên ngôi vị mới rồi, Khrutshev và ban lãnh đạo mới của ÐCSLX cố tìm mọi cách để vượt qua cuộc khủng hoảng.
Ðến tháng 2.1956, khi Khrutshev củng cố được vị thế lãnh tụ trong đảng rồi thì đã diễn ra đại hội 20 ÐCSLX. Ðó là một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử PTCSQT, nó giống như một trận địa chấn đã làm rung động đến tận gốc rễ các ÐCS, gây ra hậu quả đầy kịch tính là sự phân liệt của PTCSQT thành hai phe kịch liệt kình chống nhau, buộc tội cho nhau là "xét lại hiện đại" và "giáo điều bảo thủ".
Bản báo cáo mật tố cáo "tệ sùng bái cá nhân Stalin" do Khrutshev, bí thư thứ nhất BCH TƯ ÐCSLX, đọc trong ngày họp cuối cùng của đại hội (25.2.1956) giống như một quả bom bùng nổ trong ÐCSLX và trong PTCSQT. Lần đầu tiên, "người cha của các dân tộc" (một trong 11 danh hiệu tôn vinh Stalin), vị thánh sống của những người cộng sản trên thế giới đã bị vạch mặt là một tên bạo chúa đẵm máu, gian hùng với những tội ác tày trời. Hào quang rực rỡ trên thần tượng Stalin bị đập vỡ tan tành. Thật ra, Khrutshev chỉ mới trình bày một phần sự thật mà thôi, còn nhiều tội ác khủng khiếp khác không được nói đến hoặc giấu kín (chẳng hạn, hiệp ước Liên Xô ký với phát xít Ðức, vụ giết hàng ngàn sĩ quan Ba Lan ở Katyn rồi đổ vấy cho phát xít, v.v...), và khi đưa ra những tội ác của Stalin thì Khrutshev lại đổ lỗi cho "sự sùng bái cá nhân Stalin", chứ không dám truy nguyên sâu xa đến bản chất của chế độ cực quyền cộng sản. Phê phán Stalin, Khrutshev tuyệt nhiên không đụng đến Lenin, ông coi Lenin là tuyệt đối đúng, chỉ có Stalin làm sai chủ thuyết của Lenin.
Sở dĩ Khrutshev đã hành động như thế vì:
a) bản thân ông cũng như nhiều người khác trong ban lãnh đạo đảng hồi bấy giờ kẻ ít người nhiều đều có dính dáng đến những tội ác của Stalin, nên không ai muốn phơi bày hết sự thật;
b) trước sau ông vẫn là một người cộng sản bolshevik, nhận thức của ông không thoát khỏi ý thức hệ cộng sản, ông không dám truy nguyên tận cùng bản chất độc tài của ÐCS, cũng như của chế độ cực quyền mà đảng ông đã dựng lên, ông muốn duy trì chế độ đó cũng như quyền lực của giai cấp nomenklatura đang thống trị trong chế độ đó;
c) ông phải cân nhắc "liều lượng" công khai hóa các tội ác để giảm thiểu sự chống đối của các ủy viên bảo thủ trong Chủ tịch đoàn trung ương (CTÐ TƯ - tên gọi hồi đó của Bộ chính trị) đảng, trong đó không ít địch thủ của ông, để có thể được đồng ý báo cáo công khai trước đại hội. Và ông đã làm việc này với lòng dũng cảm lớn và tinh thần trách nhiệm cao.
Sau khi ÐCSLX chính thức công bố những tội ác của Stalin, người đầu tiên phản đối việc chống sùng bái cá nhân là Mao Trạch Ðông. Chẳng phải ông ta quý mến gì Stalin (nhiều người biết là Mao vẫn ngấm ngầm căm ghét Stalin trong nhiều việc, nhất là thái độ trịch thượng của Stalin đối với Mao trong lần ông đến Moskva hồi năm 1950), nhưng Khrutshev đụng đến sự sùng bái Stalin tức là đụng đến sự sùng bái bản thân Mao, mà Mao thì rất cần nuôi dưỡng sự sùng bái đó để có thể cai trị đám thần dân của ông hồi đó đông đến trên 600 triệu người. Thái độ của Mao có ảnh hưởng đến nhiều lãnh tụ cộng sản đang cầm quyền ở Albania, Triều Tiên, Việt Nam... Ở các nước Âu Mỹ, do trình độ dân trí cao, ý thức dân chủ mạnh, có thông tin đầy đủ, sự hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ của trí thức, công nhân và đảng viên đối với những nghị quyết của đại hội 20 ÐCSLX, nên hầu hết lãnh tụ cộng sản các nước Âu Mỹ không ai công khai phản đối việc phê phán Stalin, dù có thể có người không bằng lòng trong bụng. Ðiều này khác hẳn với các nước còn ảnh hưởng văn hóa phong kiến nặng nề, ý thức dân chủ non yếu, đảng viên cũng như dân chúng quen thói sùng bái, thần phục lãnh tụ, cho nên lãnh tụ cộng sản các nước này thường dễ dùng thủ đoạn đánh lừa (manipuler) cán bộ đảng viên và dân chúng. Họ bưng bít tin tức về đại hội 20, hạn chế, thậm chí bóp méo thông tin để tha hồ giải thích về vấn đề Stalin theo cách của họ. Không những thế, nhiều đảng, như ÐCSVN, còn cấm tuyệt cán bộ, đảng viên không được đả động đến Stalin.
Ðại hội 20 ÐCSLX gây chấn động trong PTCSQT một phần nữa vì nó đã đưa ra những luận điểm quan trọng mới mẻ và táo bạo (so với thời điểm bấy giờ) làm đảo lộn lối tư duy cũ kỹ đã thành nếp trong phong trào. Có thể tóm tắt những luận điểm trọng yếu ấy như sau.
Loài người đang đứng trước hiểm họa nghiêm trọng của cuộc chiến tranh thế giới mới với những võ khí hủy diệt khủnh khiếp, như bom nguyên tử, bom nhiệt hạch, v.v... cho nên nhiệm vụ cấp thiết của các ÐCS trên thế giới là phải đấu tranh bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, chống chạy đua võ trang, đòi giải trừ quân bị. Các ÐCS phải biết dùng những khẩu hiệu đó để tập hợp quanh mình một phong trào quần chúng rộng lớn để chống lại âm mưu của chủ nghĩa đế quốc. Khác với trước, ÐCSLX không công khai đặt vấn đề hệ thống xã hội chủ nghĩa phải dùng bạo lực để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" với hệ thống tư bản chủ nghĩa, mà đặt vấn đe^` "cùng tồn tại hòa bình” và "thi đua hòa bình” giữa hai hệ thống, vì hồi đó những người cộng sản Liên Xô tin tưởng rằng trong cuộc "thi đua hòa bình", hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ thắng hệ thống tư bản chủ nghĩa. ÐCSLX cho rằng ngày nay đã có khả năng ngăn ngừa chiến tranh thế giới, có khả năng hòa bình giành được chính quyền và chuyển lên chủ nghĩa xã hội ở các nước tư bản chủ nghĩa. Về mặt đối nội, ÐCSLX cho rằng các ÐCS cầm quyền ở nước xã hội chủ nghĩa cần ra sức phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho dân chúng, đồng thời mở rộng tự do dân chủ, coi trọng chế độ pháp trị xã hội chủ nghĩa và chống sùng bái cá nhân lãnh tụ. Ðó là những cơ sở cho hệ thống xã hội chủ nghĩa giành được thắng lợi cuối cùng.
Những luận điểm mới này một mặt gây ra một luồng sinh khí mới trong các ÐCS và tạo nên một niềm phấn khởi lớn trong dân chúng ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là các tầng lớp trí thức, công nhân, sinh viên, thanh niên. Người ta hy vọng nạn độc tài độc đoán, vi phạm pháp chế sẽ chấm dứt và xã hội sẽ dần dần được dân chủ hóa; nỗi lo sợ chiến tranh cũng giảm bớt nhiều. Mặt khác, chúng cũng làm cho các lãnh tụ cộng sản bảo thủ lúc đầu tỏ thái độ nghi ngờ và lạnh nhạt, rồi dần dần chuyển sang chống đối mạnh mẽ; họ phê phán những luận điểm đó là "hòa bình giai cấp", "thỏa hiệp giai cấp", "buông lỏng chuyên chính vô sản", thậm chí là "chủ nghĩa xét lại hiện đại" và "phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin".
Thái độ của Mao Trạch Ðông và ÐCSTQ đối với những nghị quyết của đại hội 20 ÐCSLX đã tạo ra nguy cơ phân liệt trong PTCSQT, dù rằng cho đến tháng 10.1957 sự hợp tác giữa hai chính phủ Liên Xô và Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao - trong tháng đó hai chính phủ đã ký hiệp định bí mật về hợp tác quân sự với mục tiêu cụ thể: tăng cường công nghiệp quân sự cho Trung Quốc, xây dựng theo thiết kế và thiết bị của Liên Xô và chuyển giao bom nguyên tử cho Trung Quốc cùng kỹ thuật sản xuất bom đó. Ðây là hiệp định đầu tiên và cho đến nay là trường hợp duy nhất một cường quốc sẵn sàng chia sẻ với đồng minh của mình những bí mật về bom nguyên tử (cố nhiên, về sau do quan hệ giữa hai nước xấu đi, nên hiệp định này đã không được thi hành).
Ðể tìm con đường chung thoát khỏi cuộc khủng hoảng và duy trì được sự thống nhất của PTCSQT, trong dịp kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng Mười, ÐCSLX đã vận động để tổ chức một cuộc hội nghị quan trọng của các ÐCS trên thế giới. Mao Trạch Ðông đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc đến Moskva. Nam Tư cũng cử phái đoàn đến nhưng Tito thì không đến. Tại cuộc hội nghị đại biểu của 12 ÐCS cầm quyền (14-16.11.1957) và hội nghị đại biểu các ÐCS và ÐCN 64 nước trên thế giới (16-19.11.1957) lúc đầu không có sự tranh cãi gay gắt, chỉ có Mao và Togliatti là cố so đọ các quan điểm khác nhau có tính chất tranh luận, còn phần đông các đại biểu cố giữ hòa khí, nhưng cuối cùng rồi cũng bùng ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa đoàn đại biểu ÐCSTQ với đoàn đại biểu ÐCSLX. Nhưng để tránh sự phân liệt, các đoàn đại biểu 12 ÐCS cầm quyền đã thỏa thuận ký Tuyên bố chung có tính chất thỏa hiệp, còn đại biểu các ÐCS và ÐCN 64 nước trên thế giới đã ra Tuyên ngôn Hòa bình. Trong Tuyên bố chung, phe bảo thủ đòi ghi bằng được nhận định tính chất thời đại hiện nay là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, ghi rõ những điều kiện căn bản mà các nước xã hội chủ nghĩa phải thực hiện, chẳng hạn, phải duy trì và củng cố chuyên chính vô sản, phải thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ, phải làm cách mạng văn hóa và tư tưởng, phải chống chủ nghĩa xét lại... Tóm lại, hai phe tranh chấp nhau, nhưng không ai muốn có sự tan vỡ của PTCSQT nên đã cố thỏa hiệp nhau, và ai cũng làm như tuồng hai văn kiện vừa ký kết đó là biểu tượng của sự thống nhất của PTCSQT. Sự thật thì những thỏa hiệp tạm thời đó không thể hàn gắn được sự nứt rạn sâu sắc của PTCSQT.
Đảng Cộng Sản Liên Xô lại cố vận động cho một cuộc hội nghị quốc tế nữa. Tại đại hội ÐCS Rumanie (tên chính thức là Ðảng công nhân Rumanie) hồi tháng 6.1960, trong cuộc gặp mặt của các phái đoàn các Ðảng đến dự đại hội đã có cuộc trao đổi ý kiến để chuẩn bị cho cuộc hội nghị các ÐCS và ÐCN thế giới sắp tới, bỗng dưng bùng nổ cuộc tranh cãi gay gắt giữa Khrutshev và Bành Chân. Tuy vậy, đến tháng 11 năm 1960, cuộc hội nghị quốc tế đó cũng đã họp được với thành phần đông hơn trước: đại biểu 81 đảng (trên thế giới hồi đó có 86 đảng), trong số đó có 70 đảng tán thành quan điểm của ÐCSLX. Lại tranh cãi kịch liệt giữa hai ÐCS lớn nhất thế giới, rồi lại thỏa hiệp nhau bằng một tuyên bố chung.
Tình thế đã đổi thay, khác hẳn thời Lenin và Stalin, ngày nay ÐCSLX không thể lấy thế "đàn anh" hay lấy "đa số" ra lệnh mà được: trong PTCSQT thực tế đang có sự tranh chấp quyền lãnh đạo giữa hai ÐCS lớn nhất với hai lãnh tụ của họ - Mao Trạch Ðông và Khrutshev. Vì thế ngay sau hội nghị quốc tế đó thì Phong Trào Cộng Sản Qô’c Tê’ thực tế đã phân liệt thành hai phe - phe theo Liên Xô và phe theo Trung Quốc. Phe Liên Xô công kích phe Trung Quốc là giáo điều, bảo thủ; phe Trung Quốc đả kích phe Liên Xô là xét lại, hết tinh thần cách mạng, sợ đế quốc, thậm chí tay sai đế quốc, phản cách mạng. Ngay từ năm 1961, ÐCSTQ đã công khai tuyên truyền: trung tâm cách mạng đã chuyển từ Nga đến Trung Quốc, và từ năm 1962 đã bắt đầu vận động thành lập Quốc tế mới do Mao Trạch Ðông và ÐCSTQ lãnh đạo, với nòng cốt là các ÐCS Albania, Nam Dương (Indonesia), Bắc Triều Tiên, Việt Nam... ÐCSTQ còn cố lôi kéo "thế giới thứ ba" để lập thành "mặt trận thế giới" do họ lãnh đạo nhằm chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ và "chủ nghĩa xét lại hiện đại" Liên Xô. Tình hình PTCSQT đầu những năm 60 là như vậy đó.
Về mặt đối nội: Ngay sau đại hội 20, Khrutshev và ban lãnh đạo ÐCSLX ra sức tháo gỡ ngòi nổ ở kho thuốc súng bất mãn xã hội trong nước. Họ thành lập ủy ban xét lại các vụ án chính trị dưới thời Stalin, minh oan và trả tự do cho hàng trăm ngàn tù nhân bị giam giữ trong các trại tập trung và phục hồi danh dự cho hàng trăm ngàn người khác đã bị chết oan. Ở nông thôn, nông dân được cấp giấy thông hành (passports) và từ đó lần đầu tiên dưới chế độ xô-viết, nông dân được đi lại tự do trong nước của mình! Chính phủ xô-viết đã quyết định giảm thuế vốn rất nặng đánh vào nông thôn, nới rộng chút ít cho nông dân có được mảnh ruộng đất riêng nho nhỏ có vài con bò riêng để làm kinh tế gia đình, mở "chợ nông trang" cho nông dân tiêu thụ sản phẩm làm ra... Hàng chục vạn người thuộc các dân tộc trước đây bị Stalin lưu đày đến các vùng xa xôi, nay được trở về quê cũ. Dù việc này có gây ra biết bao vấn đề căng thẳng (do sự tranh giành đất đai, nhà cửa giữa người bị lưu đày và người mới được đưa đến ở) nhưng nói chung cũng làm cũng làm cho các dân tộc nạn nhân hả lòng đôi chút. Ở các thành phố lớn đã gấp rút mở rộng việc xây dựng nhà ở để giải quyết nạn thiếu nhà dân phải chui rúc sống ở tầng hầm. Một vài tác phẩm văn học nghệ thuật trước kia bị cấm thì nay bắt đầu được in ấn, xuất bản... Một bầu không khí hồ hởi phấn khởi dâng lên mạnh trong dân chúng và đảng viên ở Liên Xô, mọi người cảm thấy như được giải phóng thật sự. Hồi ấy, người dân Liên Xô gọi thời kỳ này là "trời trở ấm” (ottepel), ý nói thời tiết dễ chịu lên sau những ngày băng giá.